Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học, nghệ thuật Long An - 50 năm đồng hành cùng quê hương

Hình thành và phát triển trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật (VHNT) của Long An kế thừa, phát huy mạnh mẽ tinh thần quả cảm, sáng tạo, luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà. Suốt 50 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS), người làm nghệ thuật ở Long An không ngừng sáng tạo, phát triển VHNT, phản ánh sâu sắc đời sống người dân và sự đổi thay về mọi mặt của một Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Báo Long AnBáo Long An25/04/2025

Vươn mình từ gian khó

Khi đất nước sạch bóng quân thù, VHNT Long An bước vào một hành trình mới với không ít gian nan. Lúc bấy giờ, đội ngũ VNS trong tỉnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhiều người anh dũng hy sinh trong kháng chiến, số khác chuyển công tác.

Trong hoàn cảnh đó, đội ngũ VNS vẫn không ngừng nỗ lực. Lực lượng sáng tác trẻ mạnh mẽ tiến lên với tinh thần sáng tạo và không ngại khó khăn. Các sáng tác giai đoạn này thể hiện lòng biết ơn với Đảng, Bác Hồ và những người đã ngã xuống vì quê hương, Tổ quốc, đặc biệt là cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Nhiều tác phẩm văn học có nội dung ca ngợi truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, cổ vũ tinh thần khôi phục sản xuất và xây dựng quê hương,...

Người con của rừng tràm là vở diễn về nhân vật lịch sử của Long An được Đoàn Nghệ thuật Cải lương dàn dựng gần đây nhất và vừa đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024

Là một trong số những VNS gắn bó với quê hương ngay từ những ngày đầu giải phóng, nhạc sĩ Trịnh Hùng không thể nào quên những ngày tháng gian lao mà đầy nhiệt huyết ấy.

Nhạc sĩ Trịnh Hùng kể: “Thời đó còn vất vả, những chuyến đi sáng tác thường phải ở lại đêm, cực mà vui! Tới giờ tôi vẫn nhớ cảm giác hân hoan, sung sướng khi được ngồi trên chuyến xe đi tuyến Đường tỉnh 49 (Quốc lộ 62 ngày nay) từ Mộc Hóa về. Con đường đó, do chính chúng tôi đắp lên từ đồng hoang, đầm lầy.

Được ngồi xe trên tuyến đường ấy, cảm giác thật khó tả!”. Và đó chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trịnh Hùng sáng tác ca khúc Con đường và tình yêu miền đất mới rất nổi tiếng thời điểm ấy.

Năm 1979, Hội nghị Sáng tác VHNT lần thứ III được tổ chức. Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Chính khẳng định: “Công tác sáng tác VHNT có một vị trí quan trọng” và ông nhắc “làm VHNT để phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng”.

Ngay sau hội nghị, phong trào sáng tác tại Long An có một bước tiến dài, thu hút nhiều cây bút mới. Là cây bút triển vọng sau giải phóng, nhà thơ Trần Ngọc Hưởng có nhiều sáng tác đăng tải trên các tờ báo trong và ngoài tỉnh, trong đó có báo Văn Nghệ Long An, điểm hội tụ của VNS Long An thời điểm đó.

“Từ khi có tờ báo Văn Nghệ Long An, bên cạnh Đinh Thị Thu Vân, Hào Vũ, nhiều người trẻ khác như Trần Hàn Phong, Mặc Tuyền,... cùng cộng tác với Văn Nghệ Long An. Lúc đó, tôi chủ yếu viết về sự đổi thay của vùng Đồng Tháp Mười, nhất là hình ảnh những con người sẵn sàng từ bỏ tiện nghi phố thị xung phong về vùng sâu, vùng xa để xây dựng quê hương” - nhà thơ Trần Ngọc Hưởng chia sẻ.

Sáng tạo và đồng hành

Ngày 01/3/1982, Hội VHNT tỉnh ra đời, đánh dấu chặng đường mới, mở ra điều kiện phát triển toàn diện cho lĩnh vực VHNT tỉnh nhà. Với sự đồng hành của Hội, VNS tiếp tục đào sâu những đề tài mang hơi thở cuộc sống, từ những góc nhìn tươi đẹp đến các vấn đề gai góc.

Các tác phẩm VHNT của tỉnh bắt đầu có sức lan tỏa trong nước và quốc tế. Tác phẩm Má Hai anh hùng của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Lành được bình chọn là 1 trong 280 bức ảnh đẹp thế kỷ XX. Bài thơ Nếu không có ngày 30 tháng 4 của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân được bình chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX.

Đến hôm nay, Long An là một trong số rất ít tỉnh giữ được Đoàn Nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp hoạt động độc lập và Đoàn Xiếc chuyên nghiệp. Đó là sự nỗ lực không ngừng của người làm nghệ thuật và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh.

Tác phẩm Má Hai anh hùng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành được bình chọn là 1 trong 280 bức ảnh đẹp thế kỷ XX

Sau giải phóng, các đoàn nghệ thuật trong tỉnh được tổ chức lại, tập trung vào hoạt động biểu diễn phục vụ đồng bào trong tỉnh như Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Đoàn Ca múa Long An, Đoàn Cải lương Vàm Cỏ. Dần về sau, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An ngày càng “tỏa sáng” và được người dân yêu mến.

Đoàn quy tụ lực lượng NS gạo cội, dày dạn kinh nghiệm như Ánh Hồng, Đoàn Dự, Phương Tùng,..., có Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Huỳnh Nga, NSND Trần Ngọc Giàu làm đạo diễn.

Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng chia sẻ: “Thời điểm đó, Đoàn lưu diễn có doanh thu khắp các tỉnh trong cả nước và được người dân đón nhận nhiệt tình. Đoàn thường dựng vở diễn về các anh hùng dân tộc là người Long An để vừa biểu diễn phục vụ, vừa góp phần quảng bá và giáo dục truyền thống của quê hương”.

Năm 2001, Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông ra đời, đáp ứng nguyện vọng của giới VNS và nhận được sự đồng thuận của công chúng. Trong lần trao giải đầu tiên, các VNS “gạo cội” có sự đóng góp cho VHNT Long An đều được vinh danh, như NSNA Nguyễn Lành, nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, soạn giả Việt Sơn, nhạc sĩ Trịnh Hùng,...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh - Nguyễn Tấn Quốc khẳng định: “Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông là giải lớn nhất trong tỉnh nhằm tôn vinh tác giả có những tác phẩm hay, chất lượng về nội dung, nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển của quê hương Long An và giúp những tác phẩm này được lan tỏa hơn nữa. Giải được tổ chức 4 năm 1 lần và mỗi tác giả chỉ được nhận giải này 1 lần trong đời. Đây là động lực cho giới VNS trong tỉnh tiếp tục nỗ lực sáng tác và đóng góp cho tỉnh nhà”.

Hội nhập và phát triển

Bước vào thế kỷ XXI, VHNT Long An có bước chuyển mình mạnh mẽ, phản ánh cuộc sống, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

Tất cả các lĩnh vực VHNT đều đạt những thành tựu nổi bật. Nhiều tác giả, tác phẩm đoạt các giải thưởng danh giá, nổi bật là Giải thưởng VHNT Việt Nam.

Năm 2021, tác phẩm Nông ngư cụ Nam Bộ với ca dao, tục ngữ của nhà nghiên cứu Phan Văn Phấn đoạt giải A Giải VHNT Việt Nam. Đến năm 2023, tập tản văn Làm rể miền Tây của nhà văn Nguyễn Hội tiếp tục đoạt giải A giải thưởng danh giá này.

Về lĩnh vực sân khấu, lần đầu tiên một NS trưởng thành và hoạt động tại Long An được tặng danh hiệu NSND. Hiện tại, NSND Hồ Ngọc Trinh vẫn tiếp tục cống hiến cho sân khấu cải lương của tỉnh với vai trò Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An.

Ngoài ra, Đoàn còn có 9 NS khác là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) như NSƯT Hữu Lộc, NSƯT Ánh Hồng, NSƯT Đoàn Dự, NSƯT Vương Tuấn, NSƯT Vương Sang,...

Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh là nghệ sĩ cải lương đầu tiên trưởng thành và gắn bó với Long An được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

Đi theo định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Long An chú trọng giữ gìn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh.

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ tại đình Vạn Phước được duy trì suốt 30 năm; Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức thường xuyên là những sân chơi “giữ lửa” cho giới tài tử tỉnh nhà. Ngoài ra, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ giai đoạn 1 (2024-2026) và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt làm “nức lòng” giới nghệ nhân trong tỉnh.

Khi Đề án được triển khai, thực hiện cũng là lúc lĩnh vực đờn ca tài tử Nam Bộ trong tỉnh có thêm nhiều bước tiến.

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước) được duy trì suốt 30 năm

Ngoài giữ gìn truyền thống thì VHNT của Long An cũng không đứng ngoài dòng chảy hội nhập và phát triển. Tỉnh thường xuyên có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong đó, hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với Hàn Quốc trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 được xem là điểm nhấn nổi bật. Từ sự giao lưu, gắn kết về văn hóa, Long An có thêm nhiều cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế, một sự hỗ trợ hài hòa và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với Hàn Quốc được xem là điểm nhấn nổi bật trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 (Ảnh: Kiên Định)

Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, có thể thấy, VHNT tỉnh nhà đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng những bước chuyển mình của quê hương.

Chặng đường 50 năm là niềm tự hào của bao thế hệ VNS, những người đã góp phần vun đắp cho đời sống tinh thần quê hương. VHNT Long An sẽ mãi là mạch nguồn bền bỉ đồng hành cùng người Long An trong hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Quế Lâm

Nguồn: https://baolongan.vn/van-hoc-nghe-thuat-long-an-50-nam-dong-hanh-cung-que-huong-a194116.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm