Nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo - Ảnh: FBNV
Vũ Diệu Thảo xem dự án âm nhạc này là tình cảm hết sức riêng tư của cô, hòa chung vào không khí của dân tộc.
Mở đầu với Đất nước trọn niềm vui (nhạc sĩ Hoàng Hà) phát ngày 17-2, dự án đã giới thiệu thêm nhiều bản nhạc khác và tới ngày 19-5 đăng tải đủ 54 bản độc tấu tỳ bà, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.
Nghe Nổi lửa lên em, Tiến về Sài Gòn… bằng âm thanh tỳ bà
Giống đa phần các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, đàn tỳ bà mang lại giai điệu mềm mại, sâu lắng. Trong khi đó nhiều bài nhạc cách mạng có tiết tấu hành khúc, thường nhanh gọn, dứt khoát.
Đó là lý do khi Diệu Thảo bắt tay vào thực hiện dự án, có người đặt câu hỏi đàn tỳ bà có hợp với nhạc cách mạng?
"Nhưng khi thể hiện ca khúc cách mạng bằng âm thanh của cây đàn tỳ bà, điều khiến tôi rung động nhất là tinh thần của tác phẩm", cô kể.
Để rồi tiếng đàn của Diệu Thảo "quấn quýt" và hòa quyện theo, trở nên mạnh mẽ, hào hùng hơn.
Khán giả sẽ gặp lại loạt ca khúc đi cùng năm tháng vừa quen vừa lạ qua tiếng đàn tỳ bà như Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Tiến về Sài Gòn, Cô gái mở đường, Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Còn có Gửi em ở cuối sông Hồng, Quảng Bình quê ta ơi, Mùa xuân trên TP.HCM, Chào em cô gái Lam Hồng, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bão nổi lên rồi…
Chia sẻ về "chiến dịch" âm nhạc của mình, Diệu Thảo nói cô muốn đưa nhạc cụ truyền thống, âm nhạc dân tộc hòa vào những ca khúc cách mạng để tạo ra một bức tranh âm nhạc đa dạng, sinh động, mang tinh thần Việt Nam.
Mộc mạc lắm nhưng có cựu chiến binh nhắn tin cảm ơn!
Các video độc tấu tỳ bà được Diệu Thảo ghi hình đơn giản bằng điện thoại, không xử lý âm thanh hậu kỳ, cũng chẳng dàn dựng cầu kỳ.
Nghe Năm anh em trên một chiếc xe tăng qua tiếng đàn tỳ bà của Diệu Thảo
Mỗi bản nhạc được giới thiệu cùng với câu chuyện ra đời, tác giả sáng tác hoặc câu chuyện lịch sử liên quan…
Mộc mạc là thế nhưng video nào sau khi tung lên trang Facebook cá nhân cũng đều thu hút hàng nghìn lượt like (yêu thích) và bình luận.
Hằng ngày, cứ khoảng 18h nghệ sĩ lên bài, nhiều khán giả lớn tuổi vào nghe và chia sẻ.
"Xúc động nhất là có một bác cựu chiến binh nhắn 'thay mặt hơn 4 triệu cựu chiến binh, bác cảm ơn cháu Diệu Thảo, cháu nhớ đàn thêm nhiều bài cho mọi người nghe nhé, nghe cháu đàn, bác nhớ ngày bác cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn đã 50 năm'", nghệ sĩ kể.
Diệu Thảo chia sẻ lúc đầu, cô thực hiện dự án chỉ đơn thuần là yêu các ca khúc và chơi rất cảm xúc thôi chứ không có mục đích gì to tát.
Tuy nhiên chính tình cảm của khán giả khiến cô có trách nhiệm hơn. Đó là lý do dự án biểu diễn 54 bản độc tấu tỳ bà với các bài hát cách mạng này ra đời.
Vũ Diệu Thảo được biết tới với phim Phía trước là bầu trời (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) nhưng cô lại chọn cây đàn tỳ bà làm sự nghiệp, đồng thời theo đuổi con đường bản thân mơ ước từ nhỏ là trở thành cô giáo.
Hiện cô là giảng viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/54-ban-doc-tau-ty-ba-mung-50-nam-thong-nhat-20250424182101922.htm
Bình luận (0)