Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hướng đi mới cho du lịch đường sông ở Đà Nẵng

Hội tụ điều kiện “cần và đủ”, đã đến lúc thành phố Đà Nẵng “đánh thức” dòng chảy du lịch đường sông để tạo ra những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch21/07/2025


Hướng đi mới cho du lịch đường sông ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Đà Nẵng cần đẩy mạnh khai thác du lịch đường sông.

Tin vui cho ngành du lịch

Mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn.

Theo đó, dự án đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp mở rộng 20 bến thủy nội địa kèm theo công trình phụ trợ phục vụ hoạt động của bến với tổng diện tích đất hơn 15ha. Đồng thời xây dựng công viên phía sau 11 bến với tổng diện tích đất dự kiến hơn 25ha.

Tại đây sẽ có các hoạt động kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, phát triển các sản phẩm du lịch mới như tour du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí trên tàu nhằm thu hút khách đến với loại hình du lịch đường thủy.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, thời hạn hoạt động 50 năm, được triển khai dọc sông Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cẩm Lệ.

Đây là tin vui cho ngành du lịch thành phố, nhất là dịch vụ du lịch đường sông.

Hướng đi mới cho du lịch đường sông ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

Sông Cổ Cò, một tiềm năng cho du lịch sông nước chưa được khai thác.

Đà Nẵng có lợi thế vượt trội để phát triển du lịch đường sông với dòng sông Hàn thơ mộng chảy qua trung tâm thành phố, kết nối với vịnh Đà Nẵng và đổ ra biển, cùng với các con sông khác như sông Cu Đê, Cổ Cò, Cẩm Lệ, Quá Giáng… Cảnh quan hai bên bờ sông với những công trình kiến trúc hiện đại, ánh đèn lung linh về đêm hay vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của sông Cu Đê là những tài nguyên vô giá.

Song, du lịch đường sông Đà Nẵng chủ yếu mới tập trung vào các tour du thuyền đêm trên sông Hàn, ngắm cầu Rồng phun lửa, cầu quay Sông Hàn.

Mặc dù thu hút một lượng khách đáng kể, nhưng sản phẩm còn khá đơn điệu, chưa khai thác hết sự đa dạng của cảnh quan và văn hóa địa phương. Việc thiếu các bến bãi đạt chuẩn, dịch vụ hỗ trợ đồng bộ và sự hạn chế về tuyến đường, thời gian hoạt động cũng là những rào cản đáng kể. Nhiều tàu du lịch vẫn còn là tàu hoán cải từ tàu cá, chưa thực sự đạt chuẩn về chất lượng và dịch vụ cao cấp.

Chị Phạm Thu Lan, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ấn tượng những lần đến Đà Nẵng là được du ngoạn trên dòng sông Hàn chiêm ngưỡng cầu Rồng phun lửa, phun nước vào các tối cuối tuần cùng với âm nhạc nhẹ nhàng. Được thưởng thức bữa tối với các món ăn địa phương hoặc hải sản tươi ngon, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu.

Thế nhưng, chất lượng dịch vụ trên một số tàu còn chưa đồng đều, cần cải thiện thêm về cơ sở vật chất cũng như tăng cường thêm các dịch vụ, điểm đến và hoạt động văn hóa, nghệ thuật dọc hai bên bờ sông.

Mở hướng đi mới

Du lịch đường sông Đà Nẵng muốn thực sự bứt phá, cần có những giải pháp đồng bộ và chiến lược dài hạn, như đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời mở rộng tuyến và điểm đến. Không chỉ dừng lại ở sông Hàn, cần khai thác các tuyến du lịch mới như sông Cu Đê, Cổ Cò.

Hướng đi mới cho du lịch đường sông ở Đà Nẵng - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm du lịch trên sông Hàn.

Tuyến sông Cu Đê có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kết hợp với các giá trị văn hóa, lịch sử.

Song song đó phát triển các tour chuyên đề như: Du lịch ẩm thực trên sông, trải nghiệm văn hóa làng chài, ngắm bình minh/hoàng hôn trên sông, hay các tour kết hợp thể thao dưới nước (chèo SUP, kayak) tại những khu vực sông yên bình.

Cùng với đó là đầu tư vào các loại hình tàu thuyền như du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng, tàu lưu trú (houseboat) và các loại hình phương tiện vận tải đường thủy hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Việt An Group đề xuất, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng như bến đỗ, tàu cao cấp, tái hiện không gian văn hóa ven sông, phát triển tuyến liên vùng như sông Cổ Cò kết nối đến Hội An.

Bên cạnh đó, tạo ra sự kiện trên sông, tổ chức các lễ hội ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật trên sông, hoặc các giải đua thuyền để tạo điểm nhấn, thu hút du khách.

Đồng thời quy hoạch và xây dựng các bến tàu du lịch tại các khu vực tiềm năng khác như sông Cu Đê, kết nối các điểm du lịch ven sông và đảo.

Bên cạnh tạo cơ chế mở, thông thoáng cho doanh nghiệp, rà soát, ban hành các quy định rõ ràng về quy trình đầu tư, cấp phép hoạt động du lịch đường thủy nội địa, bến thủy nội địa, bến nổi du thuyền…

Du lịch đường sông không chỉ là mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch Đà Nẵng mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các dòng sông, tạo thêm việc làm và nguồn thu cho địa phương.

Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch đường sông Đà Nẵng chắc chắn sẽ trở thành một sản phẩm chủ lực, mang đến những trải nghiệm khó quên cho du khách.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/huong-di-moi-cho-du-lich-duong-song-o-da-nang-2025072114203385.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm