Việt Nam có tiềm năng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp” diễn ra sáng 19.4, ông Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đào tạo Đại học Quốc tế, Tập đoàn FPT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn đang được ví như "trái tim" của nền kinh tế số, đóng vai trò chiến lược trong mọi lĩnh vực.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn sản xuất công nghệ cao, và Việt Nam có tiềm năng rất lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực này. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, cùng vị trí xếp hạng 34 thế giới về năng lực đổi mới sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên mạnh mẽ.

Ông Vũ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam đang giữ một vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam là một trong số ít quốc gia được Hoa Kỳ đưa vào chuỗi giá trị này, với vị trí trong các công đoạn sản xuất, đóng gói và kiểm thử (OSAT) - những mắt xích then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Bán dẫn được coi là công nghệ nền tảng, giữ vai trò trung tâm trong mọi thiết bị điện tử hiện đại. Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT nhấn mạnh, để một quốc gia có thể tự chủ về công nghệ, điều kiện tiên quyết là phải làm chủ được ngành bán dẫn. Ông cũng lưu ý rằng tại Mỹ, các công nghệ lõi như bán dẫn thậm chí còn được xem là một phần của an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ bán dẫn đang mở ra rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động, không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật, mà còn mở rộng ra các ngành kinh doanh, tài chính liên quan đến hệ sinh thái bán dẫn.
GS. Deng Wen Ling, Tham tán Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) tại Việt Nam nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực vô cùng tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các ngành công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Do đó, GS. Deng Wen Ling khuyến khích các bạn trẻ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đầu tư học tập và phát triển bản thân trong ngành đầy triển vọng này.
Về nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, ông Vũ Anh Tú cũng thông tin thêm, quy mô ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt 620 tỷ USD vào năm 2023, và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này cũng tăng mạnh, với dự báo cần đào tạo từ 50.000 đến 100.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030.
Chia sẻ về chiến lược của FPT trong ngành bán dẫn, ông Vũ Anh Tú cho biết Tập đoàn đang tập trung đầu tư vào thiết kế và sản xuất chip, đồng thời mở rộng mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Mục tiêu đến năm 2030, FPT hướng tới đạt mức định giá 500 triệu USD trong lĩnh vực bán dẫn và tuyển dụng 7.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành.

Các chuyên gia khẳng định, ngành công nghiệp bán dẫn đang được ví như "trái tim" của nền kinh tế số.
Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực của thị trường
Theo GS. Gene-Eu Jan, Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Quốc gia Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), mức lương của kỹ sư bán dẫn hiện nay cao hơn lương của giáo sư, điều này cho thấy mức độ quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đối với nền kinh tế.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ Đài Loan đã và đang đầu tư rất lớn vào ngành bán dẫn, không chỉ trong nghiên cứu và phát triển mà còn trong việc tạo ra nhiều cơ hội học tập và việc làm cho thế hệ trẻ. Những đầu tư này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Đài Loan trên thị trường công nghệ toàn cầu, mà còn mang lại cơ hội phát triển nghề nghiệp vượt trội cho sinh viên và kỹ sư trong lĩnh vực này.
GS. Deng Wen Ling, Tham tán Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc cũng chia sẻ, Đài Loan đã phát triển mạnh hệ sinh thái khoa học công nghệ thông qua Televon Vision 130 - một chiến lược nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và thu hút đầu tư công nghệ vào các khu công viên khoa học. Về nghiên cứu và phát triển (R&D), Viện Nghiên cứu Ứng dụng Quốc gia (NIR) đóng vai trò cầu nối giữa giới học thuật và doanh nghiệp, với 7 trung tâm nghiên cứu chuyên sâu – trong đó có trung tâm dành riêng cho lĩnh vực bán dẫn.
Viện Nghiên cứu Bán dẫn Đài Loan (TSRI) cung cấp một nền tảng mở để hỗ trợ thiết kế và tích hợp chip, giúp các bên liên quan, từ doanh nghiệp lớn đến startup – có thể tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao. Bên cạnh đó, Taiwan CBI và cuộc thi IC Taiwan Rain Challenge đã thu hút nhiều startup toàn cầu, tập trung vào các xu hướng mới như AI tạo sinh (Generative AI) và tích hợp dị thể (heterogeneous integration).
Về đào tạo nguồn nhân lực, đã có 13 trường đại học tại Đài Loan thành lập khoa bán dẫn, đồng thời triển khai các chương trình hợp tác sâu rộng giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo lực lượng kỹ sư trình độ cao, sẵn sàng cho thực tiễn.

GS. Deng Wen Ling cho biết Đài Loan đang có kế hoạch xây dựng Nền tảng Công nghệ Tiên phong (Frontier Technology Platform), nhằm củng cố vị thế quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn, từ nghiên cứu, sản xuất đến thương mại hóa. Đây là bài học quý báu và có giá trị tham khảo lớn cho Việt Nam trong quá trình xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững.
Có thể nói, việc phát triển công nghệ bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc) là hình mẫu mà ngành dán dẫn Việt Nam cần học hỏi, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược để tiếp cận và làm chủ công nghệ lõi. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ về việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), ông Vũ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia khẳng định, việc hợp tác đào tạo này sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam nhanh chóng rút ngắn khoảng cách và từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.
"Những hoạt động như chương trình thực tập, các đơn đặt hàng thiết kế, sản xuất sản phẩm từ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) sẽ giúp sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, hiểu rõ nhu cầu của ngành, và sẵn sàng hòa nhập ngay khi ra trường. Đây chính là yếu tố then chốt để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực của thị trường" ông Thịnh nói.
Đối với sinh viên Việt Nam, ông Thịnh cũng đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn ngành học phù hợp để đón đầu xu thế công nghệ. Những lĩnh vực nên được ưu tiên bao gồm: thiết kế vi mạch, vi điện tử, kỹ thuật bán dẫn, vật liệu bán dẫn và tự động hóa. Về địa điểm đào tạo, sinh viên nên theo học tại các trường kỹ thuật uy tín trong và ngoài nước, hoặc tham gia các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp công nghệ lớn để có cơ hội tiếp cận thực tiễn và tăng khả năng cạnh tranh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/lien-ket-voi-nuoc-ngoai-de-phat-trien-nguon-nhan-luc-ban-dan-post410813.html
Bình luận (0)