Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

50 năm vươn mình cùng dân tộc

Việt NamViệt Nam17/04/2025



Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, nền văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tây Ninh đã có những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân.

Nhiều tác phẩm VHNT sống mãi với thời gian

Trong thời kỳ kháng chiến, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam- nơi tập hợp hầu hết các văn nghệ sĩ cách mạng của cả nước, từ đó cho ra đời những tác phẩm bất hủ trong khói lửa, lắng đọng mãi với thời gian, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như các ca khúc: “Lên ngàn”, “Đôi bờ Vàm Cỏ Đông”, “Nhạc rừng”, “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”...

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, những ca khúc “Hát về anh”, “Tiếng hát em như dòng sông”, “Em đi qua cầu cây”, “Những bông hoa trên tuyến lửa”… đã khắc hoạ chân thực tiếng lòng của các nhạc sĩ Thế Hiển, Lê Văn Lộc, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Cửu Dũng... là lực lượng thanh niên xung phong được tăng cường từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Đặng Thị Phượng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (bên phải) trao kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh.

Tây Ninh còn là quê hương của các tài năng nghệ thuật như Xuân Hồng, Thanh Hiền, Vân An, Đào Văn Thanh, Tam Bạch, Võ Đồng Minh, Lê Chí Trung... những người đã góp phần làm giàu đẹp thêm cho nền VHNT tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Tây Ninh có nhiều văn nghệ sĩ là người địa phương được đào tạo từ miền Bắc trở về như Xuân Hồng, Thanh Hiền hoặc trưởng thành từ thực tế kháng chiến như: Cửu Long Thi, Phan Văn, Vân An, Xuân Phát, Xuân Quang, Thanh Hải, Giang Đông, Lê Chí Trung, Thanh Nhàn...

Ngày 13.10.1984, Hội VHNT tỉnh Tây Ninh được thành lập nhằm tập hợp, bồi dưỡng lực lượng, chăm lo phong trào sáng tác và phổ biến tác phẩm, xây dựng kế hoạch phát triển VHNT của tỉnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng chuyên nghiệp. Hội đã tập hợp các văn nghệ sĩ tại địa phương cùng một số anh chị em đến từ Hà Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh (theo chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới của Chính phủ) và các anh em miền Bắc, miền Trung vào sinh cơ, lập nghiệp trên vùng chiến khu xưa.

Hội VHNT tỉnh đạt danh hiệu là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, được nhận cờ thi đua của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Trải qua 6 kỳ Đại hội Hội VHNT tỉnh, tổ chức Hội ngày càng phát triển, số hội viên ngày càng tăng; tính đến cuối năm 2024, Hội VHNT tỉnh có 311 hội viên, trong đó, 139 hội viên là đảng viên, chiếm 44,69%; hội viên cao niên chiếm hơn 50%; 68 hội viên dưới 40 tuổi, chiếm 21,86%; 62 hội viên thuộc các chuyên ngành Trung ương, chiếm 19,9%.

Những thành tựu đáng tự hào

Những năm qua, nhiều trại sáng tác, hội thảo, toạ đàm được tổ chức nhằm thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật; các hoạt động sáng tác và quảng bá có nhiều thành tích nổi bật, cụ thể: xuất bản nhiều tập sách, tuyển tập thơ, văn xuôi, kịch bản sân khấu, âm nhạc... Tỉnh chủ trương thành lập Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng (trao giải 5 năm một lần). Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức trao giải thưởng 3 lần, qua đó ghi nhận nhiều đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Hội VHNT tỉnh trao giấy khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích trong công tác năm 2023.

Đối với giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ năm 2010-2025, có hơn 391 tác phẩm của 207 tác giả tham gia xét chọn, trong đó, có 62 tác phẩm có giá trị về nội dung và chất lượng cao về nghệ thuật, được gửi tham gia xét chọn giải thưởng cấp Trung ương và trao giải thưởng cấp tỉnh. Kết quả, giải thưởng cấp Trung ương đạt 3 giải Khuyến khích và 1 giải Khuyến khích tập thể. Tính đến nay, VHNT tỉnh có 664 tác phẩm đạt giải các cấp, trong đó có 29 giải quốc tế, 147 giải toàn quốc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái tham quan gian hàng thư pháp tại Đêm thơ Nguyên tiêu năm 2023.

VHNT Tây Ninh phát triển đa dạng nhiều loại hình, phản ánh đời sống văn hoá, tinh thần của Nhân dân. Đối với loại hình văn học, những tác phẩm văn học với ngôn ngữ phong phú, nội dung sâu sắc, giàu hình ảnh, đậm chất văn học, tiêu biểu như các tiểu thuyết “Bám đất”, “Lớn lên”; truyện dài “Sài Gòn 46”, truyện ngắn “Chim lồng” (tác giả Vân An).

Các tác phẩm văn chương Tây Ninh 50 năm qua đã có những bước tiến mới so với giai đoạn trước, có sự mở rộng biên độ về đề tài, chủ đề; cách tiếp cận, nhìn nhận mạnh dạn hơn, sát sao hơn với hiện thực cuộc sống; thể loại và bút pháp cũng da dạng hơn; phản ánh chân thực những đổi thay của đất nước, con người vùng đất Tây Ninh trong thời đại mới.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh tặng lẵng hoa chúc mừng Đêm thơ Nguyên tiêu xuân Ất Tỵ 2025.

Đối với loại hình âm nhạc, nhiều ca khúc mang đậm chất truyền thống cách mạng, sáng ngời phẩm chất kiên trung, nghĩa tình, đoàn kết quân dân gắn bó keo sơn trong xây dựng hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ thời bình, hay người dân lao động, sản xuất trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Lực lượng sáng tác khá phong phú, như: nhạc sĩ - chiến sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Lê Chí Trung, Lê Chí Khối, Lê Hữu Trịnh, Lê Hoàng Minh, Lê Hồng Tăng, Trần Quang Cường, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Quốc Đông, Quốc Tây, Hoài Nguyên, Hoài Nhân, Nguyễn Trọng Quý, Anh Thư, Huỳnh Oanh và 1 số tác giả trẻ như Nguyễn Thiện Trường, Anh Thi... (có 9 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Phong trào múa của Tây Ninh đã đồng hành cùng VHNT tỉnh trong suốt thời gian qua, với các tác phẩm phản ánh sinh động tình đất tình người Tây Ninh. Múa có mặt trong hầu hết các chương trình, các sự kiện của tỉnh.... Với nhiều biên đạo múa tên tuổi như: nghệ sĩ Ánh Hồng, Kim Phụng, Quang Cường, Hùng Dũ, Tấn Lợi, Kim Chi, Việt Phương, Thu Trang, Hoàng Ân, Trọng Chinh, Hoài An, Thanh Tâm, Minh Triết...

Đối với nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã góp phần lưu giữ, truyền tải nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử, nhân văn, thẩm mỹ, giáo dục... phục vụ đắc lực, kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong từng giai đoạn lịch sử và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật của công chúng.

Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đạt nhiều giải thưởng quốc tế, toàn quốc và khu vực. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tiêu biểu như Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhàn, Lê Bi, Lê Văn Đính, Đỗ Thành Nhân, Dương Đức Kiên, Nguyễn Duy Hậu, Dương Vĩnh Tuyên, Nguyễn Huỳnh Đông, Nguyễn Nhật Tường, Nguyễn Viết Tiến... Hiện có 8 nghệ sĩ nhiếp ảnh là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Đối với lĩnh vực hội hoạ, điêu khắc, các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc của các hoạ sĩ trong tỉnh đã khắc hoạ vẻ đẹp con người, quê hương Tây Ninh trong thời kỳ đổi mới với những tên tuổi hoạ sĩ nổi trội như: Trần Hà, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Hữu Thoại, Đặng Văn Thức, Trần Văn Chỉnh, Phạm Bá Cường... Hiện có 11 hoạ sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2024, có 4 tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn để trưng bày trong Cuộc thi và triển lãm tranh đồ hoạ các nước ASEAN 2024 tại Bảo tàng Hải Phòng do ASEAN tổ chức.

Các hoạ sĩ tham gia sáng tác trên máy in đồ hoạ của Chi hội Mỹ thuật - Hội VHNT tỉnh Tây Ninh.

Trong lĩnh vực sân khấu, thế mạnh của loại hình sân khấu tỉnh Tây Ninh là bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam bộ với nhiều tác phẩm được cả nước biết đến như: Chuyến xe Tây Ninh, Hoàng tử bất đắc dĩ... Những soạn giả, nghệ sĩ tiêu biểu như: Xuân Phát, Thanh Hải, Nguyễn Thế Nghiệm, Đăng Minh, Thành Phương, Kim Tùng, Hoàng Sến, Xuân Hoà, Hồng Ngự, Xuân Loan, Bảo Châu, Hoàng Chính, Nhật Minh...

Trong lĩnh vực văn nghệ dân gian, hiện tỉnh có 3 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và 3 Nghệ nhân dân gian. Mô hình đưa văn hoá dân gian vào thế hệ trẻ được xây dựng như: truyền dạy đờn, ca nhạc tài tử trong một số trường phổ thông; mở lớp dạy tại các thiết chế văn hoá trong tỉnh, thông qua Ngày hội Văn hoá dân gian, phổ biến các tri thức dân gian với nhiều hình thức sinh động như: trải nghiệm làng nghề, xem diễn xướng dân gian (xây chầu, bóng rỗi, hầu đồng, hát bội), các hoạt động được thực hiện đồng bộ và hiệu quả đã góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá của tỉnh.

Tính đến nay, Tây Ninh có nhiều di sản văn hoá, nghệ thuật ở địa phương được công nhận như: nghệ thuật Đờn ca tài tử cải lương được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; múa trống Chhay-dăm dân tộc Khmer xã Trường Tây được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia... có 5 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, 14 nghệ nhân được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận “Nghệ nhân dân gian” đối với 3 nghệ nhân.

Hoàng Yến


Nguồn: https://baotayninh.vn/van-hoc-nghe-thuat-tay-ninh-50-nam-vuon-minh-cung-dan-toc-a188899.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm