Toàn tỉnh hiện có 116 xóm, làng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Đây là các địa bàn miền núi có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, đời sống còn nhiều thiếu thốn, cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế. Một số địa phương vẫn còn tình trạng tảo hôn, trẻ em bỏ học và tồn tại các tập tục lạc hậu. Thời gian qua, được triển khai bài bản, hiệu quả, mô hình dân vận khéo “Kết nghĩa giữa CA các đơn vị, địa phương với các xóm, làng vùng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định” góp phần giữ xóm, làng bình yên.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh) tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi ở làng O5, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: M.N |
Năm 2022, CA tỉnh đã phân công 36 đơn vị, địa phương kết nghĩa với 40 xóm, làng và 1 tổ chức đoàn thuộc các huyện miền núi. Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh, 12 đơn vị cấp phòng và Ban Thanh niên CA tỉnh kết nghĩa với 13 xóm, làng và 1 tổ chức đoàn. Trong 3 năm 2022 - 2024, lực lượng CA các đơn vị đã tổ chức 293 buổi tuyên truyền pháp luật tại các xóm, làng, thu hút hơn 60.000 lượt người dân tham dự. Các nội dung tuyên truyền được lồng ghép trong các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, từ bỏ hủ tục và tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Qua theo dõi việc triển khai thực hiện mô hình, thượng tá Đinh Thị Lệ Dung, Phó chánh Văn phòng CA tỉnh, cho biết: “CA các đơn vị, địa phương đã tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT như: Tiếng kẻng an ninh, Dòng tộc không tội phạm, Hội Nông dân tự quản, Giếng nước nghĩa tình, Sân chơi tuổi thơ, Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy... Đặc biệt là phong trào “3 không về an ninh, trật tự” tiếp tục được đưa vào hương ước, quy ước tại các xóm, làng. Lực lượng CA thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở. Mô hình còn phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo ANTT tại xóm, làng”.
Hằng năm, nhân các dịp lễ, Tết, CA các đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người dân, già làng, người có uy tín. Trong 3 năm, đã có gần 19.000 suất quà, nhu yếu phẩm và công trình, với tổng trị giá hơn 7,5 tỷ đồng được trao tặng tại các xóm, làng. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội thiết thực như: Đỡ đầu học sinh khó khăn, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát... cũng được triển khai tại các xóm, làng.
Ông Đinh Biên, già làng O5, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Từ khi kết nghĩa đến nay, cán bộ, chiến sĩ CA thường xuyên đến thăm làng chúng tôi và có nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng quà, khám bệnh cấp thuốc, giao lưu… Tình cảm giữa bà con với cán bộ, chiến sĩ CA càng thêm gắn bó”.
“Tuyến núi của tỉnh là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, do đó lực lượng CA tỉnh sẽ tiếp tục cùng các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các mô hình dân vận khéo, giữ bình yên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống”, đại tá Nguyễn Chí Linh, Phó Giám đốc CA tỉnh khẳng định.
MINH NGỌC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=2&mabb=354376
Bình luận (0)