Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lào Cai: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Việc hợp nhất hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh Lào Cai mới không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính, tổ chức bộ máy mà đây còn là một cuộc “tái cơ cấu không gian phát triển” ở quy mô vùng, tạo điều kiện để Lào Cai định hình lại chiến lược tăng trưởng trong dài hạn. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, một trụ cột để phát triển kinh tế xanh, bảo tồn văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch21/07/2025

Lào Cai: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Sau hợp nhất, Lào Cai sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch đặc biệt phong phú, đa dạng về loại hình, nổi trội về bản sắc, độc đáo về cảnh quan. Từ những điểm đến nổi tiếng như: Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý của Lào Cai (cũ), nay có thêm Mù Cang Chải, Suối Giàng, Văn Chấn, Trạm Tấu, Yên Bình - những biểu tượng du lịch đặc sắc của Yên Bái (cũ).

Sự kết hợp ấy tạo nên một hệ sinh thái du lịch liên hoàn, liên kết và tương hỗ, đủ sức đáp ứng các xu hướng du lịch hiện đại: ngắn ngày, trải nghiệm xanh, khám phá văn hóa bản địa, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng.

Thực tế cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Lào Cai đã đón 7,3 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 21.130 tỷ đồng - con số rất ấn tượng. Đặc biệt, thị trường khách nội tỉnh đang có sự chuyển dịch rõ nét với những hành trình ngắn theo mô hình “vòng tròn” ngày càng phổ biến, giúp phân bổ lại dòng khách, giảm tải cho các điểm đến truyền thống, đồng thời kích hoạt “sức hút” cho các điểm đến mới.

Lào Cai: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đi kèm những thách thức không nhỏ. Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để biến lợi thế thành sức mạnh, biến tiềm năng thành sản phẩm và biến nhu cầu thành doanh thu bền vững.

Hiện nay, phần lớn các địa phương và điểm đến mới trong tỉnh vẫn đang làm du lịch theo hướng tự phát, thiếu liên kết vùng và thiếu sự dẫn dắt của quy hoạch chiến lược. Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, dịch vụ lưu trú, ẩm thực đạt chuẩn còn ít, chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng. Đáng lo ngại hơn, nhiều điểm đến vẫn chỉ dừng lại ở mức “có cảnh quan” mà chưa tạo ra được “trải nghiệm có chiều sâu”. Thiếu câu chuyện du lịch, thiếu hoạt động gắn kết văn hóa - con người - sản phẩm, khiến thời gian lưu trú của khách rất ngắn, sức lan tỏa kinh tế thấp.

Chính vì vậy, cần nhìn nhận phát triển du lịch không chỉ là một ngành kinh tế đơn lẻ mà là hệ giá trị tổng hợp, bao gồm: hạ tầng, con người, công nghệ, văn hóa và bản sắc địa phương.

Mỗi địa phương trong tỉnh cần được xác định rõ vai trò của mình trong chuỗi giá trị du lịch toàn vùng: điểm đến, trung tâm dịch vụ, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu đặc sản... Có như vậy, sự phát triển mới hài hòa, không chồng chéo, không “mạnh ai nấy làm”.

Lào Cai: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 3.

Một trong những khâu đột phá cần thực hiện ngay là chuyển đổi số trong du lịch. Đây không còn là xu hướng mà đã trở thành tiêu chuẩn cạnh tranh trong thời đại mới. Việc số hóa dữ liệu điểm đến, bản đồ du lịch điện tử, ứng dụng di động hỗ trợ du khách, thanh toán không tiền mặt, quản lý phản hồi dịch vụ… cần được tích hợp đồng bộ và đưa vào vận hành thực tế.

Song song với đó, công tác đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, đến người dân làm du lịch cộng đồng phải trở thành chiến lược dài hạn.

Chỉ khi người dân thực sự hiểu mình là chủ thể trong phát triển du lịch thì mới có thể xây dựng được những sản phẩm có chất lượng, đủ sức níu chân du khách. Mô hình “mỗi bản là một điểm đến, mỗi gia đình là một chủ thể làm du lịch” không chỉ là một khẩu hiệu mà cần trở thành chương trình hành động cụ thể, có hướng dẫn, có đào tạo, có đầu tư, có giám sát chất lượng.

Khẳng định quyết tâm này, ông Nông Việt Yên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng du lịch dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch và ứng dụng công cuộc chuyển đổi số trong phát triển du lịch thực sự thiết thực, hiệu quả. Đây không chỉ là định hướng mà còn là lời kêu gọi hành động...

Lào Cai: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 4.

Lào Cai đang có tất cả điều kiện cần: tài nguyên, vị trí, thị trường, chính sách và quyết tâm chính trị. Điều còn thiếu là sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị - doanh nghiệp - người dân. Sau hợp nhất, nếu biết khơi thông điểm nghẽn, đầu tư đúng trọng điểm, phát triển đúng chiều sâu, Lào Cai hoàn toàn không chỉ là một “điểm đến hấp dẫn” mà còn là “trung tâm du lịch bền vững” của cả vùng trung du và miền núi Bắc bộ trong những năm tới.

Theo báo Lào Cai

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/lao-cai-de-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-20250721103153291.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm