Hành trình thiện nguyện bền bỉ
Gần 8 năm đã qua, gia đình ông Võ Quí (thôn Bình Trị, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) vẫn giữ tấm ảnh chụp căn nhà mới khang trang trong ngày khánh thành kề bên căn nhà cũ thấp, mái xô lệch, tường đất… như để nhắc nhớ ân tình của bác sĩ Trương Tấn Minh - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và quyền trẻ em tỉnh. “Nhà mới khang trang, có 3 phòng dành cho cha mẹ, vợ chồng tôi và 2 con trai. Ngày khánh thành, cả gia đình đứng ngắm nhà mà vẫn ngỡ đang mơ. Nếu không có bác sĩ Minh thì đến giờ, căn nhà vẫn chỉ là ước mơ của gia đình tôi” - ông Quí trải lòng.
Bác sĩ Trương Tấn Minh nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2017. |
Bác sĩ Trương Tấn Minh nhớ lại, năm 2017, Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và quyền trẻ em tỉnh tổ chức tặng quà cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học tại xã Ninh Bình. Khi tới nhà ông Quí, thấy căn nhà vách đất xiêu vẹo, phải dùng cây chống xung quanh, mái lủng nhiều chỗ, che bạt tứ tung, ông sững sờ. Trong nhà, cụ bà hơn 70 tuổi bị tai biến và gãy xương đùi, cụ ông hơn 80 tuổi bị bệnh đều nằm dưới đất... “Trở về, tôi thao thức suốt đêm rồi quyết định chia sẻ gia cảnh nhà ông Quí lên trang Facebook cá nhân. Thật bất ngờ, 3 ngày sau, tôi được các mạnh thường quân gửi hơn 100 triệu đồng hỗ trợ xây nhà cho gia đình. Mừng quá, tôi vội gọi ông Quí thông báo, nhưng cả nhà không tin...” - bác sĩ Minh kể lại, mắt lấp lánh niềm vui. Ông Quí bổ sung: “Căn nhà được hỗ trợ có tổng trị giá 128 triệu đồng. Lúc đó, gia đình tôi là hộ cận nghèo, vợ chồng làm mướn, 2 con học phổ thông, đủ ăn đã là may mắn, sao dám nghĩ cất nhà. Nhà khánh thành được ít ngày thì cơn bão số 12 ập tới. Sáng ra, nhìn căn nhà cũ bị gió bão quét đổ sụp, tôi rùng mình, tưởng tượng nếu cả nhà vẫn còn sống trong đó…”.
Bác sĩ Trương Tấn Minh trao nhà mới cho gia đình ông Võ Quí. |
Sau khi nghỉ hưu, năm 2010, bác sĩ Trương Tấn Minh tham gia Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và quyền trẻ em tỉnh với chức vụ Phó Chủ tịch hội, sau đó làm Chủ tịch hội và tiếp tục các hoạt động thiện nguyện. Ông ngược xuôi đi nhiều nơi để kết nối, vận động ủng hộ cho hoạt động của hội; chủ động phối hợp tổ chức nhiều chương trình gây quỹ từ thiện. Từ khi tham gia hội đến hết năm 2024, ông và các thành viên đã kết nối, giúp đỡ cho hàng chục ngàn lượt người. Hội vận động được hơn 124 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện; góp phần điều trị bệnh đục thủy tinh thể, chấn thương chỉnh hình, hở hàm ếch, sứt môi cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp gần 1 triệu bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo; xây mới 16 căn nhà (100 triệu đồng/căn); tặng 1.500 xe lăn, xe đạp cho người khuyết tật, học sinh nghèo và tặng hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh, hơn 10.000 phần quà cho các đối tượng hội bảo trợ, hỗ trợ sinh kế cho gần 1.000 lượt người… Riêng năm 2024, từ nguồn kinh phí vận động hơn 13,4 tỷ đồng, hội đã trợ giúp hơn 100.000 lượt người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xây nhà, hỗ trợ sinh kế, mua bảo hiểm y tế, cải thiện bữa ăn, mua trang thiết bị y tế…
Góp phần cải thiện hệ thống y tế Khánh Hòa
Trước khi làm Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, bệnh nhân nghèo và quyền trẻ em tỉnh, ở cương vị lãnh đạo Sở Y tế, bác sĩ Trương Tấn Minh đã có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng, phát triển hệ thống y tế Khánh Hòa.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân công về Bệnh viện Da liễu làm Đội trưởng Đội phòng, chống bệnh phong của tỉnh. Hồi đó, bệnh phong là một trong “tứ chứng nan y” nên ai cũng sợ; người bệnh còn giấu bệnh vì sợ kỳ thị. Chứng kiến cái khổ, cái đau của người bệnh phong, ông và cả đội không ngại đạp xe đến từng thôn khám cho từng người, ròng rã cả tháng trời. “Hồi đó, chúng tôi không sợ khó, sợ khổ, chỉ mong mình đi nhanh hơn, đến được sớm hơn để người bệnh được điều trị kịp thời, tìm lại sự tự tin” - bác sĩ Minh chia sẻ. Bác sĩ Trần Thị Kim Thanh, thành viên Đội phòng, chống bệnh phong của tỉnh hồi đó kể: “Chúng tôi đã nhiều lần bị người dân đuổi khỏi nhà, bởi sợ bị phát hiện ra bệnh thì hàng xóm xa lánh. Hiểu được điều đó, bác sĩ Minh vừa động viên chúng tôi, vừa nghĩ đủ cách tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không kỳ thị, xa lánh bệnh nhân phong. Có lần, gánh hát về làng biểu diễn, bác sĩ tới sớm, xin cho 30 phút trước giờ diễn để lên tuyên truyền...”. Nhờ sự tận tâm ấy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh phong đã được chữa khỏi.
Bác sĩ Trương Tấn Minh trao quà cho một người bệnh ở thị xã Ninh Hòa. |
Năm 1990, bác sĩ Trương Tấn Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Da liễu. Sau đó, ông đi học cao học quản lý y tế tại Thái Lan rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Y tế năm 1998 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học năm 2001. Năm 2004, tới thăm một trạm y tế xã, thấy cơ sở vật chất xuống cấp, ông trăn trở nghĩ cách xây lại trạm cho trang khang, bởi trạm y tế là nơi gần dân nhất, cấp cứu cho dân nhanh nhất. Ông cùng tập thể lãnh đạo Sở Y tế từng bước đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đào tạo nhân lực cho ngành Y tế. Riêng ông đã huy động mọi mối quan hệ để tài trợ xây lại tổng cộng 69 trạm y tế cấp xã và hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho hơn 100 bác sĩ về y tế dự phòng; tổng kinh phí vận động khoảng 4,6 triệu USD. Với sự tham mưu của Sở Y tế, các trạm y tế còn lại cũng được tỉnh đầu tư xây mới và trang bị nhiều thiết bị như: Máy siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, làm răng… “Giai đoạn 2004 - 2006, Khánh Hòa được Bộ Y tế đánh giá có trạm y tế hiện đại nhất toàn quốc”, bác sĩ Trương Tấn Minh cho biết.
Xong tuyến xã, ông lại vận động xây dựng bệnh viện tuyến huyện, sửa chữa một số bệnh viện tuyến tỉnh, vận động đầu tư các thiết bị y tế hiện đại; mời chuyên gia y tế từ TP. Hồ Chí Minh ra chuyển giao kỹ thuật...
Tiếp tục kết nối, sẻ chia
Lý giải việc chọn chữa bệnh và hỗ trợ người yếu thế, bác sĩ Minh kể, hồi nhỏ, thấy xe khám lưu động về khám bệnh cho dân làng, ông rất ngưỡng mộ và ước mơ được làm bác sĩ. Nhưng khi ấy, cuộc sống ở làng Phú Thọ (xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa) quê ông rất khó khăn. Năm ông 2 tuổi, cha ông đi bộ đội và hy sinh. Mẹ ông đi bước nữa, ông sống với ông bà nội. Đang học cấp 2, ông phải nghỉ học 4 năm để chăn bò phụ gia đình. Nhưng ông vẫn nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Ông xin gia đình cho đi học nghề may để tự nuôi bản thân và tiếp tục học vào ban đêm. Năm 1972, ông vào Sài Gòn làm nghề may để mưu sinh và nuôi tiếp ước mơ. Năm 1975, ông thi đậu Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu hành trình trở thành bác sĩ chuyên ngành nội - nhi - nhiễm.
Chúng tôi chia tay vị bác sĩ 75 tuổi khi ông có cuộc điện thoại của mạnh thường quân hẹn đi trao quà cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông nói giản dị: “Cuộc đời tôi có nhiều khó khăn nhưng cũng được không ít người giúp thực hiện ước mơ. Vì vậy, tôi phải hết sức giúp lại người khác để đáp đền ân tình”. Bạn bè ai cũng biết, cơn đột quỵ đã khiến ông phải mang trong người vài chục chiếc khoen nong mạch máu, nhưng dường như điều đó chẳng ngăn được trái tim ấm nóng, hối thúc đôi chân của ông tiếp tục đến với cộng đồng.
Năm 2009, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Tấn Minh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Năm 2017, ông vinh dự được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ngoài hoạt động chuyên môn và thiện nguyện, ông còn làm thơ, viết nhạc. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 100 tác phẩm âm nhạc; xuất bản 2 tập nhạc (Những tình khúc Trương Tấn Minh, phát hành năm 2019; Lời trái tim yêu, phát hành năm 2024).
NGUYỄN VŨ - CÁT ĐAN
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202504/tam-long-cua-nguoi-thay-thuoc-nhan-dan-32d76d4/
Bình luận (0)