Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

4 giải pháp "tiếp sức" phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản trong hành trình khởi nghiệp. Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam - tác giả chính của tham luận "Nâng cao năng lực khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các tỉnh phía Nam", để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Báo Phụ nữ Việt NamBáo Phụ nữ Việt Nam27/05/2025

PV: Thưa chị, qua quá trình nghiên cứu và khảo sát thực tế, chị đánh giá thế nào về vai trò cũng như tiềm năng khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Nam hiện nay?

ThS. Lê Thị Thanh Tâm: Từ kết quả khảo sát 300 mẫu tại các tỉnh Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Trà Vinh - trong đó tỷ lệ phụ nữ chiếm 52,5% - tôi nhận thấy rằng phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ là lực lượng lao động chính trong kinh tế hộ gia đình mà còn là chủ thể tiềm năng trong phát triển mô hình kinh doanh tại địa phương.

Họ có ưu thế nhất định về kỹ năng truyền thống như nông nghiệp, dệt thổ cẩm, chế biến nông sản và du lịch cộng đồng. Đây là những lĩnh vực có lợi thế so sánh ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác và phát huy một cách hệ thống do thiếu nền tảng kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản trị và cơ chế hỗ trợ chuyên biệt.

PV: Theo chị, đâu là những khó khăn chính mà phụ nữ dân tộc thiểu số gặp phải khi khởi nghiệp?

ThS. Lê Thị Thanh Tâm: Dựa trên tổng hợp từ nghiên cứu và phân tích định lượng, có thể chia khó khăn thành 5 nhóm chính:

1. Hạn chế về tiếp cận tài chính: Phần lớn phụ nữ DTTS gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng chính thức do không có tài sản thế chấp, chưa quen với quy trình hành chính hoặc thiếu thông tin về các gói vay ưu đãi. Đây là rào cản phổ biến và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khởi nghiệp.

2. Thiếu hụt kỹ năng kinh doanh và quản lý: Họ thiếu nền tảng kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, quản trị tài chính, tiếp thị số, và chưa được tiếp cận công nghệ hiện đại – trong khi đây là những năng lực thiết yếu của người khởi nghiệp.

3. Rào cản văn hóa – giới: Tập quán truyền thống ở một số cộng đồng DTTS vẫn đặt gánh nặng chăm sóc gia đình lên phụ nữ. Điều này làm giảm thời gian, cơ hội tiếp xúc và học hỏi của họ.

4. Hạ tầng và điều kiện kinh doanh yếu kém: Thiếu điện, đường, viễn thông và thị trường đầu ra là những yếu tố khiến chi phí khởi nghiệp tăng cao và hiệu quả thấp.

5. Thiếu hệ sinh thái hỗ trợ: Các chương trình hỗ trợ hiện hành chưa được bản địa hóa, chưa sát nhu cầu và đặc thù của nhóm phụ nữ DTTS.

4 giải pháp "tiếp sức" phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp- Ảnh 1.

Thạc sĩ Lê Thị Thanh Tâm

PV: Từ kết quả khảo sát, chị thấy phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay cần gì để khởi nghiệp thuận lợi hơn?

ThS. Lê Thị Thanh Tâm: Có thể tóm tắt nhu cầu thành ba nhóm chính:

1. Đào tạo kỹ năng khởi nghiệp thực tiễn: Bao gồm kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ số và kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, ngoại ngữ.

2. Tiếp cận thông tin và mạng lưới hỗ trợ: Phụ nữ DTTS mong muốn được tiếp cận thông tin minh bạch về chính sách hỗ trợ, các kênh gọi vốn, được tư vấn pháp lý và kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà đầu tư, hội chợ thương mại, mentor.

3. Tham gia cộng đồng khởi nghiệp: Nhu cầu giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước rất lớn. Việc phát triển các hợp tác xã, nhóm sản xuất hay câu lạc bộ khởi nghiệp là hình thức tổ chức phù hợp.

PV: Vậy theo chị, những giải pháp cụ thể nào cần được thực hiện để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian tới?

ThS. Lê Thị Thanh Tâm: Tôi đề xuất 4 nhóm giải pháp chiến lược:

1. Nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy khởi nghiệp: Thông qua các chiến dịch truyền thông, hội thảo, chương trình đào tạo lồng ghép trong hệ thống hội phụ nữ, cần giúp chị em hiểu rằng khởi nghiệp là con đường để thoát nghèo bền vững và khẳng định giá trị bản thân.

2. Đào tạo có mục tiêu và phù hợp đặc thù vùng miền: Các chương trình cần linh hoạt, lấy thực hành làm trung tâm, có sự tham gia của doanh nhân/mentor thực tế và ứng dụng công nghệ dễ tiếp cận (ví dụ: học qua điện thoại, Zalo, video ngắn...).

3. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bản địa: Bao gồm không gian làm việc chung (co-working), hội chợ sản phẩm địa phương, chương trình cố vấn kinh doanh (mentorship), kết nối thị trường, và xây dựng cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau.

4. Tăng cường chính sách tài chính ưu đãi: Nhà nước và các tổ chức tài chính cần thiết kế gói tín dụng đặc thù, thủ tục đơn giản, có bảo lãnh tín chấp hoặc hỗ trợ thông qua tổ chức trung gian (ví dụ: hợp tác xã, hội phụ nữ) để phụ nữ DTTS dễ tiếp cận.

Kết luận: Khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà còn là giải pháp tổng thể cho bình đẳng giới, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS tại Việt Nam. Muốn thành công, cần có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và bản thân mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số.

PV: Xin cảm ơn chị về những chia sẻ rất tâm huyết và thiết thực!

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/4-giai-phap-tiep-suc-phu-nu-dan-toc-thieu-so-khoi-nghiep-20250527161531956.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm