Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai

VHO - Vào lúc 13h2’ ngày 12.7 (giờ địa phương), tức 18h2’ ngày 12.7 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), GS Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc (thuộc địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa14/07/2025

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 1
GS Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới. Ảnh: CDSVH

Đây là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam và là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam cùng với di sản thế giới vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, TP Hải Phòng). Được biết, Kỳ họp đã đạt được sự nhất trí tuyệt đối, toàn bộ thành viên tham dự Kỳ họp đều ủng hồ Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc xứng đáng ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Đáp ứng nhiều tiêu chí quan trọng của UNESCO

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại.

Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.

Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 2
Phiên thảo luận về Hồ sơ đề cử Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ảnh: CDSVH

Từ những đền thờ, am thất, tuyến hành hương, bia đá, mộc bản và các di tích được bảo tồn nghiêm ngặt phân bố trên một không gian rộng lớn từ Yên Tử đến Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn - Kiếp Bạc, hệ thống di sản này phản ánh đầy đủ các giai đoạn phát triển của Phật giáo Trúc Lâm: Từ việc thành lập và thể chế hóa đến sự phục hưng, tiếp tục lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn. Các điểm di tích này được hình thành từ nhiều thế kỷ trước đây, luôn thể hiện sự phát triển tiếp nối, đóng vai trò trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh, là điểm đến hành hương của hàng triệu du khách mỗi năm.

 Đây là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng vi trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển bền vững.

(Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao NGUYỄN MINH VŨ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam)

Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vì đã đáp ứng và thỏa mãn theo các tiêu chí (iii) và (vi), là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam; cùng cảnh quan linh thiêng được hình thành thông qua mối tương tác thường xuyên, mật thiết với thiên nhiên; và một hệ thống đạo đức dựa trên lòng yêu chuộng hòa bình, tu dưỡng bản thân, lòng khoan dung, nhân ái và sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Tiêu chí (iii) chính là sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và cộng đồng nhân dân được phát triển từ vùng đất quê hương miền núi Yên Tử, đã tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực rộng lớn hơn. Với tiêu chí (vi): Phật giáo Trúc Lâm là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 3
Phái đoàn Việt Nam tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới. Ảnh: CDSVH

Bảo vệ bền vững di sản cho tương lai

Đặc biệt xúc động khi Quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó ban Chỉ đạo, Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: “Sau nhiều năm nỗ lực, di sản đã chính thức được quốc tế công nhận.

Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân ba địa phương gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP Hải Phòng mà còn đối với nhân dân cả nước. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Văn hóa Thế giới”.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân ba địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam. Việc công nhận này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị của Quần thể di tích và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản.

Sự công nhận của UNESCO góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững. Việc Quần thể di tích được ghi danh còn giúp tăng cường liên kết vùng giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, xây dựng một không gian di sản thống nhất, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một đóng góp nữa của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy. Niềm vinh dự, tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển bền vững.

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 4
Du khách chiêm bái chùa Đồng (Yên Tử). Ảnh: TR.HUẤN

Trong bài phát biểu đáp từ sau khi được UNESCO vinh danh Quần thể di tích,

 Để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ VHTTDL và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các di sản thế giới ở Việt Nam.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ VHTTDL và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương.

Thứ trưởng đồng thời cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các di sản thế giới ở Việt Nam. Tinh thần đó đã được thể hiện qua việc ngày 23.11.2024 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa năm 2024, cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành (trong đó bổ sung các quan điểm phát triển bền vững của UNESCO theo tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đưa ra các quy định về đánh giá tác động di sản trong bối cảnh di sản thế giới, xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ di sản thế giới) gắn kết việc bảo tồn di tích với bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại các di sản thế giới, với mục tiêu phục vụ cộng đồng tại địa phương ngày càng tốt hơn.

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 5
Di tích chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Ninh). Ảnh: TR.HUẤN

Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Trưởng nhóm chuyên gia của Việt Nam tham gia Ủy ban Di sản thế giới cho biết: Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

“Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, đặc biệt là vai trò chủ trì của UBND tỉnh Quảng Ninh trong suốt quá trình nghiên cứu bắt đầu từ năm 2013 để đăng ký với UNESCO đưa vào Danh mục Dự kiến lập hồ sơ đề cử với các cụm, điểm di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) cho đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng) để bảo đảm tính toàn vẹn của di sản; cùng quyết tâm tăng cường công tác nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới; chặng đường ấy với không ít khó khăn, thách thức.

Bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu cho tương lai - ảnh 6
Người dân chiêm bái tại đền Kiếp Bạc (Hải Phòng). Ảnh: TR.HUẤN

Tuy nhiên, điều đó giúp chúng ta khẳng định, từ hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu tại khu di sản cho đến thành công ngày hôm nay. Chúng ta cũng khẳng định sẽ tiếp tục quản lý tốt và bảo vệ bền vững giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc cho tương lai”, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền chia sẻ. 

 Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng (gồm Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương), các di tích quốc gia đã được Bộ VHTTDL (chùa Thanh Mai…) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ được bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.

Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/bao-ve-ben-vung-gia-tri-noi-bat-toan-cau-cho-tuong-lai-151900.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm