Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm giải phóng Long An: Khúc ca khải hoàn trên mảnh đất trung dũng, kiên cường (Bài cuối)

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi độ tháng tư về, hàng triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Long An nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức, trang sử hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 50 năm đã trôi qua nhưng ngày 30/4/1975 vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân, ngày mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, giang sơn thu về một mối.

Báo Long AnBáo Long An25/04/2025

Bài cuối:  Khúc ca khải hoàn trên mảnh đất trung dũng, kiên cường

Trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, quân và dân Long An đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường để bảo vệ từng mảnh đất quê hương.

Sau 50 năm giải phóng, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, Long An đang vươn mình lớn mạnh, trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, góp sức vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Mãi là mùa xuân chiến thắng

Tổng kết ngay sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên đất Long An - Kiến Tường có 26.929 liệt sĩ ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân, dân Long An và Kiến Tường cùng với lực lượng của khu, miền loại khỏi vòng chiến đấu 52.000 tên địch, giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang chung của cả nước.

Trong suốt thời gian tham gia Tổng tiến công và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Long An, Kiến Tường đã lãnh đạo trực tiếp và toàn diện cuộc kháng chiến trên địa phương mình.

Cùng với nỗ lực của toàn quân, toàn dân, Đảng bộ Long An, Kiến Tường hoàn thành xuất sắc tất cả những nhiệm vụ được giao là phục vụ chiến đấu, tự giải phóng và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Đó là đóng góp lớn lao, vinh dự và niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Long An, Kiến Tường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, thắng lợi của quân và dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là kết quả quan trọng, góp vào thành quả chung vĩ đại nhất của đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Đây là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc. Long An đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với những thành tựu to lớn, Long An vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh;... Có hàng trăm tập thể, cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều danh hiệu cao quý khác, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường”

Sau ngày giải phóng đất nước, Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa thành tỉnh Long An có địa giới hành chính như ngày nay.

Từ đó, chính quyền, quân và dân Long An chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh và vươn lên xây dựng quê hương, đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, Long An cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức.

Giai đoạn 1975-1985, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội.

Từ tháng 10/1980, Long An đột phá thực hiện cơ chế “một giá”, góp phần cùng cả nước xóa cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và cả khu vực.

Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 50 năm giải phóng, Đảng bộ, dân và quân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Về Long An hôm nay, có thể nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất giàu truyền thống anh hùng.

Từ vùng Đồng Tháp Mười vốn hoang hóa ngày trước, nay đã “thay da, đổi thịt”, trở thành vùng đồng bằng trù phú với những đồng lúa mênh mông, đê bao khép kín và là vùng sản xuất lương thực lớn của cả khu vực.

Tại các huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc,... các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mọc lên nhộn nhịp. Hàng loạt dự án triển khai đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, góp phần đưa KT-XH của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Theo Tỉnh ủy Long An, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong kháng chiến, nửa thế kỷ trôi qua, Đảng bộ và Nhân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đồng thời, tập trung sức người, sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phân bổ lại lao động, đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm: Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh và các công trình trọng điểm: Hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến Đường tỉnh 830); Đường tỉnh 827E (đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông), tạo động lực mạnh mẽ đưa tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng. Đời sống người dân ngày càng cải thiện. Đến hết tháng 3/2025, toàn tỉnh có 141/160 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 88,13%); 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong quí I/2025 đạt 7,2%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so cùng kỳ 3 năm gần đây, đứng tốp 5 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tốp 4 Vùng Đông Nam Bộ,…

Bên cạnh đó, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định; quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường vững mạnh;.../.

Thanh Nga

---------------------------------------------

Loạt bài có sử dụng tư liệu trong Tỉnh ủy Long An, 1989, Địa chí Long An Tỉnh ủy Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, 2015, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập.

Nguồn: https://baolongan.vn/50-nam-giai-phong-long-an-khuc-ca-khai-hoan-tren-manh-dat-trung-dung-kien-cuong-bai-cuoi--a194119.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm