Bỏ việc ở Anh, "cày ngày cày đêm" ôn thi GRE và giành học bổng Mỹ
Nguyễn Thị Minh Hương (SN 1999, Bắc Ninh) đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Viện Công nghệ New Jersey (NJIT), Mỹ với suất học bổng trị giá 7,5 tỷ đồng.
Tại NJIT, một trong 100 trường đại học công lập lớn nhất tại Mỹ, cô tập trung nghiên cứu các ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị và cộng đồng người khiếm thính.
Chân dung Nguyễn Thị Minh Hương (Ảnh: NVCC).
Trước đó, Hương từng có hai năm d học và làm việc tại Anh trong lĩnh vực thiết kế trải nghiệm người dùng. Dù sớm có được công việc ổn định sau khi tốt nghiệp, nhưng khát khao học hỏi và khám phá không ngừng đã luôn thôi thúc cô bước tiếp.
"Trong thời gian học ở Anh, tôi may mắn được thầy giáo hướng dẫn động viên: Hãy tiếp tục đi học, em còn nhiều tiềm năng cần được phát huy. Những lời ấy không chỉ là sự khích lệ mà còn trở thành ánh sáng dẫn đường, giúp tôi có thêm quyết tâm biến suy nghĩ thành hành động", Hương chia sẻ.
Hành trình xin học bổng sau khi trở về nước, theo lời Minh Hương, là một giai đoạn khá khủng khiếp. Cô phải đối mặt với áp lực lớn từ sự hoài nghi của gia đình và những người xung quanh trước quyết định từ bỏ công việc ổn định ở nước ngoài. Sự nghi ngờ từ mọi người khiến Hương mất ngủ và không ngừng tự vấn bản thân suốt ba tháng đầu sau khi trở lại Việt Nam.
Minh Hương trong một ngày tuyết rơi tại Trường Đại học Birmingham City (Ảnh: NVCC).
Những đêm mất ngủ vì hoang mang định hướng lại trở thành động lực để Minh Hương kiên định theo đuổi con đường học vấn.
Vào tháng 9/2024, Hương bắt đầu tìm kiếm cơ hội du học tiến sĩ. Cô gửi hàng trăm email đến các giáo sư trên toàn thế giới, nhưng hầu hết đều nhận được phản hồi từ chối.
Để đối mặt với thực tế, cô lập bảng thống kê các giáo sư đã liên hệ. Nhìn vào danh sách dài những lời khước từ, cô không khỏi cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên, sự kiên trì đã được đền đáp. Sau nhiều tuần chờ đợi, Hương nhận được hai thư mời phỏng vấn, trong đó có một lời mời từ Giáo sư Sooyeon Lee tại Viện Công nghệ New Jersey (NJIT), Mỹ.
Trong buổi phỏng vấn kéo dài ba tiếng, Hương không ngần ngại chia sẻ rằng thế mạnh của cô không nằm ở lập trình hay công nghệ thông tin, mà ở khả năng nghiên cứu hành vi con người.
Phản hồi của Giáo sư Sooyeon Lee đã tiếp thêm sức mạnh cho cô: "Hành trình học tiến sĩ không phải để chứng minh em giỏi nhất mà để học hỏi và hoàn thiện bản thân", Hương nhớ lại.
Cuộc phỏng vấn kết thúc với câu hỏi từ giáo sư: Liệu Hương có thể nhập học vào tháng 2/2025? Không do dự, cô lập tức đồng ý.
Quyết định này đồng nghĩa với việc Hương chỉ có một tháng để hoàn thiện hồ sơ, xin visa, chuẩn bị thư giới thiệu và chinh phục hai kỳ thi chuẩn hóa IELTS và Graduate Record Examinations (GRE), những yêu cầu bắt buộc cho chương trình tiến sĩ tại Mỹ.
"Học IELTS không khó, nhưng GRE thực sự là một cơn ác mộng", Hương chia sẻ. Trong khi đa số ứng viên cần ít nhất 6 tháng ôn luyện, cô chỉ có đúng một tuần.
Minh Hương tại một lâu đài cổ ở Anh (Ảnh: NVCC).
Không có lớp luyện thi nào nhận, Hương tự học với cường độ cao. Mỗi ngày, cô giải một đề toán bằng tiếng Anh, học 600 từ vựng, xem video hướng dẫn và chỉ ngủ 4 tiếng.
"Từ năm lớp 8, tôi đã hình dung mình sẽ đi bộ trên những con phố ở Anh, rồi học tại giảng đường Mỹ. Chính khát vọng đó đã biến những ước mơ tưởng chừng xa vời thành hiện thực", Hương tâm sự.
Tiến sĩ Trần Quốc Thiện (Đại học Texas tại Austin), người đồng hành cùng Hương từ những ngày đầu trên hành trình săn học bổng, chia sẻ: "Tôi cảm nhận ở Hương một nguồn năng lượng mạnh mẽ, đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Những phẩm chất ấy thể hiện rõ trong từng con chữ trong hồ sơ ứng cử học bổng, tất cả đều xoay quanh ước mơ tạo ra các sản phẩm công nghệ hỗ trợ tương tác giữa người khiếm thính và máy tính. Chính yếu tố này đã giúp Hương chinh phục học bổng toàn phần từ ngôi trường danh tiếng".
"Điếc cũng thú vị lắm, vì thế giới này ồn ào"
Minh Hương luôn trân trọng sự cởi mở và tích cực mà cộng đồng người điếc thể hiện. Họ không ngần ngại chia sẻ câu chuyện cá nhân và bày tỏ sự cảm kích khi có những dự án lắng nghe tiếng nói của mình.
"Tôi cảm nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, thấu hiểu mà không cần đến âm thanh hay lời nói, cũng như sự tận hưởng cuộc sống tĩnh lặng giữa nhịp sống hối hả", cô chia sẻ.
Minh Hương đi dã ngoại tại công viên Regent's Park, London (Ảnh: NVCC).
Được tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng người điếc đã thay đổi nhận thức của Hương. Cô hiểu rằng người điếc không phải là những người "thiếu thốn" mà họ có một nền văn hóa và cách nhìn nhận thế giới riêng biệt.
Một chia sẻ khiến Hương suy ngẫm là câu nói từ một thành viên trong cộng đồng: "Điếc cũng thú vị lắm, vì thế giới này ồn ào". Câu nói đã giúp cô nhận ra rằng sự tĩnh lặng của họ không phải là bất lợi, mà là một góc nhìn độc đáo.
Để giao tiếp hiệu quả và thu thập thông tin xác thực, Minh Hương đã chủ động học thêm ngôn ngữ ký hiệu. Kinh nghiệm này đã được cô vận dụng trực tiếp vào một nghiên cứu về việc thiết kế phiên bản cải tiến của phần mềm Microsoft Teams dành riêng cho người khiếm thính, dựa trên kết quả phỏng vấn 30 người điếc.
Trong quá trình làm việc, Hương nhận thấy sự chênh lệch rõ rệt về cơ hội phát triển của người điếc giữa Anh và Việt Nam. "Tại Anh, người điếc có thể làm lập trình viên, giảng viên đại học. Đây là những vị trí mà cộng đồng khiếm thính ở nước ta vẫn chưa thể tiếp cận. Điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn và mong muốn hỗ trợ họ tốt hơn", Hương nói.
Minh Hương trước Nhà thờ St. Paul's, London, Anh (Ảnh: NVCC).
Những trải nghiệm với cộng đồng người điếc đã định hình rõ nét mục tiêu nghiên cứu của Minh Hương tại Mỹ. "Chúng ta không cần phải thay đổi cách nhìn về người điếc hay người khuyết tật. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường mới, nơi mọi người đều có thể giao tiếp và tham gia bình đẳng, không bị giới hạn", Minh Hương khẳng định.
Tự vẽ bản đồ cuộc đời bằng trải nghiệm, thích khám phá, mê "ngủ rừng"
Tinh thần độc lập và ưa thử thách của Minh Hương được hình thành từ sớm dưới sự nuôi dưỡng của người ông từng là cựu phi công. Cô lớn lên mạnh mẽ và sớm được tiếp xúc với những câu chuyện về ý chí và trải nghiệm cuộc sống. Dù có nền tảng gia đình vững vàng, Hương vẫn luôn muốn bước ra ngoài để khám phá và trải nghiệm thế giới xung quanh.
Ngay từ năm nhất đại học, Hương đã chủ động tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng, cả trong học tập và hoạt động ngoại khóa. Suốt 4 năm tại Đại học RMIT, cô tìm thấy niềm vui khi hòa mình vào các hoạt động cộng đồng sôi nổi, cùng bạn bè tham gia tổ chức những sự kiện ý nghĩa.
Bên cạnh việc học, nữ sinh cũng chú trọng việc rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp. Ngay từ năm nhất, cô đã làm gia sư tiếp thị tại trường và làm việc từ xa cho một công ty Đan Mạch, thậm chí có thời điểm cô đảm nhận cùng lúc 3-4 công việc khác nhau. "Mỗi ngày tôi chỉ ngủ được 1-2 tiếng", Hương nói.
Minh Hương leo núi mỗi tháng một lần (Ảnh: NVCC).
Với Minh Hương, "sự dịch chuyển" không chỉ là thay đổi về mặt địa lý mà còn là sự chuyển biến trong tư duy và cách nhìn nhận thế giới. Cô luôn tự hỏi làm thế nào để bản thân có thể tốt hơn và tạo ra sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. "Ở tuổi 26, tôi tự vẽ ra con đường cho riêng mình, nơi những câu trả lời đơn giản không tồn tại", Hương chia sẻ về triết lý sống của mình.
Không chỉ năng nổ trong học tập và công việc, Hương còn dành thời gian để thỏa mãn đam mê khám phá. Cô không ngần ngại thực hiện những chuyến đi ngẫu hứng và có phần mạo hiểm.
Hương từng bắt tàu đêm đi Hòn Sơn (Kiên Giang), ngủ lại trong rừng hay tham gia các cung đường leo núi. Một kỉ niệm đáng nhớ của cô là chuyến đi hai tuần đến Thái Lan cùng bạn bè quốc tế phát cơm chay cho người vô gia cư.
Với Hương, giá trị của những chuyến đi không chỉ nằm ở việc chinh phục điểm đến mà còn ở những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Cô kể lại kỷ niệm khi leo núi ở Tây Bắc: "Tôi gặp một cô gái người Mèo. Chúng tôi không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng hành động cô ấy nấu cho nồi nước tắm giữa núi rừng khiến tôi cảm nhận sâu sắc tình người, điều mà ngôn ngữ không thể diễn tả hết".
Một lần khác, tại cánh rừng ở Bình Phước, hình ảnh một chiến sĩ lặng lẽ dúi vào tay cô nắm xôi cũng để lại ấn tượng khó phai về sự ấm áp, chân thành của con người ở những vùng đất xa xôi.
Nhìn lại hành trình đã qua, Minh Hương nhận ra rằng chỉ khi tin tưởng vào chính mình, bản thân mới có đủ chính kiến để bước đi. Trong tương lai, cô hy vọng có thể kết nối và hỗ trợ cộng đồng người điếc tại Việt Nam.
Bình luận (0)