Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Trong 5 năm qua, huyện đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giám đốc, kế toán HTX. Khuyến khích các HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các HTX nông nghiệp thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa UBND huyện với các HTX, để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng vốn vay trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, túi bọc quả xoài; giúp các HTX quảng bá sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Hiện nay, doanh thu bình quân một HTX đạt trên 800 triệu đồng/năm,
Nắm bắt xu thế của thị trường, các HTX chủ động đổi mới phương thức hoạt động; kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp. Từ chỗ sản xuất theo hình thức tự cung, tự cấp, đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao, tiêu biểu như sản phẩm trà ống lam, trà shan tuyết, măng trúc muối ớt, miến dong tươi và khô…
Điển hình như HTX Nông nghiệp A Châu, bản Chung Trinh, xã Tà Xùa, từ năm 2020 đã liên kết các hộ trong bản thành lập HTX, quy mô sản xuất 7 ha chè theo hướng hữu cơ và 4 ha su su, trong đó, sản phẩm chè ống lam của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Anh Lù A Châu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX được huyện, tỉnh giới thiệu tham gia các tuần hàng giới thiệu nông sản; được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức. Qua đó, giúp việc tiêu thụ các sản phẩm của HTX ổn định.
Còn tại xã vùng cao Làng Chếu, khai thác lợi thế của địa phương có nhiều hộ trồng dong riềng, sơn tra, năm 2020, ông Sồng A Mang cùng với 7 hộ dân ở bản Cáo A đã liên kết, thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu. Đến nay, HTX xây dựng 2 sản phẩm miến dong khô, miến dong tươi đạt OCOP 3 sao; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX, cho biết: Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, HTX đầu tư máy sấy lạnh quả sơn tra và dây chuyền sản xuất tinh bột, miến dong. Mỗi năm, HTX bao tiêu hơn 2.000 tấn quả sơn tra và dong riềng cho nhân dân các xã vùng cao của huyện. Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho các hộ, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Doanh thu mỗi năm đạt từ 700-800 triệu đồng.
Phát triển kinh tế HTX trên địa bàn huyện Bắc Yên đã góp phần thay đổi tư duy của các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/bac-yen-ho-tro-kinh-te-hop-tac-xa-bCbwKUaHR.html
Bình luận (0)