Hoạt động xúc tiến quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, OCOP tại các hội chợ của doanh nghiệp Quảng Nam. Ảnh: Phan Vinh
Từ những nền tảng vững chắc
Qua 7 năm, các địa phương trong tỉnh đều triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 419 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 60 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Song ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, để tạo nên sự thành công của chương trình OCOP, là sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời với nhiều quyết sách liên quan đến sự phát triển sản phẩm OCOP. Điều này giúp chủ thể OCOP mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhằm phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Đối với sâm Ngọc Linh, thời gian qua cũng gặt hái được nhiều thành tựu, nhất là ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như kẹo, nước uống, thực phẩm chức năng…
Từ nền tảng đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 40 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2023, định hướng đến năm 2035.
Có chiến lược truyền thông bài bản, dài hơi sẽ giúp sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, OCOP lan tỏa rộng hơn đến nhiều ngóc ngách của thị trường. Ảnh: PHAN VINH
Theo Nghị quyết, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha. Mỗi năm, khai thác khoảng 300-350ha với tổng sản lượng đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm. Đồng thời, xây dựng các khu bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh và vườn sưu tập nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này; mỗi năm sản xuất 5 triệu đến 10 triệu cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi…
Đến việc truyền thông bài bản, dài hơi
Từ những nền tảng vững chắc trên, theo chuyên gia truyền thông Phạm Sông Thu, có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra, thậm chí là đạt hơn nếu có chiến lược truyền thông bài bản, dài hơi. Bên cạnh đó là cần có lộ trình để đưa sản phẩm ra quốc tế, trước hết thông qua khách du lịch để lan tỏa sản phẩm ra thế giới, để mỗi du khách quốc tế là đại sứ thương hiệu, lâu dài, có chiến lược cho từng thị trường quốc tế, thiết lập các kênh phân phối cho phù hợp với chuỗi cung ứng...
Là một chuyên gia truyền thông, gốc gác Quảng Nam, ông Phạm Sông Thu cho biết lâu này ông cũng có quan sát các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, OCOP... Ông nhận thấy phần lớn những chủ thể phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, OCOP là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó dễ dàng bị các thương hiệu có tiềm lực khác lấn át về mặt truyền thông, thương hiệu.
Chuyên gia truyền thông Phạm Sông Thu. Ảnh do nhân vật cung cấp
“Không thể phủ nhận những thành tựu có được là nhờ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, cơ quan ban ngành như tham gia triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại… Nhưng trong thời đại truyền thông mạng xã hội lên ngôi, thì những hoạt động mang tính chất trực tiếp là chưa đủ. Vẫn phải cần các hoạt động xây dựng, lan tỏa và phát triển thương hiệu trên nền tảng trực tuyến mà ta quen gọi là truyền thông mạng xã hội. Có như vậy, sản phẩm mới thoát khỏi không gian chật hẹp ở hội chợ, triển lãm, mà lan tỏa sâu rộng đến nhiều ngóc ngách của thị trường” - ông Thu nhận định.
Cũng theo ông Thu, một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa “bùng nổ” trên thị trường là quy mô nhỏ, kênh phân phối còn bị hạn chế. Trước hết, họ cần được lãnh đạo địa phương, các sở ngành tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để đảm bảo chất lượng. Tiếp đến là cần tiếp tục được hỗ trợ xúc tiến tìm thị trường qua tất cả các kênh phân phối trực tiếp và trực tuyến,…
Điều quan trọng không kém, là cần có chiến lược truyền thông bài bản, dài hơi. “Đó là tiếp tục xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu sâm Ngọc Linh với các sản phẩm thuộc hàng “quốc bảo” này; đồng thời, tăng nhận diện và niềm tin để tạo nhận thức về giá trị, nguồn gốc và hiệu quả của sâm Ngọc Linh, sản phẩm OCOP với công chúng trong và ngoài nước; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng cách kết nối với thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng” - chuyên gia Phạm Sông Thu gợi mở.
Cũng theo ông Phạm Sông Thu, sau khi có được thông điệp cốt lõi, cần đẩy mạnh truyền thông liên tục, đều đặn qua các kênh báo chí từ Trung ương đến địa phương; với những chuyến dịch kể về các câu chuyên của người trồng sâm, người làm sản phẩm OCOP; và để có thêm độ bao phủ thì nên sản xuất các sản phẩm truyền thông để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.
Đối với truyền thông mạng xã hội, ông Phạm Sông Thu cho rằng không gì chân thực hơn khi các nội dung này được thực hiện, hay ghi lại hình ảnh của những người làm sản phẩm từ sâm, OCOP mỗi ngày. Và việc này, các sở, ngành cần hỗ trợ, trang bị kỹ năng cho các chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất sáng tạo nội dung truyền thông, bao gồm cả việc áp dụng AI vào để tăng cường hiệu quả và giảm thiểu thời gian, công sức.
“Có một điều hết sức lưu ý là việc xây dựng nội dung truyền thông cần phải đúng với thực tế, nhất là liên quan đến chất lượng hay thành phần của sản phẩm, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như sự vụ kẹo Kera vừa xảy ra” - ông Phạm Sông Thu lưu ý.
Phạm Sông Thu là tác giả cuốn sách Truyền thông theo phong cách Win-Win; Cuộc chiến thương hiệu: Sáng tạo hay chịu chết; A.I. Đánh cắp cảm xúc?; cuốn Cẩm nang quản trị thương hiệu. Từng công tác tại Tập đoàn Vingroup, Novagroup và tư vấn truyền thông cho một số thương hiệu trong nước và quốc tế.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/doanh-nghiep-quang-nam-can-duoc-ho-tro-truyen-thong-de-day-manh-phat-trien-thuong-hieu-3152745.html
Bình luận (0)