Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hoàng Lộc, Hệ thống y tế tim mạch - tiểu đường 315 (TP.HCM) giải đáp: Vì bệnh tim có thể nặng lên khi gặp những stress bất lợi và nắng nóng là một trong những stress bất lợi đó. Bên cạnh, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mất nước, nên nắng nóng có thể gây nguy hiểm.
Vì thế bạn cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ bạn trong thời tiết khắc nghiệt hiện nay.
Thời tiết nắng nóng nên ở trong môi trường mát mẻ, sử dụng quạt hoặc điều hòa nhiệt độ (nhiệt độ lý tưởng khoảng 25-28°C)
Ảnh: AI
Giữ mát và tránh bị nóng quá mức
Đảm bảo mẹ bạn ở trong môi trường mát mẻ, sử dụng quạt hoặc điều hòa nhiệt độ (nhiệt độ lý tưởng khoảng 25-28°C). Tránh để người lớn tuổi ra ngoài vào giờ cao điểm nắng nóng (10-16 giờ). Nếu cần ra ngoài, hãy dùng mũ rộng vành, ô, hoặc quần áo thoáng mát, sáng màu.
Đảm bảo cung cấp đủ nước khi nắng nóng
Khuyến khích người lớn tuổi uống đủ nước (tối thiểu khoảng 1,5-2 lít/ngày, trừ khi bác sĩ khuyên hạn chế do bệnh tim). Nước lọc, nước trái cây không đường, hoặc trà thảo mộc là lựa chọn tốt. Theo dõi dấu hiệu mất nước như mệt mỏi, chóng mặt, miệng khô, hoặc tiểu ít. Người mắc tiểu đường dễ mất nước hơn do đường huyết cao.
Chế độ ăn uống phù hợp
Duy trì chế độ ăn lành mạnh cho bệnh tim và tiểu đường như: Ít muối, ít đường, nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ và protein. Tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chế biến sẵn, vì chúng có thể làm tăng huyết áp hoặc đường huyết. Chia nhỏ bữa ăn để tránh tăng gánh nặng cho hệ tim mạch và cũng là để ổn định đường huyết.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh cho bệnh tim và tiểu đường như: Ít muối, ít đường, nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ
Ảnh minh họa: AI
Theo dõi sức khỏe thường xuyên
Đo huyết áp và đường huyết thường xuyên, đặc biệt trong ngày nóng, vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến các chỉ số này. Quan sát các dấu hiệu bất thường như khó thở, đau ngực, mệt mỏi quá mức, hoặc chóng mặt - đây có thể là dấu hiệu của vấn đề tim mạch hoặc hạ đường huyết. Đảm bảo mẹ uống thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc (như thuốc lợi tiểu cho bệnh tim) có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
Tạo môi trường thoải mái
Giữ phòng thông thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm mốc để giảm nguy cơ nhiễm trùng, vì người tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn. Khuyến khích mẹ nghỉ ngơi nhiều, tránh hoạt động thể chất mạnh trong thời tiết nóng. Các bài tập nhẹ như đi bộ trong nhà vào sáng sớm hoặc chiều muộn có thể phù hợp.
Chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp
Luôn có số điện thoại của bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất. Nếu mẹ có dấu hiệu nghiêm trọng như đau ngực kéo dài, khó thở, không tỉnh táo, hãy đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-nang-nong-nguoi-lon-tuoi-bi-benh-tim-tieu-duong-luu-y-gi-185250428215130408.htm
Bình luận (0)