Nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp của báo chí khu vực
Đối tượng tham dự Giải báo chí miền Đông Nam bộ bao gồm các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí thuộc các tỉnh, thành phố trong khu vực như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm dự thi thuộc 4 loại hình báo chí. Sau vòng sơ khảo, 80 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào chung khảo, trong đó Hội đồng Giám khảo đã quyết định trao 22 giải thưởng, gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích (trong đó tỉnh Bình Thuận đoạt 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích).

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, nhiều tác phẩm đoạt giải có tính phát hiện cao, nguồn tư liệu phong phú và góc nhìn độc đáo, góp phần tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tác giả, đồng thời nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp của báo chí khu vực. Bên cạnh các đề tài kinh tế - xã hội thông thường, nhiều tác phẩm tập trung khai thác những câu chuyện đời thường giàu tính nhân văn hoặc các vấn đề ít được chú ý như bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, phát triển bền vững và môi trường.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, Giải báo chí miền Đông Nam bộ lần thứ III là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà báo trong khu vực trong việc lan tỏa hình ảnh, tiềm năng, thành tựu của vùng đất Đông Nam bộ. Các tác phẩm dự thi không chỉ phản ánh chân thực, sinh động thực tiễn của địa phương và khu vực mà còn góp phần định hướng dư luận, cổ vũ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền các cấp vượt qua khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.


Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2025 và đầu năm 2026 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển của vùng Đông Nam bộ và cả nước trong đó có lĩnh vực báo chí. Đó là việc thực hiện Nghị quyết 18, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam... Đây cũng chính là cơ hội cho các cơ quan báo chí, nhà báo thể hiện năng lực thực hiện những bài có dung lượng thông tin lớn, hình thức phong phú, hiện đại, có tính định hướng cao đi kèm những đề xuất, giải pháp, phù hợp với xu hướng “báo chí giải pháp”. Mục đích nhằm đưa quan điểm đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nêu giải pháp: Báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước như về thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, Nghị quyết 57 của Đảng về phát triển khoa học công nghệ; các chủ trương về nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời quan tâm phản biện chính sách, góp phần khắc phục những tồn tại, yếu kém, điểm nghẽn thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của khu vực.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện sáp nhập các Hội, các cơ quan báo đài, phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và quản lý Nhà nước của chính quyền. Mặt khác, cần đặc biệt quan tâm, tạo được sự thống nhất về nhận thức, tầm quan trọng của chủ trương sáp nhập, thu gọn bộ máy. Mục đích để tăng tính hiệu quả hơn, nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất là trong bộ phận lãnh đạo, làm hạt nhân đoàn kết trong đơn vị, tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, xây dựng không khí làm việc phấn khởi, lạc quan đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Đó là nền tảng quan trọng để các cơ quan báo chí tạo ra được những sản phẩm có giá trị và đem lại hiệu ứng xã hội tốt.
Một trong những nội dung quan trọng nữa, đó là trong điều kiện các cơ quan báo chí các tỉnh được sáp nhập, địa bàn hoạt động của các nhà báo sẽ rộng hơn, nhiều lĩnh vực, vấn đề để viết hơn. Việc tác nghiệp trong điều kiện như vậy càng đòi hỏi báo chí Đông Nam bộ cần tiếp tục đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm báo hiện đại, sáng tạo cho đội ngũ những người làm báo. Song song, tích cực chuyển đổi số, nâng cao năng lực số hóa hoạt động tòa soạn không chỉ trong việc sản xuất mà còn trong việc phân phối nội dung báo chí. Đặc biệt, việc phát triển các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, và truyền thông đa phương tiện sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin, tăng cường tính tương tác và phản hồi từ cộng đồng, xã hội.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/bao-chi-va-truyen-thong-da-phuong-tien-129342.html
Bình luận (0)