Tại hội thảo lấy ý kiến về đề án điều chỉnh quy hoạch điện VIII, chuyên gia đã đưa ra các giải pháp về đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Sáng 17/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược” nhằm hoàn thiện đề án trình Chính phủ.
Toàn cảnh buổi hội thảo. - Ảnh: Cấn Dũng |
Hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh cung cấp cấp điện
Tại hội thảo, TS Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng Phòng phụ trách phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng) nêu 7 giải pháp về đảm bảo an ninh cung cấp cấp điện.
Thứ nhất, xây dựng danh mục dự án khẩn cấp theo Luật Điện lực 2024; Ưu tiên các dự án có khả năng COD trong giai đoạn 2025-2027, được xem xét đưa vào danh mục dự án khẩn cấp để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Thứ hai, Bộ ngành, địa phương sớm cấp chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nguồn – lưới điện, đảm bảo quy mô đưa vào vận hành các nguồn điện đáp ứng yêu cầu phụ tải.
Thứ ba, triển khai hiệu quả phương án nhập khẩu điện từ các nước láng giềng Lào, Trung Quốc theo các Hiệp định, Thỏa thuận đã ký.
Thứ tư, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây mới, mở rộng và nâng cấp hệ thống truyền tải liên miền, các đường trục chính và hệ thống lưới điện phân phối theo định hướng lưới điện thông minh.
Thứ năm, đảm bảo nguồn cung năng lượng sơ cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu LNG, than đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện hiện hữu và phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng.
TS Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng Phòng phụ trách phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng) - Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ sáu, phát triển nguồn điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện cam kết Net Zero.
Thứ bảy, các giải pháp nâng cao khả năng vận hành hệ thống điện, nâng cao tính khả dụng của các nguồn điện, trang bị các công cụ hỗ trợ vận hành để đảm bảo an toàn hệ thống khi tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo.
Đối với các giải pháp về thu hút và huy động vốn đầu tư ngành điện, TS Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, cần hoàn thiện các cơ chế tài chính song phương, đa phương hiện có với các chính phủ, tổ chức/định chế tài chính quốc tế theo các cam kết hỗ trợ JETP, AZEC...các cơ chế huy động nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh trong nước và quốc tế...cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân; Xây dựng, hoàn thiện và kịp thời điều chỉnh đối với các quy định về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn áp dụng đối với dự án điện năng lượng mới, dự án điện gió ngoài khơi;
“Đáng chú ý, cần quan tâm, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương giải quyết thủ tục hành chính. Sớm xây dựng cơ chế tài chính, giá truyền tải cho các dự án lưới truyền tải xã hội hóa nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện”- TS Nguyễn Mạnh Cường nói.
Cơ chế thực hiện quy hoạch
Về cơ chế thực hiện quy hoạch, cụ thể cơ chế khuyến khích tăng cường tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, TS Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, Bộ Công Thương ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần đối với các hộ tiêu thụ điện, thực hiện lộ trình thí điểm vào năm 2025 và triển khai rộng rãi từ 2026. Đồng thời, ban hành cơ chế về điều chỉnh phụ tải thương mại để khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động này, từng bước xây dựng thị trường DR.
Cơ chế khuyến khích đầu tư vào phát triển điện lực: Tập trung vào cơ chế đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ điện: Xem xét cơ chế phát triển nguồn năng lượng tái tạo thông qua đấu giá và cơ chế thanh toán qua hợp đồng CFD để đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư.
Đồng thời quan tâm đến cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà, pin tích năng. Cụ thể, xây dựng cơ chế kiểm soát linh hoạt nguồn điện mặt trời mái nhà gồm: Quy định công suất tối đa được phép lắp đặt đối với mỗi hộ gia đình; Giá mua điện mặt trời mái nhà phát vào lưới với mức giá thấp để khuyến khích đầu tư, đồng thời với mức giá thấp các hộ gia đình cũng sẽ có xu hướng lắp đặt với mục đích tự sản tự tiêu
Xem xét cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà theo vùng (khu vực miền Bắc cần được hỗ trợ cao hơn). Xem xét cơ chế hỗ trợ đối với các dự án BESS quy mô lớn và các hệ thống tích trữ hộ gia đình để tăng khả năng điều chỉnh nguồn phân tán
TS Nguyễn Mạnh Cường cũng đề cập đến cơ chế chính sách về đầu tư nguồn điện LNG, sớm hoàn thiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Trong giai đoạn chưa hoàn thiện được thị trường điện cạnh tranh, xem xét điều chỉnh biểu giá điện cho các Nhà máy nhiệt điện than than, khí để phù hợp và khuyến khích các nhà máy điện than, khí vận hành linh hoạt trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo. Xem xét cơ chế thanh toán theo biểu giá 2 thành phần (thành phần công suất và thành phần điện năng)
Đi vào kiến nghị cụ thể, TS Nguyễn Mạnh Cường nêu, cần ban hành cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời, đặc biệt là tại miền Bắc. Cho phép bên thứ 3 đầu tư kinh doanh loại hình điện mặt trời mái nhà. miền Bắc cần có cơ chế ưu đãi trong đó có xét đến việc giảm chi phí truyền tải xa so với các miền còn lại do gần với trung tâm phụ tải nhưng có số giờ nắng thấp hơn.
“Điều chỉnh cơ chế khuyến khích phát triển và khung giá điện gió theo vùng, trong đó chú trọng cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại miền Bắc (đặc biệt là cơ chế giá ưu đãi hơn so với các miền khác), trong đó có xét đến yếu tố gần trung tâm phụ tải, chi phí truyền tải xa, đồng thời đảm bảo hài hòa về hiệu quả kinh tế, tài chính cho các nhà đầu tư”- TS Nguyễn Mạnh Cường nói và cho rằng: Gấp rút xây dựng đề án nghiên cứu phát triển tối ưu các tuyến đường dây truyền tải dài để cung cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra trung tâm phụ tải miền Bắc trong đó xác định rõ tính khả thi về hành lang tuyến đường dây, công nghệ truyền tải, các vấn đề kỹ thuật và hiệu quả kinh tế tổng thể của hệ thống.
Theo Viện Năng lượng, cần kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển năng lượng; Các Bộ, ngành, địa phương thực thi hiệu quả chế tài xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, không triển khai theo các mốc tiến độ được giao theo quy định; Xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch, chủ động trong quản lý quy hoạch phát triển điện lực, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện; Quy định trách nhiệm thực hiện của các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, chủ đầu tư công trình điện, quy trình thực hiện để đảm bảo sự đồng bộ giữa các bộ ngành trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. |
Nguồn: https://congthuong.vn/dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-7-giai-phap-dam-bao-cung-cap-dien-374195.html
Bình luận (0)