Thông tin này được nêu tại hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược sức khỏe đất và Kế hoạch hành động quốc gia.
Đây là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia” do FAO tài trợ và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì thực hiện.
Dự án nhằm lồng ghép các yếu tố an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và quản lý sử dụng vật tư nông nghiệp một cách hợp lý, bền vững.
Theo thống kê từ các tổ chức chuyên môn, khoảng 60% diện tích đất nông nghiệp trên cả nước đang chịu tác động của xói mòn, trong đó 30% diện tích bị xói mòn nghiêm trọng với mức tổn thất đất mặt vượt 20 tấn/ha/năm.
Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình đồi núi chiếm khoảng 75% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có tới 50% có độ dốc lớn hơn 20 độ – một yếu tố làm tăng mạnh nguy cơ xói mòn.
Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nơi địa hình dốc kết hợp với mưa lớn khiến đất dễ bị rửa trôi, mất lớp hữu cơ bề mặt vốn giàu dinh dưỡng – nền tảng cho năng suất nông nghiệp bền vững.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), khoảng 44% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã bị thoái hóa. Trong đó, diện tích thoái hóa mạnh chiếm khoảng 1%, thoái hóa trung bình 14% và thoái hóa nhẹ 29%. Các dạng thoái hóa phổ biến gồm xói mòn, khô hạn, kết von, suy giảm độ phì, mặn hóa và phèn hóa.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện tổ chức quốc tế đã tập trung góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo, đồng thời đề xuất định hướng chính sách để triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Điểm nhấn của chiến lược lần này là việc tiếp cận vấn đề "sức khỏe đất" không chỉ dưới góc độ nông nghiệp, mà còn như một yếu tố nền tảng liên kết giữa đất – cây – con người – môi trường trong khuôn khổ “Một sức khỏe” (One Health).
Cách tiếp cận toàn diện này không chỉ mở rộng phạm vi trách nhiệm mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn lực tri thức, công nghệ và tài chính từ cộng đồng.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh, đất khỏe là nền tảng không thể thiếu của nền nông nghiệp bền vững.
Theo ông Rémi, Chiến lược quốc gia về sức khỏe đất đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động được thiết kế phù hợp với bối cảnh phát triển và thể chế hiện hành của Việt Nam. Chiến lược này đồng thời hướng đến tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào bốn nhiệm vụ trọng tâm: "Xây dựng cơ sở dữ liệu đất: Hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính, bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu lý học, hóa học và sinh học của đất, cũng như dữ liệu sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.
Bộ chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất: Thiết lập bộ chỉ số và hệ thống phân cấp đánh giá sức khỏe đất trồng trọt – công cụ quan trọng để theo dõi, quản lý và đưa ra các chính sách phù hợp".
Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng cần cải tiến quy trình canh tác. Trong đó, các ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu và áp dụng các quy trình canh tác hợp lý nhằm sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát dinh dưỡng, bảo vệ hệ sinh vật có ích trong đất và giảm phát thải khí nhà kính.
"Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương, đồng thời thúc đẩy nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng", ông Đạt nói thêm.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp, mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học và khối doanh nghiệp công – tư.
Nguồn: https://baolangson.vn/60-dat-nong-nghiep-viet-nam-bi-xoi-mon-hoi-chuong-canh-bao-khong-the-xem-thuong-5047672.html
Bình luận (0)