Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi

Chiều 16.4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân16/04/2025

dbnd_br_ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
dbnd_br_pct-khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Thí điểm trong 3 năm, trên địa bàn 6 tỉnh

Trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương và 19 Điều, quy định về xác minh thông tin và thu thập chứng cứ của vụ án dân sự công ích; khởi kiện, thụ lý, giải quyết vụ án dân sự công ích…

Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cũng đề xuất, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026 và được thực hiện trong 3 năm tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác. Thời điểm Nghị quyết hết hiệu lực thi hành mà vụ án được giải quyết theo quy định của Nghị quyết chưa kết thúc thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

dbnd_br_huy-tien.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quang Khánh

Về tên gọi của Nghị quyết, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh tên gọi đã được xác định tại Nghị quyết số 75/2025/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 thành: "Nghị quyết về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích"; đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do được nêu trong Tờ trình; thống nhất đề xuất xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

dbnd_br_cn-thanhtung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quang Khánh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bám sát và thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW, Kết luận 120-KL/TW và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung văn bản ý kiến của Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Về tên gọi của Nghị quyết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị giữ tên của Nghị quyết là “Nghị quyết về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công” để bao quát đầy đủ đối tượng được Nghị quyết điều chỉnh, phù hợp với Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình lập pháp năm 2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành việc xây dựng, ban hành Nghị quyết; đồng thời lưu ý, dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng như về môi trường, an toàn thực phẩm, quyền của người chưa thành niên; trình tự khởi kiện; cơ chế phối hợp với tòa án..., qua đó, bảo đảm phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự, cũng như các văn bản pháp luật liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát lại nội dung dự thảo Nghị quyết trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng một nghị quyết rõ ràng, bảo đảm cho quá trình thực hiện.

dbnd_br_quang-canh.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Về phạm vi thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu tiến hành sáp nhập các tỉnh, thành phố trong thời gian tới thì phạm vi thực hiện thí điểm việc Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công có thể sẽ rộng hơn. Điều này đòi hỏi phải đánh giá điều kiện triển khai thực hiện thí điểm, xác định thời gian thực hiện trong 2 năm hay 3 năm để sau đó tổng kết.

Các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện công tác này về kỹ năng khởi kiện, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng dân sự; phân bổ ngân sách để hỗ trợ thực hiện công tác này. Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế giám sát bằng cách Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan khác thành lập Ban giám sát, đánh giá thí điểm một cách thường xuyên để bảo đảm tính minh bạch và khách quan.

Để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực thực hiện của Nghị quyết này, theo Chủ tịch Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia lân cận để có thể thực hiện “chắc tay”.

Về đối tượng áp dụng, tại khoản 2, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định có 6 nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và 4 nhóm lợi ích công cộng; đồng thời, có quy định quét với đối tượng khác, lợi ích công cộng khác theo quy định của pháp luật. Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, trong diện thí điểm thực hiện thì đối tượng áp dụng như quy định tại dự thảo Nghị quyết này quá rộng, chưa có sự phân hóa và chưa phù hợp.

dbnd_br_thi-nga.jpg
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đưa ví dụ cụ thể, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Lê Thị Nga cho rằng, nếu quy định chung đối tượng dễ bị tổn thương là người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi hoặc là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì chưa phân hóa được đối tượng là người cao tuổi nhưng vẫn đang trong độ tuổi lao động, có điều kiện kinh tế khá giả; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn nhưng lại có điều kiện kinh tế và hiểu biết pháp luật.

Quy định nhóm lợi ích công cộng về đất đai, tài nguyên, môi trường sinh thái tại khoản 3, Điều 3 cũng có phạm vi quá rộng vì tại Luật Đất đai hiện hành quy định 31 trường hợp thu hồi đất vì lợi ích công cộng.

Từ những phân tích nêu trên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đưa ra quy định cụ thể, có sự phân hóa, giới hạn và thu hẹp hơn các đối tượng thực hiện thí điểm; không quy định quét đối tượng khác, lợi ích công cộng khác để bảo đảm rõ ràng và minh bạch trong thực hiện.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; lấy ý kiến bằng văn bản của Chính phủ; xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của Tòa án Nhân dân tối cao, đưa vào hồ sơ dự thảo Nghị quyết...

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành giữ nguyên tên gọi của dự thảo Nghị quyết là ”Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công”.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-tinh-dong-bo-thong-nhat-kha-thi-post410446.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm