Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

4 kết quả nổi bật phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận 4 kết quả nổi bật về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại14/07/2025

Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 10/7), ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024”.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh 4 kết quả nổi bật được nêu trong dự thảo Báo cáo. Thứ nhất, giai đoạn 2021-2024, Đảng đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản định hướng, chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành bốn nghị quyết chiến lược, trong đó đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt để triển khai thành công các nghị quyết.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản pháp luật, chương trình, đề án, tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Trong giai đoạn giám sát, Chính phủ đã ban hành 69 văn bản. Công tác tuyên truyền, quán triệt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Kết quả giám sát bước đầu đã cung cấp thông tin tin cậy, giúp các cơ quan của Quốc hội: Một là góp ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; dự thảo nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; góp ý kiến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng;

Hai là, thẩm tra và hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm, Luật Nhà giáo, Luật Cán bộ, công chức… và một số luật, nghị quyết khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV;

Ba là, chuẩn bị cho việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10; chuẩn bị thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo; Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số và phát triển và một số nội dung quan trọng khác.

Thứ hai, đoàn Giám sát cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.

Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu.

Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư (FDI) tăng từ 3.734.000 người năm 2020 lên 4.914.000 người năm 2024, tốc độ tăng trung bình 8,78% năm. Điều này cho thấy nhân lực của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.

xahoihoajpg1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Lâm Hiển.

Thứ ba, chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động.

Năm 2024, cả nước có 243 cơ sở giáo dục đại học, 1.545 cơ sở GDNN; có 932 ngành đào tạo trình độ đại học, 434 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 412 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học được quan tâm, đầu tư. Việc thực hiện tự chủ đại học được mở rộng, từng bước phát huy hiệu quả. Nguồn lực đầu tư được tăng cường, đa dạng hóa; hiệu quả sử dụng được nâng lên.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài...

Trong đó, một số chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế có uy tín, chất lượng đã được triển khai hiệu quả, tiết kiệm kinh phí đào tạo ở nước ngoài.

Thứ tư, các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước, hỗ trợ một lần khi thu hút nhân tài về địa phương.

Một bộ phận nhân lực chất lượng cao có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đóng góp tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế.

Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/4-ket-qua-noi-bat-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post739620.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm