Chiếc tàu cao tốc từ đất liền cập cảng Bãi Vòng (đặc khu Phú Quốc), hành khách tản ra theo lối cầu tàu, ai nấy đều mang theo nắng gió và vị mằn mặn của biển. Giữa dòng người nhộn nhịp, chị Nguyễn Thị Nhung, 34 tuổi, một tiểu thương buôn hàng trái cây từ xã Tịnh Biên ra đảo, vừa nói vừa cười với người bạn đi cùng: “Từ Kiên Giang sang An Giang giờ không còn là đi từ tỉnh này sang tỉnh khác nữa rồi”.
Chị Nhung cho biết: “Cảm giác chung của nhiều người dân chúng tôi rất hồ hởi, phấn khởi và kỳ vọng khi chứng kiến thời khắc lịch sử hai tỉnh chính thức hợp nhất thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mang tên tỉnh An Giang theo nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Trung ương”.
Một tỉnh mới hình thành với diện tích gần 10.000 km², dân số hơn 4,9 triệu người, 102 đơn vị cấp xã, phường, đặc khu. Một vị thế mới trong không gian phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khoảnh khắc chiếc tàu chở chị Nhung đến bến cảng Bãi Vòng Phú Quốc, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng thời gian để hiểu rõ vì sao lại có một tỉnh mới ra đời và tương lai của vùng đất này sẽ được viết tiếp ra sao.
Theo dõi thời sự suốt thời gian qua về việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang thành tỉnh mới An Giang, ông Nguyễn Văn Vi - lão nông 65 tuổi, ngụ xã Vĩnh Điều bộc bạch: “Kỳ này hợp nhất hai tỉnh, tui mừng lắm. Tui sống ở đây gần hết đời, mà đi chợ thì qua Tịnh Biên, bán lúa thì về Giang Thành. Giờ hợp lại, mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều”.
Trước thực tế ấy, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII ban hành ngày 12-4-2025 đánh dấu quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong việc tái thiết lại hệ thống đơn vị hành chính - một bước chuyển mình lớn về tư duy tổ chức bộ máy nhà nước. Cùng với đó là hàng loạt kết luận then chốt từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư như Kết luận 126, 127, 130, 137… tạo nên nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc để tiến hành hợp nhất các tỉnh, thành phố; trong đó có An Giang và Kiên Giang.
Chính phủ, Quốc hội vào cuộc khẩn trương. Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 74/NQ-CP của Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi số 65/2025/QH15... tất cả hợp lực hình thành một lộ trình minh bạch, có tính toán, có đánh giá tác động, có lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh An Giang phấn khởi tham gia lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; đồng thời háo hức chụp ảnh lưu niệm với biểu trưng mới của xã Châu Thành (An Giang), thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tại Kiên Giang và An Giang, các cuộc lấy ý kiến cử tri được tổ chức rộng khắp. Từ xã đảo Thổ Châu đến vùng biên Vĩnh Xương, từ Rạch Giá đến Long Xuyên, không ít người dân ban đầu còn ngỡ ngàng, nhưng rồi khi nghe giải thích về mô hình chính quyền hai cấp, về lợi ích lâu dài trong điều hành, đầu tư, quản trị, tiếng nói đồng thuận vang lên ngày một rõ.
Ông Phương Văn Tân - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Lạc, xã Châu Thành kể lại: “Cử tri hỏi tôi: Hợp lại thì huyện mình còn không? Tôi nói cấp huyện sẽ bỏ, nhưng xã, tỉnh vẫn giữ mà sẽ mạnh hơn, ít tầng nấc hơn. Người dân nghe tới chỗ nào đơn giản, gần dân, ít thủ tục thì họ gật đầu liền. Lúc lấy ý kiến nhân dân, bà con trong ấp đồng thuận rất cao. An Giang và Kiên Giang đều là dân miền Tây với nhau, vốn đã gần gũi, giờ hợp nhất để cùng nhau mạnh hơn, phát triển tốt hơn thì ai cũng mừng”.
Từ kinh nghiệm của thế hệ người lính đi trước, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí gửi gắm niềm tin vào lực lượng vũ trang của tỉnh An Giang và Kiên Giang (cũ): “Các đồng chí hãy vững vàng bản lĩnh chính trị, thể hiện rõ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xa cách, khó khăn về mặt địa lý, đơn vị công tác không phải là vấn đề lớn. Phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
Hợp nhất không còn là chuyện trên giấy mà là câu chuyện đi vào từng thửa ruộng, từng ngôi nhà, từng cửa khẩu, từng bến cá, từng bến tàu…
Và rồi, tỉnh mới An Giang được quyết định thành lập - không phải bởi sự áp đặt hành chính mà bởi một tiến trình dân chủ, khoa học, đúng đắn, kết nối giữa chủ trương lớn của Đảng và nguyện vọng thực tiễn của nhân dân.
Người dân các xã Châu Thành, Vĩnh Bình… phấn khởi đến làm thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công sau khi xã mới được thành lập; cờ Tổ quốc treo rực rỡ trên các tuyến đường, chào mừng sự kiện thành lập tỉnh An Giang mới, tạo khí thế vui tươi, tin tưởng vào diện mạo phát triển của địa phương.
Kết quả thấy rõ khi lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của hội đồng nhân dân cấp xã, hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh đối với đề án hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang, nhiều xã, phường, thị trấn có tỷ lệ đồng thuận 100%, còn lại đa số từ 90% trở lên.
Tài xế xe tải liên tỉnh Dương Ngọc Hùng, ngụ phường Rạch Giá, vừa dừng xe nghỉ ở trạm ven quốc lộ 80, vừa tranh thủ kiểm tra lại đơn hàng cây giống chở từ Rạch Giá đi An Giang. Anh Hùng nói: “Hợp nhất rồi, chở hàng như gia súc, cây giống, hàng đặc sản… khỏi mất công làm giấy kiểm dịch liên tỉnh. Mọi thứ đơn giản, nhanh chóng hơn mà thuế, kiểm tra cũng gọn lại, tiết kiệm thời gian lắm”.
Lời của anh Hùng chứa đựng một thực tế lớn: Việc hợp nhất hai tỉnh không phải để xóa bỏ cái cũ mà để cộng hưởng, làm mạnh thêm mạch giao thương, giảm bớt rào cản vô hình đã tồn tại nhiều năm.
Từ đỉnh Cấm Sơn nhìn xuống, ruộng đồng xanh mướt nối liền hai tỉnh. Những xe tải chở hàng từ Hòn Đất qua Tịnh Biên, từ Châu Đốc chạy về Hà Tiên… đã từ lâu xem quãng đường ấy như nội tỉnh. Nhưng về mặt quản lý vẫn tồn tại nhiều thủ tục, giấy tờ kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém và phiền toái.
“Giờ đi đâu cũng trong một tỉnh, dễ thở lắm. Xe chạy xuyên từ biên giới đến biển mà nhẹ đầu, không lo giấy tờ”, anh Hùng nói, khi siết chặt lại dây thừng buộc thùng hàng, chuẩn bị tiếp tục chuyến đi.
Các lễ hội văn hóa đặc sắc của An Giang tiêu biểu như lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam tiếp tục được gìn giữ và phát huy sau khi sáp nhập hai tỉnh Kiên Giang và An Giang; cùng với đó, người dân hăng say thu hoạch lúa tại vựa lúa lớn nhất cả nước và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội địa phương.
An Giang - miền đất của phù sa sông Hậu, của Búng Bình Thiên, của những lễ hội tâm linh với chiều sâu văn hóa. Nơi đây là cái nôi của Phật giáo Hòa Hảo, của Tứ Ân Hiếu Nghĩa, là nơi có lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Những ngọn núi thiêng, những làng người Chăm, Khmer, Kinh sống chan hòa bên nhau từ bao đời đã làm nên vùng đất đa sắc, đa tâm thức, nhưng chung một hòa khí.
Kiên Giang - bề dày của trấn Hà Tiên xưa, của thơ văn Chiêu Anh Các, của đảo Phú Quốc nổi danh toàn cầu. Đây là nơi hội tụ biển, đảo, biên giới; là đất mở ra Tây Nam, là vùng kinh tế biển trọng điểm quốc gia với những địa danh đã đi vào lòng người như lăng Mạc Cửu, đình thần Nguyễn Trung Trực, trại giam Phú Quốc…
Không chỉ lịch sử - văn hóa mà cấu trúc kinh tế, kết nối hạ tầng, thói quen giao thương cũng đan cài bền chặt. Giữa vùng đất ngập nước tứ giác Long Xuyên và trù phú sông Hậu, giữa những tuyến biên giới giáp Campuchia kéo dài từ Hà Tiên đến Vĩnh Xương, cả hai tỉnh từng mang vai trò chiến lược thời kháng chiến, nay tiếp tục giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, thương mại biên giới và du lịch xuyên quốc gia.
Giờ đây, với tỉnh An Giang mới, mọi khoảng cách được thu hẹp, mọi dòng chảy hàng hóa, con người, dịch vụ trở nên liền mạch, thống nhất. Việc đặt tên An Giang không chỉ để giữ lại ký ức mà còn là lựa chọn nối dài giá trị vùng, giảm xáo trộn giấy tờ, hồ sơ cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp.
Du lịch An Giang sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa sau khi sáp nhập. Trong ảnh: Du khách tham quan Vinpearl Safari, trải nghiệm môtô nước tại Hà Tiên, check-in tại Bãi Trường và dự lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thể hiện sức hút mạnh mẽ của điểm đến mới, giàu tiềm năng văn hóa và biển đảo.
Trung tâm hành chính - chính trị được đặt tại phường Rạch Giá, một đô thị ven biển sôi động vừa là cửa ngõ ra biển lớn, vừa là điểm trung hòa giữa miền sông nước và biển, đảo. Không “dời” mà là “chọn” - lựa chọn một nơi phù hợp để điều hành một tỉnh có quy mô gần 10.000 km², dân số hơn 4,9 triệu người, gồm 102 đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu.
Cuối buổi học vẽ ở lớp tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Long Xuyên) lấy tấm bản đồ lớn, trải lên bàn. Cô nhẹ nhàng chỉ cho các học sinh đường ranh từng phân chia An Giang và Kiên Giang.
“Sau ngày 30-6, đường gấp này sẽ không còn nữa”, cô nói, giọng dịu dàng. “Giờ mình chỉ có một tỉnh thôi và các con đang cùng nhau vẽ nên tương lai chung”, cô tiếp lời.
Cô dùng bút màu vẽ những đường nối từ Tịnh Biên đến Phú Quốc, từ Long Xuyên đến Rạch Giá. Những nét nối ấy không chia mà gắn, không gấp mà mở, như một thông điệp cái mới chỉ thật sự vững chắc khi ta hiểu, trân trọng và gìn giữ điều cũ, để cùng nhau vẽ nên tương lai rộng lớn hơn.
Khoảnh khắc giản dị ấy tưởng chỉ là bài học vẽ đơn thuần lại chứa đựng tinh thần lớn của cuộc hợp nhất, không chỉ xóa một đường gấp trên giấy mà còn gỡ bỏ ranh giới trong tâm trí, kết nối con người và mở ra cơ hội mới.
Hai tỉnh An Giang, Kiên Giang trong nhiều tháng qua đã tổ chức nhiều cuộc họp, chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để bộ máy mới sẵn sàng đi vào vận hành từ ngày 1-7. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải kiểm tra cơ sở vật chất tại xã Tân Hội; cô Ngọc Oanh (áo đỏ) hướng dẫn học sinh về bản đồ hành chính mới; cán bộ kiểm tra hệ thống máy móc sẵn sàng phục vụ nhân dân đến làm thủ tục hành chính; đảng viên tham gia lấy ý kiến thành lập đặc khu Phú Quốc; y, bác sĩ luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo không gián đoạn.
Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tiến hành khẩn trương, nhanh nhưng không vội vã. Ngay khi có chủ trương của Bộ Chính trị, hai tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chung và các tổ công tác liên tỉnh, rà soát toàn bộ về dân cư, đất đai, bộ máy, tài chính, hạ tầng, văn hóa - xã hội…
Hàng trăm cuộc họp, hội nghị cán bộ, đảng viên, người dân diễn ra không phải để “lấy ý kiến cho có” mà thật sự để lắng nghe, cùng bàn, cùng làm.
Ba nguyên tắc xuyên suốt: Giữ ổn định chính trị - hành chính - tâm lý xã hội; tôn trọng bản sắc, hướng tới tương lai; không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là người dân vùng sâu, vùng biên.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang (nay là An Giang), ông Lâm Quốc Toàn cho biết: “Hội chuẩn bị chu đáo nơi làm việc, nơi nghỉ cho 13 cán bộ Hội Nông dân từ An Giang. Anh em tranh thủ cả thứ bảy, chủ nhật để sắp xếp lại không gian, chỉnh trang bàn ghế, phòng ốc, đảm bảo đón đồng nghiệp về làm việc trong điều kiện tốt nhất. Chúng tôi xem đây là cơ hội để gắn kết đội ngũ, nâng cao nguồn lực, chất lượng hỗ trợ nông dân”.
UBND tỉnh An Giang bố trí trụ sở làm việc, nhà ở và phương án đi lại cho hàng ngàn cán bộ về Rạch Giá làm việc sau khi hợp nhất tỉnh An Giang từ ngày 1-7. Hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh An Giang (cũ) cần chỗ ở tại phường Rạch Giá. Tỉnh hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt phí, lưu trú, mức hỗ trợ cao nhất lên đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Những câu chuyện, những bàn tay vẽ bản đồ hay những buổi tăng ca ban đêm của cán bộ đều cho thấy sự hợp nhất không chỉ là gộp địa giới mà còn là hành trình gắn kết niềm tin, trách nhiệm và khát vọng cùng nhau dựng xây một tỉnh mới mạnh mẽ hơn, gần dân hơn và đầy kỳ vọng.
HIỆN TRẠNG ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRƯỚC VÀ SAU KHI SẮP XẾP
Từ tầng 2 văn phòng Công ty Vina Phú Quốc Travel, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, Tổng Giám đốc công ty - mở cuốn brochure tour năm ngoái, lật lại trang bìa có ghi dòng chữ: “Tour liên kết An Giang - Kiên Giang: Trải nghiệm hai miền văn hóa, một hành trình đa sắc”. Rồi ông Huy bảo: “Sắp tới khỏi ghi là liên kết nữa. Chỉ cần viết tour An Giang thôi là khách đã hiểu. Đây là một hành trình, một tỉnh, một trải nghiệm liền mạch”.
Là người hơn 15 năm gắn bó với các tuyến du lịch miền Tây, ông Huy từng cùng cộng sự thiết kế tour nối Kiên Giang và An Giang, nhưng luôn vướng những rào cản hành chính, xúc tiến chưa chặt chẽ và thiếu một thương hiệu vùng thống nhất. Việc sáp nhập hai tỉnh, theo ông đó là bước đi lớn về thể chế để mở đường cho kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch phát triển bền vững, chuyên nghiệp và có tầm vóc hơn.
“Khách đi du lịch thường không phân biệt tỉnh này với tỉnh kia mà họ quan tâm đến trải nghiệm có liền mạch, tiện lợi hay không. Giờ đây, với một tỉnh thống nhất, ngành du lịch có thể xây dựng sản phẩm dài hơn, nhiều ngày hơn và dễ làm thương hiệu vùng hơn”, ông Huy nói.
Trên bản đồ mới, tỉnh An Giang trải dài từ dãy Thất Sơn đến đảo Phú Quốc, ôm trọn biên giới, biển đảo, rừng ngập mặn và hệ sinh thái văn hóa dân tộc đa dạng. Các tuyến du lịch sẽ dễ dàng kết nối từ tâm linh - sinh thái miền biên giới (Châu Đốc, Tịnh Biên) đến di sản văn hóa - biển, đảo (Hà Tiên, Phú Quốc), tạo ra hành trình đầy đủ từ chiều sâu tinh thần đến trải nghiệm nghỉ dưỡng hiện đại.
Các doanh nghiệp lữ hành đang bắt đầu nghiên cứu gói sản phẩm mới, hướng tới thị trường quốc tế với thông điệp: “Đến một tỉnh - trải nghiệm ba thế giới” (biên giới - đồng bằng - biển đảo).
Khi tỉnh An Giang mới được thành lập, người dân có điều kiện phát triển, kết nối thuận lợi hơn. Trong ảnh: Công ty Vina Phú Quốc Travel hướng dẫn du khách tham quan cơ sở trải nghiệm sản phẩm du lịch tại Phú Quốc; sản xuất giày da tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang; nông dân An Giang chăm sóc vườn sầu riêng và nuôi cá lồng bè, góp phần đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác cũng đã sớm chủ động nắm bắt thời cơ. Chị Châu Thị Như Thủy - chủ siêu thị đặc sản Hồng Châu Yến ở phường Rạch Giá nói: “Chúng tôi đang xây dựng website giới thiệu đặc sản An Giang để mở rộng thị trường. Tên siêu thị và bảng hiệu đổi sang phù hợp với tỉnh mới. Tất cả vì một mục tiêu chung đó là cùng nhau phát triển”.
Không chỉ ngành du lịch, việc sắp xếp đơn vị hành chính mở ra kỳ vọng lớn đối với các lĩnh vực khác: Giao thông - logistics được tối ưu hạ tầng, thương mại - dịch vụ có cơ hội mở rộng thị trường nội tỉnh, giáo dục - y tế được phối hợp quản lý đồng bộ, văn hóa - thể thao có điều kiện lan tỏa liên vùng.
“Tỉnh mới chưa thể có kết quả ngay, nhưng cái chúng tôi nhìn thấy rõ nhất lúc này là một tinh thần khởi đầu mới - từ thể chế đến cách nghĩ, cách làm. Nếu chính quyền tạo hành lang chính sách tốt thì du lịch sẽ là ngành tiên phong chứng minh hiệu quả sáp nhập vì du lịch đi trước, mở đường cho cảm nhận và kỳ vọng của người dân về tỉnh mới”, ông Huy nói.
Ông Huy gấp tờ brochure lại, bìa sau ghi dòng chữ: “Một hành trình - một niềm tin mới”…
Theo TÂY HỒ - ĐẶNG LINH - GIA KHÁNH (thực hiện)
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-moi-khong-gian-lon-cho-khat-vong-lon-a423495.html
Bình luận (0)