Cùng với xu hướng chuyển đổi chung của các tỉnh, thành trong khu vực, trên địa bàn Tiền Giang hiện đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực, đặc sản.
Trước xu hướng chuyển đổi mạnh sang trồng cây ăn trái, Tiền Giang đã rà soát, điều chỉnh, xây dựng các đề án, dự án đầu tư phát triển vùng cây ăn trái tập trung, hướng đến tiêu thụ bền vững.
HỖ TRỢ SẢN XUẤT
Huyện Cái Bè là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn của tỉnh với nhiều loại trái cây đặc sản. Trong đó, cây sầu riêng chiếm diện tích lớn và tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo UBND huyện Cái Bè, đến nay, diện tích sầu riêng của huyện khoảng 10.000 ha; trong đó, diện tích cho trái chiếm khoảng 2/3.
Tiền Giang đã và đang tập trung hỗ trợ sản xuất ngành hàng “tỷ đô”. |
Để phát triển cây sầu riêng, thời gian qua, huyện Cái Bè đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ. Song song đó, địa phương còn tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Hằng năm, ngành Nông nghiệp đều xây dựng kế hoạch tập huấn, hội thảo và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây ăn trái, chủ yếu trên cây sầu riêng. Ngoài ra, địa phương còn tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 60 MSVT sầu riêng được cấp với diện tích trên 1.500 ha. Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Văn Đông (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) quyết định chuyển 1 ha lúa sang trồng sầu riêng.
Ông Đông chia sẻ: “Đất ruộng tại khu vực của tôi nằm trong ô đê bao nên đảm bảo việc trồng sầu riêng. Cây sầu riêng phát triển rất tốt không thua ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1. Lứa trái đầu tiên thu hoạch vào dịp sầu riêng giá cao nên lời bộn”.
Để giúp mặt hàng trái cây tiêu thụ bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác cấp MSVT xuất khẩu. Theo Sở NN-MT, đến nay, toàn tỉnh có 464 MSVT cây ăn trái phục vụ xuất khẩu với diện tích trên 28.380 ha gồm: 68 MSVT mít, diện tích hơn 8.500 ha; 97 MSVT thanh long, diện tích trên 6.250 ha; 57 MSVT xoài, diện tích hơn 1.800 ha; 15 MSVT vú sữa, diện tích gần 90 ha; 5 MSVT dưa hấu, diện tích 819 ha; 3 MSVT chôm chôm, diện tích hơn 388 ha; 7 MSVT nhãn, diện tích hơn 220 ha; 155 MSVT sầu riêng, diện tích trên 6.927 ha; 13 MSVT bưởi, diện tích hơn 178 ha; 40 MSVT dừa, diện tích gần 3.120 ha; 4 MSVT chanh, diện tích trên 80 ha. Toàn tỉnh còn có 323 mã số CSĐG, trong đó có 316 mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm: 60 mã số CSĐG sầu riêng, 251 mã số CSĐG các loại trái cây như mít, xoài, thanh long...; có 7 mã số CSĐG xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, NewZealand... trên các loại trái cây như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, bưởi. |
Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của TX. Cai Lậy, đặc biệt là phát triển sản xuất cây ăn trái. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị TX. Cai Lậy, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển sang chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phía Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh gắn với tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, sản xuất nông nghiệp tốt. Qua đó, địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung có diện tích lớn như sầu riêng 3.420 ha, tăng 1.212 ha so với năm 2020; mít 1.700 ha.
Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 6.600 ha. Diện tích đang cho trái là 5.545 ha, với sản lượng thu hoạch 180.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha.
Hiện nay, toàn huyện có 101 MSVT xuất khẩu với diện tích 5.923 ha tại các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, NewZealand và 5 mã số CSĐG thanh long. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, để phát triển bền vững cây thanh long, huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây thanh long và nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, mỗi xã một sản phẩm.
Địa phương kết hợp 2 nghị quyết chuyên đề này lại, phân “vai” cụ thể trong việc thực hiện chuỗi liên kết. Theo đó, nông dân cố gắng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt phục vụ thị trường. Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, đóng vai trò liên kết, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm dưới hình thức bao tiêu.
Huyện cụ thể hóa 2 nghị quyết chuyên đề thành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đầu tư nâng hạ tầng về điện, giao thông, thủy lợi để phục vụ phát triển sản xuất…
HÌNH THÀNH CÁC VÙNG CHUYÊN CANH
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) tỉnh Tiền Giang, nhờ có địa thế dọc theo sông Tiền, được phù sa bồi đắp màu mỡ và thuận lợi về nguồn nước nên trên địa bàn tỉnh đã sớm hình thành những vùng sản xuất trồng trọt chuyên canh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng trồng tập trung với các loại cây đặc sản nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), khóm Tân Lập (huyện Tân Phước), thanh long (huyện Chợ Gạo), bưởi lông Cổ Cò...
Đây là điều kiện và cơ hội sản xuất cây ăn trái phục vụ xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, các loại cây ăn trái chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu gồm: Sầu riêng (24,585 ha, sản lượng đạt 457.892 tấn), mít (15.832 ha, sản lượng đạt 332.080 tấn), thanh long (8.537 ha, sản lượng 300.107 tấn), bưởi (4.102 ha, sản lượng 61.710 tấn)... tập trung chủ yếu ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, TX. Cai Lây, và TP. Mỹ Tho.
Cũng theo Sở NN-MT, thời gian qua, để phát triển các loại cây ăn trái chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh, tỉnh đã triển khai thực hiện các đề án, dự án như: Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang”, Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiểu thu xoài cát Hòa Lộc tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh còn có các kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản chủ lực, kế hoạch tổ chức thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và năm 2030” và “Chỉ thị phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ NN-MT).
Trong những năm qua, để thúc đẩy phát triển ngành hàng cây ăn trái, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, sản lượng nông sản, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các đề án, dự án đầu tư phát triển vùng cây ăn trái tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế và khả năng cạnh tranh từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang đã tính toán, xác định mục tiêu phát triển và các giải pháp triển khai phù hợp với yêu cầu phát triển từng khu vực sản xuất. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; cấp MSVT, CSĐG nông sản xuất khẩu; triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Mặc dù có bước tiến dài trong chuyển đổi sản xuất, hình thành được các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn nhưng ngành hàng “tỷ đô” vẫn hàm chứa nhiều bất cập, rủi ro. Sản xuất hiệu quả, bền vững vẫn là đích đến của ngành Nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng.
A.THƯ - T. AN
(còn tiếp)
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202503/huong-di-nao-cho-nganh-hang-ty-do-bai-2-khai-thac-toi-da-loi-the-1038407/
Bình luận (0)