Một ngày hồi tháng 3, bà Vũ Thị Tuyết Nhung (chuyên gia ẩm thực, sống ở Hà Nội) đáp chuyến bay cùng bạn bè đi tour du lịch Thái Lan với hành trình 4 ngày 3 đêm.
Sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi, cả đoàn làm thủ tục nhập cảnh. Mỗi người được công ty du lịch phát 200 baht (khoảng 140.000 đồng) để dùng bữa tại nhà ga trước khi di chuyển về khách sạn.
Theo bà Tuyết Nhung, khu vực ăn uống tại ga quốc tế của sân bay Suvarnabhumi rộng rãi với hàng chục nhà hàng, bán đồ ăn Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... cho đến các món dành cho người Hồi giáo.

Bát phở bò 70.000 đồng mà bà Tuyết Nhung thưởng thức ở sân bay tại Thái Lan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dạo một lượt các gian hàng, nữ du khách đến từ Việt Nam nhận thấy giá cả các loại đồ ăn khá hợp lý.
"Tôi chọn ăn một bát phở bò bắp tái với giá 90 baht (tức gần 70.000 đồng). Mức giá này rẻ hơn khoảng 3-4 lần so với một suất phở bán tại nhà ga quốc tế ở sân bay Nội Bài", bà Nhung nói với phóng viên Dân trí.
Sau 5 phút, một bát phở nóng hổi được phục vụ tại bàn. Trong bát, ngoài bánh phở, có thêm 5-6 miếng thịt bò kèm giá, hành.
"Tôi cảm nhận bánh phở hơi cứng nhưng nước dùng ngọt nhờ ninh xương, thịt bò mềm và tươi.
Chất lượng suất ăn không thể ngon hơn phở Hà Nội, nhưng tôi đánh giá tốt hơn một bát tương tự được bán tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất", vị khách này đánh giá.
Nữ du khách cho rằng, chất lượng đồ ăn tại sân bay của Việt Nam đã có cải thiện rất nhiều so với những năm trước. Tuy nhiên, các công ty kinh doanh ẩm thực vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa ra mức giá phù hợp hơn.

Các loại đồ ăn, thức uống đa dạng cho khách lựa chọn ở sân bay Thái Lan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không chỉ có bà Nhung, nhiều thành viên trong đoàn tham quan Thái Lan đều có chung nhận xét, giá bán cơm, mỳ, phở... ở sân bay tại Bangkok chỉ đắt hơn các nhà hàng trong thành phố khoảng 10-20%.
"Nhìn sân bay ở Bangkok, tôi cũng mong muốn, đồ ăn ở sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất cũng đa dạng, mức giá chỉ cao hơn một chút so với bên ngoài", bà bày tỏ.
Giá cả ở nhiều sân bay thế giới không đắt đỏ
Là người đam mê du lịch, người phụ nữ này đã có cơ hội đặt chân tới khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Trong một vài lần chuyến bay bị hoãn, bà từng trải nghiệm ẩm thực tại một số sân bay quốc tế.
Nữ chuyên gia ẩm thực còn nhớ, một suất hamburger loại bình thường được bán tại sân bay của Đức với giá 4 Euro (hơn 115.000 đồng), còn loại đặc biệt là 6,9 Euro (hơn 200.000 đồng). Đây là mức giá phải chăng so với vị trí kinh doanh tại sân bay.
Tại Nhật Bản, nữ du khách từng thử nếm đồ ăn và trái cây của xứ sở mặt trời mọc. Mức giá bán các mặt hàng ở khu vực chờ lên máy bay chỉ nhỉnh hơn một chút so với siêu thị bên ngoài.
Ngoài ra, không gian rộng rãi với nhiều thương hiệu ẩm thực để khách lựa chọn là điểm khiến bà ấn tượng khi tới các sân bay lớn trên thế giới.
Nhiều năm qua, do nhận thấy đồ ăn sân bay được bán giá rất cao, bà Tuyết Nhung thường có thói quen mang theo thực phẩm do mình chế biến khi đi du lịch.
"Trong chuyến đi Trùng Khánh (Trung Quốc) mới đây, tôi mang theo cơm nắm và mắm tép chưng để ăn trước khi lên máy bay, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm tiền so với ăn những bát phở có giá cao", vị khách nói.
Cũng chung quan điểm về vấn đề này, chị Đặng Huyền (sống ở Hà Nội) cho rằng, đồ ăn ở sân bay tại Việt Nam đã ngon hơn so với cách đây 5-7 năm nhưng vẫn còn đơn điệu về chủng loại.
Từng có nhiều lần bay sang nước ngoài, nữ hành khách này không có sự lựa chọn nào khác ngoài mỳ tôm, bánh mỳ và phở. Trong khi đó, ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng, nhiều món ăn vùng miền chưa có mặt tại sân bay.
"Nhiều lần, tôi chứng kiến các vị khách vừa ăn phở ở sân bay vừa chê đắt đỏ. Tuy nhiên, họ không còn lựa chọn nào khác giữa lúc cơn đói bụng ập đến. Nhiều người muốn ăn để trải nghiệm nhưng không phải ai cũng hài lòng với mức giá trên trời", chị Đặng Huyền chia sẻ.
Xem việc bán món ăn sân bay là cơ hội quảng bá
Có nhiều năm nghiên cứu ẩm thực trong đó có phở, bà Tuyết Nhung cho rằng, sân bay không chỉ là nơi kinh doanh mà còn có thể trở thành điểm quảng bá văn hóa ẩm thực. Nếu muốn làm được điều này, các công ty cần làm phong phú hơn thực đơn hàng ngày.
"Ngoài phở, bánh mỳ, Việt Nam còn rất nhiều món ăn ngon như bún bò Huế, bún thang, các loại bánh đặc trưng của từng vùng miền. Đơn vị kinh doanh hoàn toàn có thể đưa vào phục vụ khách", bà Nhung bày tỏ.
Nói về những nguyên nhân khiến giá một bát phở ở sân bay tại Việt Nam có giá cao, nữ chuyên gia ẩm thực nhận định tiền thuê mặt bằng có tác động lớn nhất cùng các loại chi phí khác.
Vị khách này nhận định, bát phở ở Thái Lan được bán với mức giá phải chăng có thể nhờ chính sách trợ giá về chi phí tại sân bay.
"Tại Việt Nam, cơ quan chức năng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện các chương trình tương tự nhằm hạ mức giá bán đồ ăn, vì đây cũng là cách góp phần quảng bá ẩm thực", bà cho hay.

Khu ăn uống tại sân bay ở Thái Lan (Ảnh: Bangkok).
Chị Đặng Huyền cho rằng, khi các nhà ga sân bay rộng rãi hơn, ban quản lý có thể thiết lập những không gian văn hóa có ẩm thực, âm nhạc, trình diễn phong tục để du khách hiểu hơn về Việt Nam.
"Nếu muốn thu hút nhiều người, trước hết, giá cả cần ở mức phải chăng. Khi khách thưởng thức nhiều, thương hiệu món ăn được quảng bá với thế giới. Giá bán đồ ăn ở mức cao, khách ngại ăn, vô tình đánh mất đi một cơ hội giới thiệu về nét đẹp ẩm thực", chị Huyền chia sẻ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/an-pho-bo-o-san-bay-thai-lan-khach-viet-bat-ngo-vi-re-hon-o-noi-bai-4-lan-20250514200225665.htm
Bình luận (0)