Trong những năm qua, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng luôn được chính quyền địa phương và người dân quan tâm.
Tại lễ mừng nhà mới của người Êđê ở buôn Khal được tổ chức vào cuối năm 2024 vừa qua, khi tiếng chiêng vang lên cũng là lúc người dân trong buôn tề tựu. Lời khấn của thầy cúng hòa cùng âm thanh trầm bổng của cồng chiêng gửi gắm ước vọng bình an, mạnh khỏe, cuộc sống sung túc, mùa màng bội thu của người dân.
Nghệ nhân Y Kua Niê (ở buôn Tlan) bộc bạch: “Dù diễn tấu cồng chiêng bất kỳ chương trình nào, quy mô nhỏ hay lớn, cả đội chiêng đều hiểu đây là dịp để lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê đến với mọi người. Do đó, tất cả các thành viên của đội chiêng luôn dồn tâm sức tập luyện để mỗi lần trình diễn âm vang của cồng chiêng chạm đến trái tim người nghe”.
Đội chiêng đồng của xã Cư Pơng biểu diễn cồng chiêng tại lễ mừng nhà mới. |
Không chỉ tích cực luyện tập, diễn tấu cồng chiêng, nhiều gia đình có điều kiện ở xã còn lưu giữ, mua 1-2 bộ chiêng về sử dụng, treo ở những vị trí trang trọng trong nhà như minh chứng cho tình yêu, niềm tự hào đối với bản sắc văn hóa dân tộc.
Như gia đình ông Y H’Loăt Êban (ở buôn Ea Túk) lưu giữ 2 bộ chiêng, trong đó một bộ do cha mẹ ông để lại, bộ còn lại ông mua vào năm 1989.
Ông Y H’Loăt kể, để có tiền mua chiêng ông đã bán hơn 1 cây vàng (trị giá gần 4 triệu đồng). Sau đó, năm 1995 ông tiếp tục mua thêm trống hgơr trị giá 6 triệu đồng. Hiện nay, bộ chiêng, trống vẫn được gia đình ông sử dụng khi uống rượu cần, tiếp khách quý. Dù có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại bộ chiêng, trống với giá cao nhưng ông không bán mà quyết giữ gìn, trao truyền lại cho con cháu.
Xã Cư Pơng hiện có đội chiêng đồng thường được mời đi diễn tấu ở nhiều lễ hội trong và ngoài huyện. Để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, các thành viên đã truyền dạy đánh chiêng Kram cho thanh thiếu niên trong xã để hình thành thế hệ kế cận. Từ đó, thanh niên trong xã cũng đã thành lập Câu lạc bộ chiêng Kram do anh Y Thu Mlô, ở buôn Tlan làm đội trưởng.
Câu lạc bộ hiện có 25 thành viên, trong đó người lớn nhất 40 tuổi, người nhỏ nhất chỉ 11 tuổi, đều đặn tập luyện vào các ngày cuối tuần. Hiện nay, Câu lạc bộ chiêng Kram thường đại diện cho huyện Krông Búk tham gia các hội thi, liên hoan văn hóa cồng chiêng, diễn tấu nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh.
Ngoài ra, câu lạc bộ còn biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch đến tham quan thác nước, trải nghiệm văn hóa, kiến trúc, ẩm thực ở xã Ea Sin, giúp các thành viên trong đội có thêm thu nhập.
Thanh niên xã Cư Pơng tham gia Câu lạc bộ chiêng Kram. |
Được biết, từ năm 2018 đến nay, xã Cư Pơng đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức 6 lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên. Để việc luyện tập cồng chiêng tại thôn, buôn duy trì đều đặn, các đội chiêng của xã đã được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ 1 bộ chiêng kram, 1 bộ chiêng đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn, giúp thanh thiếu niên hăng say gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/bao-ton-van-hoa-cong-chieng-o-cu-pong-7161823/
Bình luận (0)