Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm thống nhất đất nước: Phụ nữ và công cuộc tái thiết sau chiến tranh

Sau ngày giải phóng, TPHCM khi ấy có dân số hơn 3 triệu người, trong đó nữ giới chiếm hơn 50%. Khi đất nước thống nhất, phụ nữ không chỉ tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tái thiết thành phố thời hậu chiến.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai19/04/2025

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (đứng giữa) trong một hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (đứng giữa) trong một hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Sau ngày giải phóng, TPHCM khi ấy có dân số hơn 3 triệu người, trong đó nữ giới chiếm hơn 50%. Khi đất nước thống nhất, phụ nữ không chỉ tích cực tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tái thiết thành phố thời hậu chiến.

Góp sức xóa mù chữ cho người dân lao động

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM, năm nay đã 85 tuổi. Thuộc lứa học sinh miền Nam được điều động ra Bắc học tập, đến năm 1965, bà Thu đăng ký đi B, trở lại miền Nam để tham gia dạy học, nâng cao dân trí, đào tạo thế hệ kế thừa trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Những năm đầu sau khi thống nhất đất nước, bà được phân công làm Phó phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Thạnh (TPHCM).

Nhớ lại thời điểm đó, bà Thu cho biết: "Thành phố tuy không bị đổ nát bởi bom đạn chiến tranh nhưng gặp rất nhiều khó khăn: Tỷ lệ thất nghiệp cao, trẻ em thất học nhiều, nạn mù chữ trong người dân lao động… Các trường lớp được bố trí không đều, nội thành thì nhiều mà ngoại thành thì ít. Trường học được chính quyền cách mạng tiếp quản, phân công đội ngũ quản lý tại Sở, Phòng giáo dục… chủ yếu là các giáo viên từ ngoài Bắc vô. Các cấp học vẫn được khai giảng đúng ngày 5/9/1975. Thời gian đầu, tôi làm công tác bổ túc văn hoá, xoá mù chữ vì lúc đó còn rất nhiều người chưa biết đọc, biết viết. Tôi tổ chức lớp học, cử giáo viên giảng dạy. Nhiều hôm tôi lội trong nước triều cường để đi kiểm tra việc dạy và học có thực chất hay không, liệu người dân có thật sự biết chữ sau khi học không".

Chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm, thực hiện xóa nạn mù chữ cho các tầng lớp nhân dân; động viên họ tham gia phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa. Chỉ sau 2 năm giải phóng, thành phố đã hoàn thành xóa mù chữ cho 98% người dân lao động.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM.

Đời sống kinh tế của giáo viên những năm đầu giải phóng cũng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, những người thầy vẫn nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp trồng người. "Thời bao cấp khó khăn lắm, cả cô lẫn trò đều nghèo lắm. Khi tôi về làm Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch. Phần lớn học trò gia cảnh cũng khó khăn. Tôi nhớ có lần, một em đến trường trễ, phải leo rào nên bị bảo vệ đưa lên phòng hiệu trưởng. Lúc ấy em thú thật rằng chỉ có một bộ đồng phục nên phải đợi quần áo khô mới dám đi học. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn thấy thương", bà Thu nhớ lại.

Sau giải phóng, một số trường hợp con của các binh sĩ, sĩ quan chế độ cũ gặp khó khăn khi xét lý lịch để đi học. Vậy nên có trường hợp, bà Yến Thu đã phải mạnh dạn quyết định để không đánh mất cơ hội học tập của các em. Như trường hợp của cậu học trò Ngô Bá An, quê ở Bến Tre. Em có anh trai là sĩ quan của chế độ cũ, còn chị gái là cựu tù cách mạng, từng bị giam ở Côn Đảo. Bá An học giỏi, năng nổ nhưng khi lên cấp 3 lại không được tiếp tục học do vướng lý lịch. Sau khi nghe chị của An trình bày sự việc, cô Hiệu trưởng Yến Thu đã quyết định nhận An vào trường: "Tôi nghĩ, quá khứ đã qua, muốn xây dựng đất nước thì không nên phân biệt con em của chế độ cũ, những đứa trẻ có lỗi gì đâu", bà Thu nhớ lại.

Nhờ quyết định táo bạo ấy của cô giáo Thu, Bá An đã tiếp tục được đi học và trở thành thủ khoa cấp 3 toàn thành phố. Sau này, anh học ngành kỹ sư thủy lợi và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Hơn nửa thế kỷ tìm công lý cho nạn nhân da cam

Ở tuổi ngoài 80, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), vẫn đều đặn làm việc tại phòng khám, tham dự các cuộc họp, hội nghị và hội thảo khoa học. Là người đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, bác sĩ Ngọc Phượng đã mang lại hy vọng làm cha mẹ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.

Chia sẻ về thời khắc lịch sử của đất nước ngày 30/4/1975, bác sĩ Phượng nhớ lại: "Thành phố khi ấy rất hỗn loạn, nhiều bác sĩ rời bệnh viện vì lo sợ, thậm chí tìm cách rời khỏi Việt Nam. Trong khi đó, các sản phụ vẫn cần người đỡ sinh. Tôi đã ôm cả 3 đứa con nhỏ vào bệnh viện, ở lại hơn một tháng để trực và hỗ trợ sản phụ".

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM).
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM).

Sau giải phóng, bà có cơ hội sang Pháp đoàn tụ với chồng - người đang tu nghiệp tại đó từ năm 1974. Tuy nhiên, vì lòng yêu nước và tình cảm với bệnh nhân nghèo, bác sĩ Ngọc Phượng đã từ chối cuộc sống đầy đủ nơi xứ người để ở lại Việt Nam cống hiến. "Pháp hay Mỹ không thiếu bác sĩ nhưng người dân ở quê hương tôi thì rất cần sự giúp đỡ", bà chia sẻ. Bên cạnh đó, tấm gương của cha, người từng bị bắt và suýt bị xử tử 6 lần vì tham gia kháng chiến, càng thôi thúc bà gắn bó với đất mẹ.

Hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam của bà bắt đầu nhen nhóm từ năm 1966. Với chuyên môn sản phụ khoa, bác sĩ Phượng thường xuyên chứng kiến những trường hợp gia đình có con sinh ra không lành lặn. Điều đó thôi thúc bà tìm hiểu tài liệu, thu thập bằng chứng khoa học để chứng minh chất độc da cam không chỉ gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Bên cạnh những tài liệu lưu ở Bệnh viện Từ Dũ về trẻ sinh ra bị khuyết tật, bà còn tìm kiếm luận văn của những bác sĩ tại các trường y khoa liên quan tới vấn đề này. Bà nhận ra rằng, năm 1952, trẻ khuyết tật chỉ lác đác nhưng tăng nhiều nhất từ năm 1969 trở đi. Bà thấy được sự gia tăng của trẻ sinh ra bị khuyết tật tỉ lệ thuận với thời điểm chất độc hóa học được rải xuống Việt Nam. Bà đã báo cáo với ban giám đốc bệnh viện và UBND TPHCM về điều này.

Từ đó, bác sĩ Ngọc Phượng không chỉ thường xuyên đi công tác tại các vùng từng là nơi "bom cày đạn xới" để khám, chữa bệnh cho người dân, mà còn kết hợp nghiên cứu chuyên sâu. Kết quả cho thấy, những người từng sống hoặc tham gia kháng chiến tại khu vực bị rải chất độc da cam có tỷ lệ sinh con dị tật cao gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Năm 1983, bà đã công bố kết quả nghiên cứu này trên một tạp chí khoa học tại Anh. Đây cũng chính là bước ngoặt đánh dấu quyết tâm theo đuổi đến cùng việc nghiên cứu về tác động của chất độc da cam/dioxin đối với người Việt Nam.

Đến năm 2004, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập, bác sĩ Ngọc Phượng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch. Trên cương vị này, bà đã có nhiều đóng góp trong việc đưa tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam dioxin ra cộng đồng quốc tế, nỗ lực đấu tranh đòi lại công lý cho họ.

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, bác sĩ Ngọc Phượng vẫn miệt mài làm việc. "Về hưu mà chỉ ở nhà thì buồn lắm. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục làm việc. Sau hơn 50 năm trong ngành y, tôi muốn truyền lại cho thế hệ bác sĩ trẻ những kinh nghiệm quý báu, những điều không thể tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào. Tôi mong các thế hệ sau sẽ thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng hỗ trợ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam", bác sĩ Ngọc Phượng chia sẻ.

Sau ngày giải phóng, với dân số hơn 3,39 triệu người (năm 1976), trong đó nữ giới chiếm 53,1%, lao động nữ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thành phố. Phụ nữ cũng tích cực tham gia xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; năm 1976, toàn thành phố có hơn 1.000 nữ cán bộ công tác trong bộ máy chính quyền, chủ yếu ở cơ sở.

Các cấp Hội Phụ nữ TPHCM tích cực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, phát động quần chúng tháo gỡ bom mìn, làm thủy lợi, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi...

Theo sách "85 năm phong trào phụ nữ TPHCM (1930 - 2015)", tập 2

Theo phunuvietnam.vn

Nguồn: https://baolaocai.vn/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-phu-nu-va-cong-cuoc-tai-thiet-sau-chien-tranh-post400444.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm