Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tàng: Gìn giữ bản sắc, kết nối cộng đồng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh vai trò gìn giữ bản sắc, truyền thống, đồng thời quảng bá lịch sử - văn hóa ra thế giới, hệ thống bảo tàng TPHCM cần phát huy vai trò lưu giữ và “làm sống lại” di sản văn hóa, kết nối giữa di sản - cộng đồng - du lịch - đô thị, tạo không gian sống nhân văn, thân thiện, góp phần phát triển đô thị bền vững.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng18/05/2025

Ngay từ khi ra đời hệ thống bảo tàng đã có vai trò đặc biệt: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công tác lưu giữ và bảo quản hiện vật, gìn giữ giá trị di sản một cách có hệ thống và khoa học; nghiên cứu và phục dựng lại lịch sử, đời sống và văn hóa qua các giai đoạn khác nhau; thông qua trưng bày và hoạt động giáo dục, bảo tàng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Chính vì thế, từ năm 1977, ngày 18-5 hàng năm đã được chọn là Ngày Quốc tế Bảo tàng.

Trong quá trình hiện đại hóa, hệ thống bảo tàng còn là một không gian văn hóa công cộng, giúp kết nối cộng đồng và nâng cao chất lượng sống của đô thị. Bảo tàng kết hợp với các nhóm cộng đồng để thu thập hiện vật gắn liền những ký ức đô thị và câu chuyện di sản, tổ chức sự kiện về chính những di sản vật thể và phi vật thể mà cộng đồng lưu giữ hay sở hữu… giúp người dân nâng cao ý thức về di sản đô thị, từ đó gắn bó và tự hào với đô thị. Đặc biệt là bảo tàng gắn với di tích hoặc khu di sản đô thị có thể trở thành điểm nhấn trong không gian đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị song song với bảo tồn và khai thác hợp lý di sản đô thị.

TPHCM - một trong những đô thị lớn nhất Việt Nam - đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển hiện nay: đô thị hóa quá nhanh làm mất mát di sản văn hóa, áp lực môi trường và giãn cách văn hóa giữa các thế hệ... Trong bối cảnh đó, hệ thống bảo tàng trở nên quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc, kết nối cộng đồng, và hướng đến phát triển đô thị bền vững.

TPHCM có hệ thống di sản đô thị phản ánh lịch sử từ thời tiền sử đến thời kỳ cách mạng, hiện diện bằng nhiều loại hình kiến trúc, công trình có giá trị cao. Tuy nhiên, không ít công trình, địa điểm có giá trị đang bị thay thế bằng các cao ốc, hoặc xuống cấp do công tác bảo tồn chưa hiệu quả. Các bảo tàng ở thành phố có thể trở thành trung tâm “kể chuyện đô thị” thông qua chủ đề, nội dung trưng bày của mình, giúp người dân hiểu được quá trình hình thành và phát triển của thành phố qua từng thời kỳ. Nhưng, dù có thể được tăng cường bằng các phương tiện hiện đại, thì nếu các bảo tàng vẫn giữ quan niệm cũ, xem đây chỉ là nơi lưu trữ và trưng bày các sưu tập hiện vật, bảo tàng vẫn sẽ chỉ là không gian “đóng kín”.

Để có thể thực sự mở rộng, trở thành nơi gắn kết cộng đồng trong đô thị, hệ thống bảo tàng có thể tăng cường các hoạt động đa dạng như giáo dục, sinh hoạt cộng đồng, kể chuyện lịch sử... Ngoài ra, việc xây dựng những “bảo tàng mini” của cộng đồng hay tư nhân tại những khu dân cư cũ, khu đô thị mới, khu tái định cư sẽ giúp người dân gắn bó với lịch sử địa phương, lịch sử cộng đồng, hạn chế tình trạng “mất kết nối” giữa các thế hệ. Điều này còn tăng tính kết nối giữa bảo tàng của nhà nước với bảo tàng cộng đồng, tăng tính bền vững văn hóa cho đô thị.

TPHCM là trung tâm du lịch lớn nhất nước. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch văn hóa chưa phong phú, chưa tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Các bảo tàng có thể kết hợp với các công ty du lịch tạo ra hoặc phục dựng không gian di sản như chợ truyền thống, phố cổ, kênh rạch... để phát triển tour du lịch ký ức đô thị.

Điển hình như dự án tuyến du lịch: Bảo tàng Lịch sử - Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Dinh Độc Lập - Bảo tàng thành phố - chợ Bến Thành. Với những hoạt động như vậy, bảo tàng còn là nguồn lực quan trọng cho công nghiệp văn hóa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh vai trò gìn giữ bản sắc, truyền thống, đồng thời quảng bá lịch sử - văn hóa ra thế giới, hệ thống bảo tàng TPHCM cần phát huy vai trò lưu giữ và “làm sống lại” di sản văn hóa, kết nối giữa di sản - cộng đồng - du lịch - đô thị, tạo không gian sống nhân văn, thân thiện, góp phần phát triển đô thị bền vững.

TS Nguyễn Thị Hậu

Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bao-tang-gin-giu-ban-sac-ket-noi-cong-dong-post795722.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm