Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Báo động khủng hoảng nước ngọt toàn cầu, nghiêm trọng hơn cả băng tan

Một nghiên cứu mới công bố của Đại học bang Arizona (Mỹ), dựa trên dữ liệu quan sát vệ tinh suốt hơn hai thập kỷ, vừa hé lộ cuộc khủng hoảng nước ngầm chưa từng có trên toàn thế giới, nghiêm trọng tới mức vượt cả tác động từ việc tan băng.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa28/07/2025

Báo động khủng hoảng nước ngọt toàn cầu, nghiêm trọng hơn cả băng tan

Lòng hồ khô nứt do hạn hán tại Edgworth, Tây Bắc nước Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nhà khoa học, từ năm 2002 đến nay, các lục địa trên trái đất đã trải qua tình trạng khô hạn nghiêm trọng chưa từng thấy, với nguyên nhân chính đến từ biến đổi khí hậu, khai thác nước ngầm quá mức và các đợt hạn hán kéo dài.

Tình trạng này đang hình thành bốn vùng “siêu khô hạn” trên quy mô lục địa ở Bắc bán cầu, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nước, an ninh lương thực và ổn định toàn cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, khu vực đất khô hạn đang lan rộng với tốc độ tương đương gấp đôi diện tích bang California mỗi năm.

Tỷ lệ các vùng khô hạn gia tăng đang vượt xa tốc độ ẩm ướt hóa tại các khu vực khác, đảo ngược quy luật thủy văn vốn tồn tại hàng thế kỷ.

Một phát hiện gây sốc là 68% lượng nước bị mất đến từ nước ngầm, và riêng tổn thất này đóng góp nhiều hơn vào việc làm dâng mực nước biển so với toàn bộ băng tan ở Greenland và Nam Cực cộng lại.

Ông Jay Famiglietti, giáo sư tại Trường Phát triển Bền vững của ASU và là tác giả chính, nhận định: “Các châu lục đang khô kiệt, nguồn nước ngọt đang co hẹp, và mực nước biển thì tăng nhanh. Đây là thời khắc báo động - chúng ta cần hành động khẩn cấp để đảm bảo an ninh nước toàn cầu.”

Dựa trên dữ liệu hơn 22 năm từ các vệ tinh GRACE và GRACE-FO do Mỹ và Đức vận hành, nghiên cứu đã xác định 4 vùng siêu khô hạn gồm: Tây Nam Bắc Mỹ và Trung Mỹ - ảnh hưởng đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lớn và các đô thị như Los Angeles, Phoenix, Mexico City; Alaska và Bắc Canada - bao gồm vùng băng tan ở Alaska và British Columbia, các vùng nông nghiệp tại Saskatchewan; Bắc Nga - nơi băng vĩnh cửu và tuyết tan mạnh trong thập niên qua; vùng Bắc Phi-Trung Đông-Âu-Á: trải dài từ Casablanca đến Bắc Trung Quốc, bao gồm nhiều thành phố lớn (Paris, Tehran, Bắc Kinh) và các vùng sản xuất lương thực trọng điểm như Ukraine, Ấn Độ, Trung Quốc.

Đáng chú ý, từ năm 2014–2015, giai đoạn được cho là “siêu El Niño,” tốc độ khô hạn trên lục địa đã tăng mạnh, vượt qua cả tốc độ tan băng toàn cầu. Cũng từ thời điểm này, các khu vực khô và ẩm đã đảo vị trí giữa hai bán cầu, cho thấy dấu hiệu của một bước ngoặt khí hậu lớn.

Ông Hrishikesh A. Chandanpurkar, tác giả chính của nghiên cứu, cảnh báo: “Chúng ta đang tiêu xài ‘quỹ tín thác’ cổ xưa là nước ngầm và băng tích lũy qua hàng ngàn năm mà không biết bù đắp lại trong những năm mưa thuận gió hòa. Đây là con đường dẫn đến ‘phá sản nước ngọt’.”

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách toàn cầu về quản lý nước ngầm, hợp tác quốc tế và đầu tư vào dữ liệu quan trắc dài hạn.

Các tác giả kêu gọi hành động ngay lập tức để giảm cạn kiệt nước ngầm, bảo vệ nguồn nước ngọt còn lại và thích ứng với nguy cơ khan hiếm nước và ngập lụt ven biển.

Báo cáo cũng sẽ góp phần vào một nghiên cứu trọng điểm sắp công bố của Ngân hàng Thế giới, nhằm đề xuất các giải pháp thực tiễn cho cuộc khủng hoảng nước ngọt toàn cầu./.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/bao-dong-khung-hoang-nuoc-ngot-toan-cau-nghiem-trong-hon-ca-bang-tan-256251.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm