
Dưới ánh hoàng hôn, tôi soi bóng mình bên hồ Phan Thiết, lòng chợt xao xuyến. Lúc ấy, tôi chỉ mơ hồ biết rằng, nhờ mối duyên kết nghĩa giữa Bình Thuận và Tuyên Quang từ những năm kháng chiến, phố núi trập trùng và quê biển mênh mông đã khắc ghi tên nhau trên những con đường, công trình. Như ở Phan Thiết, con đường Tuyên Quang rực rỡ ánh đèn, ngôi trường Tuyên Quang rộn vang tiếng trẻ, là minh chứng cho tình nghĩa keo sơn, mãi thắm đượm qua thời gian.
Mối kết nghĩa giữa Bình Thuận và Tuyên Quang từ đâu bắt đầu, diễn ra thế nào, và phát triển ra sao qua năm tháng – đó là một câu chuyện đầy cuốn hút khiến tôi say mê. Tôi từng ấp ủ kế hoạch dành thời gian tìm hiểu sâu hơn, nhưng khi lật giở các tài liệu biên khảo, biên niên, địa chí hay lịch sử địa phương, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng câu chuyện này dường như chưa được ghi chép đầy đủ. Nếu có, cũng chỉ là vài dòng thoáng qua, chưa đủ để vẽ nên bức tranh toàn vẹn về hành trình gắn bó giữa hai tỉnh. Dù tiếc nuối, tôi đành tạm gác lại, xem đó như một “món nợ” với chính mình, hứa rằng một ngày sẽ trở lại để hoàn thành. Nhưng thời gian trôi, đề tài ấy dần chìm vào quên lãng, chờ một cơ duyên khơi dậy.
Gần đây, khi nhận lời tham gia biên soạn quyển lịch sử huyện thời kỳ sau giải phóng, một cơ duyên bất ngờ đã đến. Trong cuộc họp chuẩn bị đề cương, anh phó bí thư thường trực huyện ủy đề xuất nghiên cứu mối quan hệ kết nghĩa giữa huyện nhà và một huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang để làm phong phú thêm nội dung sách. Lời gợi ý ấy như ngọn gió thổi bùng đốm tàn tro của dự định tôi ấp ủ mười năm trước, khơi dậy niềm đam mê khám phá câu chuyện kết nghĩa đầy ý nghĩa giữa hai vùng đất.Một cơ duyên nữa đến cùng lúc ấy. Trong hội nghị toàn quốc của ngành, tôi tình cờ gặp lại đồng nghiệp từ Tuyên Quang. Cái bắt tay ấm áp, nụ cười rạng rỡ như hội ngộ người thân sau bao ngày xa cách. Tôi hào hứng đề xuất trao đổi tư liệu về mối kết nghĩa giữa hai tỉnh. Từ đó, những mảnh tư liệu rời rạc, kết hợp với các công trình biên niên, địa chí và lịch sử Đảng bộ Tuyên Quang, bắt đầu được chắp nối. Câu chuyện về tình nghĩa Bình Thuận – Tuyên Quang, từng bị lãng quên, dần hiện ra sống động, hé lộ những chương sử đầy cảm hứng.
2. Tỉnh Hà Nam là địa phương đề xuất sáng kiến và tổ chức lễ kết nghĩa với tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) vào ngày 2/4/1959, mở đầu cho phong trào kết nghĩa các tỉnh, thành phố miền Bắc và các tỉnh, thành phố miền Nam (1). Sang năm 1960, khi cách mạng miền Nam chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, hậu phương miền Bắc chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phát động chính quyền và nhân dân các địa phương miền Bắc tổ chức kết nghĩa Bắc – Nam (2). Phong trào đã thể hiện mối tình keo sơn ruột thịt của đồng bào hai miền Nam - Bắc và sức mạnh của chân lý: dân tộc ta là một, đất nước ta là một (3).
Việc kết nghĩa giữa hai tỉnh Tuyên Quang – Bình Thuận diễn ra vào giữa năm 1960, nhưng chủ trương đã hình thành, phổ biến trong các cấp, ngành trong tỉnh từ trước. Cuối năm 1959, Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tuyên Quang lần thứ I đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên tích cực lao động xã hội do Trung ương Đoàn phát động với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt, vì tuổi trẻ Bình Thuận kết nghĩa”.
Để chuẩn bị lễ kết nghĩa, ngày 29/3/1960, Ủy ban hành chính tỉnh Tuyên Quang có Công văn số 419/VTHC gửi các cơ quan xung quanh tỉnh, Ủy ban hành chính thị xã, huyện Yên Sơn vận động cán bộ, công nhân viên tham dự lễ kết nghĩa. Nội dung công văn có đoạn, “…theo nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh và đề nghị của Mặt trận tỉnh Tuyên Quang, đến 7 giờ sáng ngày 03/4/1960, sẽ tổ chức lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Tuyên Quang - Bình Thuận tại hội trường lớn tỉnh, có ý nghĩa chính trị to lớn để góp phần vào việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để ngày lễ kết nghĩa được long trọng, đạt được kết quả tốt, Ủy ban hành chính tỉnh công văn này cho các ông thủ trưởng các cơ quan vận động, giáo dục cho các cán bộ, công nhân viên đi dự đông đủ, có ý thức tốt đối với buổi lễ kết nghĩa”(4).
Tiếp theo đó, ngày 31/3/1960, Ủy ban hành chính tỉnh Tuyên Quang có Công văn số 457/VTHC, về việc căng khẩu hiệu kết nghĩa Bình Thuận, gửi các cơ quan đơn vị trong thị xã. Nội dung công văn viết, “…để công tác tuyên truyền cổ động được rầm rộ và sôi nổi trong việc kết nghĩa tỉnh ta với tỉnh Bình Thuận. Tỉnh yêu cầu các cơ quan sau đây cho căng khẩu hiệu ở trước công cơ quan mình: Ty Bưu điện, Ty Nông nghiệp, Đồn Công an thị xã (Ty Công an), các cửa hàng Mậu dịch quốc doanh, phòng Thuế, Hiệu sách nhân dân, Rạp chiếu bóng, các cửa hàng Hợp tác xã (nội dung khẩu hiệu Ban Tuyên huấn tỉnh đã gửi). Nhận được công văn này, mong các cơ quan lưu ý cho làm ngay, sáng 02/4 đã có khẩu hiệu căng ở trước cổng cơ quan” (5).
Ngày 03/4/1960, lễ kết nghĩa hai tỉnh Bình Thuận – Tuyên Quang được tổ chức. Tiếp đó, lễ kết nghĩa giữa các huyện, thị xã tỉnh Tuyên Quang với các huyện, thị xã tỉnh Bình Thuận được tiến hành. Huyện Nà Hang kết nghĩa với huyện Tánh Linh. Huyện Chiêm Hóa kết nghĩa với Huyện Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình). Huyện Hàm Yên kết nghĩa với Huyện Hàm Tân. Thị xã Tuyên Quang kết nghĩa với Thị xã Phan Thiết. Huyện Yên Sơn kết nghĩa với Huyện Hàm Thuận (6).
Sau lễ kết nghĩa tháng 4/1960, các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm…gắn phong trào kết nghĩa với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Bình Thuận kết nghĩa”.
Tháng 5/1960, trên công trường mở đường Đèo Lai (Chiêm Hóa), tuổi trẻ Tuyên Quang đã tiến hành “Ngày làm đường nối liền Tuyên Quang – Bình Thuận”. Các trường học, đội sản xuất, cửa hàng…mang tên Bình Thuận ra đời ở thị xã Tuyên Quang, huyện Yên Sơn, Hàm Yên.
Tháng 12/1961, một tiểu đoàn bộ đội của tỉnh Bình Thuận đang đóng quân ở Nghệ An cử cán bộ, chiến sĩ lên Tuyên Quang thăm tỉnh kết nghĩa, qua đó báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị. Ủy ban hành chính tỉnh Tuyên Quang có Công văn số 1441/VTHC ngày 21/12/1961 gửi các cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp trong tỉnh, các huyện và thị xã. Nội dung công văn viết, “Tiểu đoàn 2 là một tiểu đoàn bộ đội của tỉnh Bình Thuận (tỉnh kết nghĩa với Tuyên Quang). Tiểu đoàn có cử đại biểu mang thư lên Tuyên Quang để báo cáo với cán bộ và nhân dân về kết quả công tác của Tiểu đoàn. Vì thời gian có ít nên đại biểu của Tiểu đoàn chỉ lên được một số huyện, xã, hợp tác xã hay gặp một số cơ quan. Lòng mong mỏi của các chiến sĩ trong đơn vị là được hiểu biết thêm về tình hình sức khỏe, sinh hoạt, kết quả công tác và sản xuất của các cán bộ và nhân dân trong tỉnh Tuyên Quang. Về các chiến sĩ nhận được tin tức của Tuyên Quang cũng coi như là nhận được tin tức của Bình Thuận, của anh em, cha mẹ của mình. Vậy Ủy ban sao gửi bức thư của Tiểu đoàn (kèm theo đây) để các cơ quan, các huyện và thị xã phổ biến cho cán bộ, nhân dân biết và tổ chức việc viết thư thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Địa chỉ của đơn vị như sau: Hòm thư 2936 Nghệ An.”(7)
Tháng 7/1962, Tổ sản xuất Bình Thuận (khu chế biến Thăng Long của Nông trường Sông Lô) tăng năng suất lao động từ 7 đến 30%.
Năm 1963, Công đoàn tỉnh Tuyên Quang phát động phong trào “Vì miền Nam ruột thịt, vì Bình Thuận kết nghĩa, vì sự thống nhất Tổ quốc”.
Năm 1967, hưởng ứng “Tháng thi đua lao động sản xuất vì miền Nam”, hướng về miền Nam, hướng về Bình Thuận kết nghĩa, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã phát động nuôi thêm hơn 4.000 con lợn, 21.300 con gà, trồng gần 6.000 luống rau xanh, 105 khoảnh nương ngô, cấy và chăm sóc tốt 170 ha “Ruộng Bình Thuận”…Tổ chức “Ngày lao động cao điểm, làm ra sản phẩm, lấy tiền ủng hộ phụ nữ Bình Thuận”, đạt gần 55.000 công, thu được hơn 55.000 đồng.
Năm 1968, chính quyền thị xã Tuyên Quang huy động nhân dân làm đường từ Cống Trắng đi Gốc Táo. Cùng với xây dựng tuyến đường này, các công trình hồ nước, sân thể thao thiếu nhi, các tuyến đường ô bàn cờ được hình thành, mở mang thành khu dân cư. Tuyến đường đó được đặt tên đường Bình Thuận và khu dân cư mở rộng hình thành phường Phan Thiết hiện nay của thành phố Tuyên Quang.
Tháng 12/1974, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ VI đã ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh: “Vì miền Nam và Bình Thuận ruột thịt và thống nhất Tổ quốc, vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của chúng ta và tương lai của con cháu, hãy hăng hái thi đua, làm hết sức mình, ai nấy đều góp phần xứng đáng nhất vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, đưa phong trào của tỉnh ta tiến lên mạnh mẽ, toàn diện, góp phần xứng đáng nhất vào sự nghiệp cách mạng chung trong thời kỳ phát triển mới, làm rạng rỡ thêm quê hương lịch sử Tân Trào”(8).
Sau ngày đất nước thống nhất, tình kết nghĩa Bình Thuận – Tuyên Quang càng thêm sâu đậm, trở thành biểu tượng của sự gắn bó bền lâu. Tháng 8/1975, Thư viện tỉnh Tuyên Quang gửi tặng Bình Thuận 111.472 cuốn sách quý, đồng thời cử cán bộ vào hỗ trợ xây dựng thư viện, gieo mầm tri thức trên đất biển. Ngày 25/4/1976, Thư viện kết nghĩa Tuyên Quang – Bình Thuận chính thức ra đời, đánh dấu cột mốc văn hóa đầy ý nghĩa. Đến năm 1977, theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thuận Hải, thư viện này được chuyển thành Thư viện tỉnh Thuận Hải, nay là Thư viện tỉnh Bình Thuận, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ những trang sách năm xưa, tình nghĩa hai tỉnh vẫn tiếp tục viết nên câu chuyện sẻ chia, bền chặt qua thời gian.
Tháng 9/1993, trong không khí trang trọng của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận tại Phan Thiết, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tuyên Quang đã tổ chức lễ rước cây đa truyền thống từ Tân Trào – biểu tượng của quê hương cách mạng. Với lòng trân quý, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Tuyên Quang được trao nhiệm vụ mang cây đa ấy vào Bình Thuận, gieo trồng trên mảnh đất ven biển. Ngày nay, cây đa Tân Trào vươn mình xanh tốt trong khuôn viên trường Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, như một chứng nhân sống động cho tình nghĩa keo sơn giữa hai tỉnh, đâm rễ sâu, tỏa bóng mát, nối liền quá khứ hào hùng với tương lai bền vững.
3. Nhớ lại chuyến tôi về thành Tuyên lần đầu tiên vào mùa thu năm 2011. Trong suốt hoạt động của hội nghị, cô gái thành Tuyên luôn chào hỏi, theo dõi, quan tâm, thể hiện sự hiếu khách, thể hiện sự nghĩa tình hai tỉnh đối với một người quê Bình Thuận. Vào buổi đêm, mọi người mời nhau đi uống nước. Lúc tính tiền, khi biết trong bàn có khách quê tỉnh Bình Thuận, ông chủ quán đã xin gặp mặt, bắt tay và mời nước miễn phí. Chúng tôi vào quán cóc quen đường. Khi nghe giọng điệu lạ lẫm xen vào, khi biết khách từ vùng đất cuối Trung đầu Nam ra thành Tuyên, dù có nài nỉ thế nào, cô chủ quán nhất định mời chúng tôi. Buổi sáng hôm sau, trước khi rời thành Tuyên, tôi gọi xe ôm chở đi một vòng, chụp vài kiểu hình. Khi biết được đang chở người Bình Thuận, anh xe ôm đưa đi những nơi tôi yêu cầu, còn tận tình hướng dẫn đến những nơi đẹp của thành Tuyên như một đoạn thành cổ, cầu sông Lô…Về đến khách sạn, anh xe ôm cũng tươi cười đề nghị được mời cuốc xe hôm nay. Không thể lợi dụng mãi lòng tốt của người dân thành Tuyên, tôi nhờ cô bạn Tuyên Quang cùng dự chung hội nghị nói giúp, anh xe ôm mới nhận một chút tiền phụ vào xăng xe.
Dòng sông Lô lững lờ trôi qua thành Tuyên, xuôi về miền xa, như kể những câu chuyện bền bỉ của đất trời. Ở xứ biển Phan Thiết, sông Cà Ty uốn lượn dịu dàng, ôm lấy phố phường trước khi hòa mình vào đại dương bao la. Đêm rằm tháng Tám, thành Tuyên rực rỡ ánh trăng, lung linh sắc màu từ những cộ đèn Trung thu rộn ràng, như khúc nhạc tuổi thơ vang vọng. Cùng nhịp điệu ấy, lễ hội Trung thu ở xứ Phan là món quà ngọt ngào, trao tay trẻ thơ khi năm học mới bắt đầu. Bước chân qua phố biển Phan Thiết, con đường Tuyên Quang sầm uất hiện ra, nhộn nhịp quán xá, rực rỡ ánh đèn, như trái tim thành phố chào đón du khách. Ngôi trườngmang tên Tuyên Quang lặng lẽ đứng đó, kể câu chuyện về tình nghĩa Bình Thuận – Tuyên Quang, một mối dây bền chặt vượt qua gian khó, đong đầy 65 năm gắn bó keo sơn.
Mối quan hệ kết nghĩa giữa Bình Thuận và Tuyên Quang (1960-2025) là biểu tượng của tình đoàn kết keo sơn giữa hai miền Nam - Bắc, khởi nguồn từ phong trào kết nghĩa do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phát động trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước. Từ lễ kết nghĩa ngày 3/4/1960, hai tỉnh đã gắn bó qua các hoạt động thi đua lao động, sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau trong kháng chiến và xây dựng đất nước. Những công trình, đường phố, trường học mang tên nhau như đường Bình Thuận, phường Phan Thiết ở Tuyên Quang hay đường Tuyên Quang, trường Tuyên Quang ở Phan Thiết là minh chứng sống động cho tình nghĩa bền chặt. Sau giải phóng, mối quan hệ càng được củng cố qua các hoạt động giao lưu văn hóa, hỗ trợ như việc trao tặng sách, thành lập thư viện kết nghĩa, hay trồng cây đa Tân Trào tại Bình Thuận. Trải qua 65 năm, tình nghĩa Bình Thuận – Tuyên Quang không chỉ là di sản lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng cho sự gắn kết, sẻ chia, góp phần làm rạng rỡ tinh thần đoàn kết dân tộc.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-tuyen-quang-65-nam-tinh-nghia-sat-son-129507.html
Bình luận (0)