Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn học đường: Vẫn còn nhiều thách thức

Cùng với hàng loạt vụ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) như giá đỗ ngâm hóa chất độc hại, sữa giả… bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây, việc bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú cho học sinh cũng đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk24/04/2025

Trường Mầm non Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có hơn 300 trẻ theo học và tổ chức bữa ăn bán trú. Trẻ tùy theo độ tuổi sẽ được ăn từ 2 - 3 bữa/ngày. Để bảo đảm ATTP cho trẻ, nhà trường đã xây dựng các kế hoạch cụ thể như nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn. Hằng ngày, dưới sự giám sát của Tổ theo dõi bán trú, nhân viên bếp ăn sẽ nhận thực phẩm theo thực đơn. Tiêu chí đánh giá là thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm phải tươi mới, không có dấu hiệu đông lạnh.

Hệ thống bếp ăn cũng được nhà trường xây dựng theo nguyên tắc một chiều từ khâu sơ chế đến khâu chia thức ăn, có đủ đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho bếp ăn và được sắp xếp khoa học, phân biệt giữa dụng cụ chế biến sống và chín. Nơi chế biến thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ, thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thức ăn và 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn; nhân viên nhà bếp được tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP và khám sức khỏe định kỳ.

Bếp ăn bán trú tại các trường học thực hiện theo quy tắc một chiều để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, mỗi bữa ăn Trung tâm phục vụ hơn 180 suất ăn, đối tượng là trẻ em khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ và can thiệp sớm, khẩu phần ăn cũng được cân đối để phù hợp. Trung tâm cũng chấp hành nghiêm túc các điều kiện bảo đảm ATTP, từ nhân lực chế biến đến cơ sở vật chất, nguồn thực phẩm, vấn đề vệ sinh. Ban Giám đốc Trung tâm cũng thường xuyên kiểm tra nguồn nguyên liệu, quá trình sơ chế, chế biến và lưu mẫu thức ăn. Để có bữa ăn đủ dưỡng chất và bảo đảm vệ sinh, Trung tâm đã thành lập Tổ giám sát bán trú, hằng ngày kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn. Ngoài ra, Trung tâm cũng chú trọng đến suất ăn dành cho những trường hợp đặc biệt như học sinh bị ốm, học sinh béo phì, học sinh bị dị ứng với một số loại thực phẩm.

Bà Krông Ái Hương Lan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, toàn tỉnh hiện có 87/364 trường tiểu học, 325/327 trường mầm non và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật có tổ chức ăn bán trú. Hầu hết các trường có khu vực bếp được thiết kế một chiều, bảo đảm tách biệt giữa thực phẩm sống và chín. Tỷ lệ trường có bếp ăn đạt chuẩn vệ sinh theo Luật ATTP đạt trên 85%, riêng khu vực thành phố và thị xã đạt gần 95%. Các trường học cũng đã xây dựng thực đơn trước hằng tuần và công khai trên website, các hội nhóm phụ huynh của từng lớp để phụ huynh giám sát, theo dõi.

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra khâu chế biến, bảo quản thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm qua chế biến.

Những năm gần đây, toàn tỉnh không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn học đường, song tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến nhiều học sinh phải nhập viện theo dõi vẫn diễn ra. Đơn cử như vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm khiến 8 học sinh của Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) phải nhập viện theo dõi; hay như vụ việc 11 học sinh của Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) phải nhập viện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món salad do các em tự chế biến tại lớp học.

Thực trạng trên cho thấy công tác bảo đảm ATTP hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: vấn đề dư lượng hóa chất trong thực phẩm; điều kiện vệ sinh ATTP của các cơ sở chế biến; khó khăn trong kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu; ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp...

Mặt khác, một số trường học trên địa bàn tỉnh chưa có nhà ăn riêng, học sinh còn phải ăn uống tại lớp học, diện tích bếp ăn còn chật hẹp chưa phù hợp với số lượng suất ăn hiện tại.

Đối với các đơn vị trang bị hệ thống lọc nước cho học sinh uống chưa thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hệ thống lọc nước định kỳ; việc kiểm nghiệm định kỳ đối với nguồn nước và nước sau khi qua hệ thống lọc chưa đầy đủ các chỉ tiêu.

Cùng với đó, một số trường học chưa có nhân viên y tế được biên chế thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên công tác tham mưu, bảo đảm vệ sinh ATTP còn hạn chế, nhất là khâu kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn.

Với các trường, điểm trường cách xa trung tâm huyện, xã, vào mùa mưa bão không thể vận chuyển thực phẩm tươi sống hằng ngày, vẫn còn tình trạng sử dụng thực phẩm bảo quản lạnh, sản phẩm đóng gói, gây ảnh hưởng đến chất lượng của bữa ăn bán trú.

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202504/bao-dam-an-toan-thuc-pham-bep-an-hoc-duong-van-con-nhieu-thach-thuc-da11b97/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm