Bảng xếp hạng của Times Higher Education phản ánh chất lượng giáo dục, vị trí thứ hạng của các trường đại học top đầu tại nhiều quốc gia trong khu vực.
Xếp hạng này dựa trên bộ tiêu chí nghiêm ngặt bao gồm mức độ gắn kết của sinh viên và hoạt động học tập, nghiên cứu tại nhà trường, danh tiếng học thuật của trường, cơ hội trao đổi quốc tế giữa trường với các tổ chức giáo dục nước ngoài...

Lọt vào top 200 trường đại học tốt nhất châu Á năm nay, khu vực Đông Nam Á có 17 trường, trong đó, Việt Nam có một trường: Đại học Kinh tế TPHCM.
Dưới đây là thông tin về một số trường đại học nằm ở các nước Đông Nam Á có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Times Higher Education:

Khuôn viên Đại học Quốc gia Singapore (Ảnh: THE).
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là một trường đại học nghiên cứu công lập hàng đầu tại Singapore. Trường được thành lập chính thức vào năm 1980, thông qua việc sáp nhập Đại học Singapore và Đại học Nanyang.
Trường cung cấp các chương trình đào tạo đại học và sau đại học trên nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, y khoa, thiết kế, môi trường, kỹ thuật, kinh doanh, công nghệ thông tin, luật, nghệ thuật, khoa học xã hội
Trong đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu hợp tác với trường có một người từng đoạt giải Nobel, một người đoạt giải Tang và một người đoạt giải Vautrin Lud.

Khuôn viên Đại học Công nghệ Nanyang (Ảnh: THE).
Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) là một trường đại học nghiên cứu công lập nổi tiếng tại Singapore. Được thành lập vào năm 1981, đây là trường đại học lâu đời hàng đầu của quốc đảo này.
Đại học Công nghệ Nanyang được tổ chức thành nhiều trường và học viện trực thuộc, bao gồm: Trường Kỹ thuật, Trường Khoa học, Trường Kinh doanh Nanyang, Trường Y khoa Lee Kong Chian, Trường Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Trường Cao học, Viện Giáo dục Quốc gia và Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam.
Nơi đây còn có các trung tâm nghiên cứu danh tiếng như Đài Quan sát Trái đất Singapore, Trung tâm Kỹ thuật Khoa học Sự sống Môi trường Singapore.
Khuôn viên chính của trường có diện tích 200 hécta, đây cũng là trường đại học có khuôn viên lớn nhất tại Singapore. Ngoài ra, trường còn có hai cơ sở khác đặt tại 2 khu trung tâm về y tế và khởi nghiệp của Singapore, là khu Novena và One-north. Tính đến năm 2024, trường có hơn 37.000 sinh viên theo học và đội ngũ gần 8.000 giảng viên, nhân viên.

Khuôn viên Đại học Công nghệ Petronas (Ảnh: THE).
Đại học Công nghệ Petronas (UTP) là một trường đại học nghiên cứu tư thục tại Malaysia, được thành lập vào năm 1997. Trường thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia - Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS).
Khuôn viên của trường rộng 400 hécta, nằm tại khu đô thị Seri Iskandar, bang Perak, Malaysia. Trường thực hiện các hoạt động nghiên cứu phối hợp cùng PETRONAS, tập trung vào 6 lĩnh vực gồm: xây dựng phát triển bền vững, hạ tầng giao thông, nghiên cứu điều trị sức khỏe, kỹ thuật khai thác dầu khí, xử lý chất gây ô nhiễm và hệ thống điều khiển tự động.

Khuôn viên Đại học Malaya (Ảnh: THE).
Đại học Malaya (UM) là một trường đại học nghiên cứu công lập tọa lạc tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất của Malaysia với lịch sử hình thành bắt đầu từ năm 1905.
Hiện nay, Đại học Malaya có hơn 2.300 giảng viên, được tổ chức thành 14 khoa, 2 học viện, 3 viện nghiên cứu và 2 trung tâm học thuật. Trường đã đào tạo ra nhiều chính trị gia, doanh nhân, nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Malaysia.

Khuôn viên Đại học Công nghệ Malaysia (Ảnh: THE).
Đại học Công nghệ Malaysia (UTM) là một trường đại học công lập được định hướng dẫn đầu hoạt động nghiên cứu công nghệ tại Malaysia. Ngôn ngữ giảng dạy chính tại trường là tiếng Anh. Trường có thế mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
Trường cung cấp các chương trình đào tạo đa dạng, từ lĩnh vực kiến trúc, kế toán, kỹ thuật đến nghiên cứu văn hóa, tôn giáo... Trường có khoảng 2.600 giảng viên, hơn 18.000 sinh viên, trong đó có gần 2.500 sinh viên quốc tế.
Lịch sử hình thành của trường bắt đầu từ năm 1904. Trường hiện có 2 cơ sở đào tạo: một tại trung tâm thủ đô Kuala Lumpur và một tại thành phố Johor Bahru. Cơ sở đặt tại Johor Bahru có 10 ký túc xá phục vụ sinh viên.
Trường sở hữu hệ thống cơ sở vật chất thể thao hiện đại, bao gồm sân vận động với sức chứa gần 40.000 chỗ ngồi, hồ bơi đạt chuẩn Olympic, trung tâm chèo thuyền kayak và cưỡi ngựa.

Khuôn viên Đại học Quốc gia Malaysia (Ảnh: THE).
Đại học Quốc gia Malaysia (UKM) thành lập năm 1970, là một trong 4 trường đại học nghiên cứu trọng điểm của Malaysia kể từ năm 2006, do trường có thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học. Đại học Quốc gia Malaysia có cơ sở đặt tại Bangi, Cheras và Kuala Lumpur.
Thư viện Tun Seri Lanang của trường là một trong những thư viện đại học lớn nhất Malaysia, với hơn 2 triệu đầu sách, tạp chí, sách điện tử và tạp chí điện tử.
Các lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu của trường gồm năng lượng, khoa học trái đất và công nghệ sinh học. Nhiều công trình nghiên cứu của trường đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tại Malaysia.

Khuôn viên Đại học Chulalongkorn (Ảnh: THE).
Đại học Chulalongkorn là đại học lâu đời nhất của Thái Lan, trường có lịch sử hình thành từ năm 1917. Đại học Chulalongkorn là đại học nghiên cứu công lập, tọa lạc ngay tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Qua lịch sử hình thành và phát triển, trường luôn giữ vững vai trò là trung tâm học thuật và đào tạo chuyên môn hàng đầu của Thái Lan.
Với sứ mệnh gắn liền với phục vụ cộng đồng, Đại học Chulalongkorn không chỉ chú trọng phát triển tri thức và kỹ năng nghiên cứu, mà còn đề cao việc gìn giữ nghệ thuật, văn hóa và giá trị truyền thống của Thái Lan.
Trường hiện có 20 khoa, 23 trường trực thuộc và các viện nghiên cứu, cùng hơn 8.100 giảng viên. Tổng số sinh viên đang theo học lên tới hơn 37.000 người, trong đó có hơn 26.000 sinh viên đại học và hơn 10.000 nghiên cứu sinh sau đại học.
Là đại học hàng đầu Thái Lan, Đại học Chulalongkorn hướng tới việc trở thành hình mẫu trong lĩnh vực giáo dục, đổi mới vì xã hội và phát triển bền vững. Trường đặt trọng tâm vào 3 định hướng chính: đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai, thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới có tác động thực tiễn, cổ vũ cho phát triển xã hội bền vững.

Khuôn viên Đại học Kinh tế TPHCM (Ảnh: THE).
Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) được thành lập năm 1976. Trường hiện có 3 trường thành viên gồm Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và Thiết kế.
Là một trong những trường đại học trọng điểm cấp quốc gia của Việt Nam, Đại học Kinh tế TPHCM cung cấp hệ thống chương trình đào tạo đại học và sau đại học đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực.
Trường có môi trường nghiên cứu chuyên sâu, mạng lưới hợp tác học thuật rộng khắp với gần 100 trường đại học đối tác trên toàn thế giới. Điều này góp phần nâng cao vị thế quốc tế của trường.
Trường định hướng lấy người học làm trung tâm và thúc đẩy giáo dục khai phóng nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện của người học. Đại học Kinh tế TPHCM đang ngày càng khẳng định được vị thế là một trong những đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu Đông Nam Á.
Theo Times Higher Education/Website các trường
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/17-truong-dai-hoc-tot-nhat-dong-nam-a-viet-nam-co-mot-truong-20250502181847635.htm
Bình luận (0)