Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quyết sách nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu

Tại sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 16/4, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều đồng tình khẳng định, không có mô hình trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tốt nhất cho mọi quốc gia, vì việc lựa chọn mô hình còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội riêng biệt. Vì vậy, Việt Nam cũng hướng đến xây dựng IFC phù hợp với các chính sách hiện hành, điều kiện kinh tế - xã hội của riêng mình. Với mục tiêu vừa đảm bảo hiệu quả của IFC vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tài chính.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng16/04/2025

Nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế toàn diện

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, việc xây dựng IFC đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Thực hiện định hướng của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính - ngân hàng và cộng đồng chuyên gia đang cùng chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng - với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế - được xác định là lực lượng tiên phong, vừa tạo nền tảng ổn định, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái tài chính quốc gia.

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quyết sách nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu
Toàn cảnh Sự kiện

Dưới góc độ của đơn vị tham mưu chính sách cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, vai trò của trung tâm tài chính quốc tế với Việt Nam đã được thể hiện rõ, đó là kết nối thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính quốc tế và dòng vốn đầu tư; tăng cường huy động - phân bổ hiệu quả nguồn lực, tạo đột phá về thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các yếu tố thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam đó là vị trí địa lý chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư; kinh tế vĩ mô ổn định. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương được lựa chọn sẽ là nơi xây dựng IFC của Việt Nam. Theo bà Nguyệt, TP. Hồ Chí Minh phù hợp với mô hình bán cổ điển, gắn kết giữa giao thương, công nghệ, thị trường vốn và dịch vụ tài chính, còn Đà Nẵng phù hợp với mô hình thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do, dịch vụ tài chính xanh, quản lý rủi ro, ngoại hối.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Richard D. McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng IFC đóng vai trò chiến lược then chốt đối với một quốc gia, bởi nó không chỉ là vị trí địa lý hay cơ sở hạ tầng, mà là sự hội tụ của nhiều yếu tố quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế toàn diện.

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quyết sách nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu
Ông Richard D. McClellan, chuyên gia kinh tế, cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư cho rằng IFC đóng vai trò chiến lược then chốt đối với một quốc gia

Theo ông Richard D. McClellan, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển IFC, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ thể hiện qua các quyết định và nghị quyết cấp cao.

“Việc chậm trễ trong việc xây dựng IFC sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội quý giá. Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực như Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, cùng với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi Việt Nam phải hành động nhanh chóng. Các tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe từ FATF/OECD, cùng với thời gian cần thiết cho quá trình cải cách, nhấn mạnh sự cấp bách của việc triển khai ngay lập tức. Việc chậm trễ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong tương lai mà còn đe dọa nền tảng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cơ hội song hành cùng với những bài toán cần lời giải

Vai trò của hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính quốc tế là rất quan trọng. Bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV cũng nhận diện đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam khi có điều kiện thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Đồng thời, mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính; chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể tăng tốc chuyển đổi số và định hình mô hình ngân hàng nền tảng.

Tuy nhiên, cũng hiện diện một số thách thức như áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế; khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số. Vì vậy, các ngân hàng Việt phải đối diện với sự cạnh tranh rất lớn, và có khả năng thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó là rủi ro bị “quốc tế hoá áp lực” nhưng chưa đủ “quốc tế hoá năng lực”. Cuối cùng là thách thức trong xây dựng niềm tin thị trường và tính nhất quán chính sách.

Là đơn vị đang cùng chung tay xây dựng chính sách về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (NHNN) cho rằng, chủ trương thành lập IFC là một chủ trương lớn, quan trọng và nó cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam. Có thể nhận diện nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở các quốc gia, nhưng đối với Việt Nam, việc thành lập IFC còn khó và khác biệt hơn các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý.

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quyết sách nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu
Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng (NHNN) cho rằng, chủ trương thành lập IFC là một chủ trương lớn, quan trọng và nó cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam

Phân tích cụ thể hơn, ông Long cho rằng, các trung tâm tài chính quốc tế vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng. Còn ở Việt Nam, hiện có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hoá dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập IFC nhưng hiện Việt Nam có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Ngoài ra, các cam kết quốc tế với đối tác thương mại của Việt Nam vẫn có những yêu cầu về bảo vệ thị trường. Bên cạnh đó, nếu có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính thì cũng là một bài toán. “Làm sao để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả,,nhưng vẫn phảm đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô”, ông Long chia sẻ.

Về phía các ngân hàng, theo ông Long, hoạt động ngân hàng truyền thống trong IFC sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm với đó là vấn đề quản lý an toàn hoạt động. Đại diện Cục An toàn các tổ chức tín dụng cho biết, NHNN sẽ rà soát, sửa thông tư về tỷ lệ an toàn vốn, tuân thủ theo Basel II nâng cao. Dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Long cho biết NHNN sẽ phối hợp với các bên để xây dựng chính sách đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng cũng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước chia sẻ này, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam cho biết, rất yên tâm vì NHNN thực sự đã có sự chuẩn bị, giải pháp đưa ra rõ ràng đó là hướng tới các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để đảm bảo sự an toàn, minh bạch, hiệu quả hoạt động chung của các định chế tài chính. Đồng thời, NHNN cũng đã khẳng định sẽ phối hợp hiệu quả với các bên liên quan trong việc đảm bảo hoạt động của trung tâm tài chính.

Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quyết sách nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu
Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thuý Sen phát biểu kết luận Sự kiện

Tại sự kiện, đại diện các ngân hàng cũng chia sẻ những giải pháp như tận dụng về nguồn nhân lực, đa dạng hoá sản phẩm tài chính và từng bước tiệm cận với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và thế giới, đẩy mạnh các điều kiện nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước đưa vào vận hành các thị trường mới như thị trường hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số, tiệm cận mô hình của các trung tâm tài chính quốc tế…

PGS.,TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị, để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có tầm ảnh hưởng, cần có sự kết hợp của các chính sách tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển bền vững, một khung pháp lý linh hoạt và hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy cả cạnh tranh và hợp tác, và xây dựng một nền tảng kinh tế và pháp lý vững chắc.

Trước những đề xuất, góp ý đa dạng và quý báu, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thuý Sen cho biết sẽ xây dựng bản báo cáo nhằm góp thêm một kênh thông tin giúp lãnh đạo NHNN có cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến trung tâm tài chính.

Kết luận Sự kiện, bà Lê Thị Thuý Sen cũng khẳng định: Không có mô hình IFC nào tốt nhất cho mọi quốc gia. Vì thế, mỗi quốc gia sẽ có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của riêng mình. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo, phát triển IFC là nhu cầu tất yếu, nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn an ninh tài chính quốc gia, sự an toàn của định chế tài chính tham gia IFC. Đồng thời cũng là an toàn của người sử dụng dịch vụ tài chính…

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-quyet-sach-nang-tam-quoc-gia-trong-chuoi-gia-tri-kinh-te-toan-cau-162876.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm