Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá?

(Dân trí) - Công nghệ lõi giờ đây không chỉ là động lực kinh tế mà còn là yếu tố then chốt quyết định an ninh, vị thế quốc gia và Việt Nam đối mặt với cả những cơ hội lớn và thách thức không nhỏ.

Báo Dân tríBáo Dân trí05/05/2025

Thế giới đang đổi thay nhanh chóng, khác thường nhờ sự phát triển vượt bậc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn đang định hình và vẽ lại trật tự thế giới.

Do đó "cuộc chiến làm chủ công nghệ chiến lược" hiện đã trở thành những chủ đề nóng bỏng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu. Công nghệ chiến lược đóng vai trò quan trọng không chỉ trong công nghệ dân dụng mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh quốc gia và quyền lực toàn cầu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, 6G, máy tính lượng tử và xe tự lái, ngành công nghiệp công nghệ chiến lược đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Ví dụ, vi mạch bán dẫn, với những tập đoàn lớn như Intel, NVIDIA và Qualcomm của Hoa Kỳ, hay TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), không chỉ là nền tảng của công nghệ hiện đại mà còn là yếu tố quyết định trong các hệ thống quân sự và an ninh quốc gia. Cuộc chiến bán dẫn sẽ mang tính quyết định trong việc xác định vị thế và quyền lực của các quốc gia trên trường quốc tế.

Vì thế, việc tiến tới tự cường, tự chủ về công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược an ninh của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thực tiễn này đòi hỏi Việt Nam có sự đột phá tư duy trên nhiều mặt, cùng với cách tiếp cận khôn ngoan, trong đó có đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bối cảnh này đòi hỏi những định hướng chính sách đúng đắn và hành động quyết liệt để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt cho sự phát triển đất nước, như tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn những áp lực, cơ hội, các khái niệm cốt lõi như "công nghệ chiến lược" và những giải pháp đột phá cần thiết, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, chiến lược kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới).

Công nghệ Chiến lược Quốc gia: Khái niệm và tầm quan trọng

Theo ông, khái niệm "công nghệ chiến lược quốc gia" nên được định nghĩa và xác định dựa trên những tiêu chí cốt lõi nào để phù hợp nhất với bối cảnh và nguồn lực của Việt Nam?

- Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể, chính thức về công nghệ chiến lược, bởi mỗi quốc gia thì có những quan niệm rất khác nhau, thường dựa trên thế mạnh về khoa học công nghệ (KHCN).

Theo chúng tôi công nghệ chiến lược là tập hợp các công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ lõi do chúng ta là chủ, được Nhà nước ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển, và khi đi vào ứng dụng, sản xuất thì tạo khả năng xoay chuyển tình thế phát triển của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng vai trò nền tảng tạo ra các ngành mới và có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng an ninh quốc gia.

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 1

Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, chiến lược kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Ảnh: Quyết Thắng).

Sản phẩm công nghệ chiến lược được hình thành từ công nghệ thuộc Danh mục công nghệ chiến lược, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia vào mắt xích chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045 và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo đó, mỗi quốc gia đều lựa chọn cho mình những lĩnh vực công nghệ Chiến lược: Ví dụ ở Mỹ thì lựa chọn công nghệ bán dẫn, AI, quân sự, y tế; nước Anh lựa chọn khoa học cơ bản, năng lượng xanh, Fintech; nước Pháp lựa chọn công nghệ hàng không, năng lượng hạt nhân, y học, dược phẩm; Hàn Quốc lựa chọn công nghệ bán dẫn, xe điện, viễn thông; Trung Quốc là AI, 5G... hay Nhật Bản chọn robot, công nghệ vật liệu, điện tử.

Thưa ông, trong bối cảnh cạnh tranh làm chủ công nghệ chiến lược và đảm bảo chủ quyền công nghệ trên toàn cầu, đâu là những cơ hội lớn nhất và thách thức đối với Việt Nam hiện nay?

- Về cơ hội để phát triển công nghệ chiến lược:

Về vị trí chiến lược: Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển công nghệ chiến lược, nhất là trong thế cạnh tranh gay gắt của ngành công nghệ thế giới. Là quốc gia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á giúp dễ dàng kết nối với các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia.

Điều này làm cho Việt Nam trở thành điểm lý tưởng để thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối công nghệ cho khu vực. Ngoài ra, với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và gần Ấn Độ - đây là hai thị trường lớn với nhu cầu cao về sản phẩm công nghệ - Việt Nam có thể tận dụng để mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các công ty muốn tiếp cận những thị trường này.

Trong bối cảnh chuỗi giá trị công nghệ đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Về vị trí, về địa chính trị: Việt Nam hiện nay được đánh giá là quốc gia có lợi thế nhất trong các nước ASEAN. Sự quan tâm, hiện diện của các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn đã chứng tỏ rằng, các quốc gia này đang đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.

Sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ: Đảng và Chính phủ nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ chiến lược trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và đã quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ chiến lược và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.

Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và cơ chế phối hợp công tư giữa nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành.

Thị trường công nghệ nội địa nhiều tiềm năng do sự tăng trưởng của ngành điện tử và nhu cầu tiêu dùng: Ngành công nghiệp điện tử với sản phẩm chính linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng và máy vi tính, đóng vai trò là khách hàng quan trọng của công nghiệp chiến lược.

Việt Nam có thị trường nội địa cho các sản phẩm vi mạch tiềm năng với 99 triệu dân, trong đó độ tuổi trung bình là 33 tuổi, 69% dân số trong độ tuổi từ 15-64 có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm điện tử tiêu dùng hiện đại.

Thu nhập và mức sống dân cư tăng kéo theo nhu cầu sử dụng hàng điện tử cũng tăng lên. Đây cũng là một yếu tố làm tăng quy mô thị trường vi mạch tại Việt Nam.

Năng lực nội sinh của công nghệ chiến lược đã có những thành tựu bước đầu: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế dựa trên Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ.

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 2
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế dựa trên Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ.
Tiến sĩ Hà Huy Ngọc Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, chiến lược kinh tế địa phương và Lãnh thổ.

Theo bảng xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam hiện tại được đánh giá có năng lực ĐMST xếp vào hạng cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển; xếp vị trí 48/132 quốc gia (giữ vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore - thứ 7, Malaysia - thứ 36 và Thái Lan - thứ 43).

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 54 trên thế giới, thứ 12 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 (theo đánh giá của Startup Blink). Một số nghiên cứu và sáng chế bán dẫn của Việt Nam, đã có những ứng dụng cụ thể trong các ngành sản xuất công nghiệp.

Một số sản phẩm bán dẫn của Việt Nam đã và đang được xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Mỹ và Nhật Bản là những thị trường chủ lực.

Lợi thế về nguồn nhân lực: Lực lượng lao động của Việt Nam là một lợi thế đáng kể do quy mô lớn, trình độ kỹ năng tương đối cao, có thể đào tạo nhanh và chi phí hợp lý. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ chiến lược đã được Nhà nước, các trường đại học và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư và xúc tiến.

Hiện có 35 cơ sở đại học đào tạo các ngành liên quan công nghệ chiến lược. Năm tới, các trường dự kiến tuyển sinh trên 1.000 sinh viên riêng cho chuyên ngành thiết kế chip, còn nhóm ngành liên quan là khoảng 7.000. Con số này ước tính tăng dần 20-30% mỗi năm.

- Khó khăn, thách thức:

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào ngành công nghệ chiến lược chưa mạnh cả về chất lượng và số lượng, chưa hoàn thiện về cấu trúc, đặc biệt thiếu những tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để điều phối, phát triển nên những chip bán dẫn mới. Khả năng làm việc bằng tiếng Anh và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế của kỹ sư Việt Nam còn yếu.

Chính sách nhân tài chưa hấp dẫn đối với nguồn nhân lực từ nước ngoài: Hiện có khoảng hơn 2.000 người Việt Nam làm việc trong các tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn tại các quốc gia, nền kinh tế như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu…

Đây là nguồn tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành, cần thiết phải xây dựng các cơ chế chính sách và đãi ngộ cạnh tranh, hấp dẫn để tăng tỷ lệ tham gia của nhóm nhân sự này với Việt Nam.

Năng lực và quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo còn nhiều vấn đề: Danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện chưa có chuyên ngành riêng cho bán dẫn. Ngành này vẫn được xem là chuyên ngành hẹp trong nhóm Kỹ thuật điện - điện tử hoặc Kỹ thuật máy tính nên kiến thức giảng dạy ở các ngành và các trường chưa có sự đồng bộ, chuẩn hóa bài bản.

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 3

Siêu máy chủ NVIDIA DGX A100 có thiết kế nhỏ gọn, được đặt tại phòng máy của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Hiện nay, các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam như Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học FPT,… đã và đang có những thay đổi và cải tiến các chương trình học nhằm bám sát với nhu cầu thị trường lao động lĩnh vực bán dẫn.

Phần lớn viện - trường vẫn còn thiếu các phòng thí nghiệm - công cụ thiết kế vi mạch bản quyền để sinh viên có thể nghiên cứu và thực hành chuyên môn sát với thực tế.

Việt Nam chưa hình thành được hệ sinh thái sản xuất công nghệ chiến lược hoàn chỉnh: Hiện nước ta chưa có nhà máy sản xuất chip với đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm bán dẫn.

Phần lớn nhà máy sản xuất chip hiện nay được đặt tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi hầu hết các công ty thiết kế và chế tạo đang đặt trụ sở chính. Mặc dù có số lượng ít hơn nhiều, nhưng các nhà máy ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung tại Singapore và Malaysia.

Các tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đa phần chỉ dừng lại ở các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp và kiểm tra, mà chưa đầu tư vào sản xuất vi mạch với công nghệ phức tạp và trình độ cao.

Giải pháp đột phá để làm chủ công nghệ chiến lược tại Việt Nam

Về khung Chương trình quốc gia phát triển công nghệ chiến lược, theo ông, đâu là những yếu tố cần ưu tiên hàng đầu?

- Theo chúng tôi, trước mắt công nghiệp chiến lược có thể lựa chọn và tập trung vào những lĩnh vực sau:

Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến: Tập trung nghiên cứu thiết kế vi mạch chuyên dụng, đóng gói tiên tiến, kết hợp nghiên cứu phát triển vật liệu mới có tính năng vượt trội. Nổi bật là công nghệ chất bán dẫn - yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của các thiết bị điện tử và vi mạch hiện đại.

Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư quốc tế, xây dựng năng lực tự chủ công nghệ trong tương lai.

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 4
Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, vật liệu tiên tiến; tận dụng cơ hội thu hút đầu tư quốc tế, xây dựng năng lực tự chủ công nghệ trong tương lai.
Tiến sĩ Hà Huy Ngọc Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, chiến lược kinh tế địa phương và Lãnh thổ.

AI quốc gia: Hình thành trung tâm đầu não về nghiên cứu, đào tạo và thử nghiệm AI, có cơ chế đặc thù, liên kết quốc tế, tự chủ tài chính; Phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dành riêng cho Tiếng Việt và bối cảnh văn hóa Việt, phục vụ ứng dụng AI vào giáo dục, pháp lý, y tế, hành chính công.

Thiết lập cơ chế thử nghiệm các mô hình, giải pháp AI trong môi trường pháp lý được kiểm soát, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo; tích hợp chương trình AI trong các cấp học, mở rộng đào tạo đại trà kỹ năng AI cơ bản cho học sinh - sinh viên; tạo quỹ AI quốc gia, mời gọi các tập đoàn công nghệ đầu tư cùng chính phủ phát triển nền tảng AI hạ tầng, AI điện toán đám mây, siêu máy tính AI.

Phát triển nguồn nhân lực thiết kế, sản xuất chip AI chuyên dụng, làm chủ công nghệ đóng gói tiên tiến phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Công nghệ gen chữa bệnh: Hợp tác quốc tế nghiên cứu, phát triển công nghệ AI trong thiết kế thuốc và phác đồ điều trị một số bệnh phổ biến, bảo đảm tiếp cận các thành tựu y học hiện đại.

Công nghệ năng lượng nguyên tử: Làm chủ công nghệ lưu trữ, vận chuyển chất phóng xạ và nghiên cứu, phát triển lò phản ứng nguyên tử cỡ nhỏ, bảo đảm an toàn và phục vụ dân sinh.

Công nghệ đường sắt cao tốc Bắc Nam: Nghiên cứu, phát triển công nghệ đường sắt cao tốc phù hợp với điều kiện địa hình, môi trường Việt Nam, gắn với phát triển các siêu đô thị thông minh.

Công nghệ chế tạo UAV và Robot phục vụ an ninh - quốc phòng: Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị bay không người lái (UAV) và robot hiện đại, đa dụng, phục vụ an ninh - quốc phòng và ứng dụng dân sự.

Để làm chủ được công nghệ chiến lược thì việc hình thành hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ có vai trò hết sức quan trọng, vậy theo ông hệ sinh thái công nghệ chiến lược thì tập trung vào ưu tiên nội dung gì?

- Xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tài năng công nghệ chiến lược quốc gia ở các trường Đại học hàng đầu: Biên soạn chương trình đào tạo tiên tiến; lựa chọn các giảng viên, mời các chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia tiên tiến về giảng dạy; đổi mới phương thức tuyển sinh lựa chọn sinh viên, kỹ sư tài năng để đào tạo; chương trình miễn học phí và học liệu, học bổng cho sinh viên; chương trình thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp và phòng thí nghiệm trọng điểm….

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 5

- Xây dựng chương trình nghiên cứu công nghệ chiến lược của Việt Nam, trên cơ sở đó ban hành danh mục công nghệ và chương trình quốc gia phát triển công nghệ công nghiệp chiến lược.

- Chương trình nghiên cứu, khảo sát thăm dò, phân loại, chế biến, quản lý đất hiếm của Việt Nam.

- Xây dựng phát triển hệ thống trung tâm nghiên cứu thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược, như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ bán dẫn.

- Lập quỹ đầu tư cho phát triển công nghệ chiến lược tối thiểu 10 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp.

Vậy để làm chủ được công nghệ chiến lược quốc gia, phải chăng yếu tố quan trọng nhất là con người, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ, theo ông Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc biệt gì đối với các chủ thể này?

- Việt Nam cần đào tạo, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực, tài năng đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đất nước cần đặt ra, giao những đề bài, bài toán lớn mang tầm phát triển chiến lược quốc gia đang cần lời giải của chuyên gia, nhà khoa học quốc tế.

Cần phải có những "hành động biểu tượng", hành động mạnh mẽ, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám phá đi mọi rào cản, từ đó tạo một động lực và niềm tin cho những người khác, như Bác Hồ mời chuyên gia Trần Đại Nghĩa từ Pháp về đất nước, hay Singapore, Trung Quốc đưa chuyên gia từ nước ngoài nắm giữ vị trí chủ chốt ở trường Đại học, Viện nghiên cứu.

Việt Nam cần hướng đến xây dựng được mạng lưới chuyên gia trong một số ngành. Ví dụ, chọn ra 10 ngành thay đổi đất nước trong kỷ nguyên mới, mỗi ngành tìm ra 50 chuyên gia hàng đầu, với những năng lực bổ sung nhau.

Ví dụ, Chính phủ đã quyết định xây đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học..., cần ưu tiên tìm những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ hàng đầu có tiềm năng đưa các ngành này có khả năng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng cơ chế chức nghiệp, thực tài: Nhân sự được tuyển dụng trên cơ sở năng lực chuyên môn giỏi và được thăng tiến dựa trên năng lực và tiềm năng phát triển; người không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị thải loại. Việc tìm kiếm, phát hiện người tài để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cần sự chuẩn bị công tâm, khách quan, để lựa chọn người giỏi nhất và dám chấp nhận, dám chịu trách nhiệm.

Kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ cho phép Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh,  khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng đề án thí điểm cơ chế, vượt trội, đặc biệt, khác thường, mang tính cạnh tranh quốc tế cao để thu hút các tài năng đặc biệt, nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài vào làm việc.

Công nghệ chiến lược: Việt Nam đặt cược vào đâu để bứt phá? - 6

Đồng thời, giao và bổ nhiệm vào các vị trí Lãnh đạo chủ chốt để phụ trách nghiên cứu công nghệ chiến lược, mũi nhọn và đào tạo nhân lực chất lượng cao; lãnh đạo Viện nghiên cứu, Lãnh đạo trường Đại học, Giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm; giao làm chủ nhiệm các dự án nghiên cứu làm chủ công nghệ chiến lược; giao chủ trì dự án công nghệ trọng điểm quốc gia…

Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá để xây dựng các tổ chức KH&CN đạt trình độ thế giới, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN ở các lĩnh vực được ưu tiên. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo "luồng xanh" cho việc triển khai dự án công nghệ cao, dự án trung tâm ĐMST, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Cần ban hành cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao các nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, dự án công nghệ trọng điểm quốc gia cho các doanh nghiệp công nghệ lớn, doanh nghiệp dân tộc. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các doanh nghiệp công nghệ dân tộc, với mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam.

Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới đang có những hoạt động nào để đóng góp cho việc phát triển khoa học công nghệ, thưa ông?

- Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới là một trong những viện nghiên cứu tư vấn chính sách hàng đầu về kinh tế, hiện tập trung tư vấn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, mô hình tăng trưởng mới dựa trên 3 trụ cột: giáo dục đào tạo nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo, và kinh tế tư nhân.

Hiện Viện tập trung nghiên cứu về: Đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng cao và bền vững. Các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!

Ảnh: Quyết Thắng

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/cong-nghe-chien-luoc-viet-nam-dat-cuoc-vao-dau-de-but-pha-20250503215548589.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025
Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm