Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng
Cột cờ Thủ Ngữ uy nghi, cao khoảng 30 m mang hình dáng cột buồm ba tầng trên tàu biển loại lớn.
Cột cờ Thủ Ngữ và Bến Nhà Rồng tại TP.HCM ngày nay
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Thuở đầu, đây là cột phát tín hiệu bằng cờ cho tàu thuyền đi vào sông Sài Gòn từ xa trông thấy. Người Việt gọi là Cột cờ Thủ Ngữ. Tại đây, vào thế kỷ 17, từng có đồn thu thuế của chúa Nguyễn. Sau đấy sang đầu thế kỷ 19, nó là địa điểm của Trạm Gia Tân, thuộc hệ thống Nhà Trạm - "bưu điện" của nhà Nguyễn.
Năm 2021, Cột cờ Thủ Ngữ được tôn tạo, chung quanh là các thảm cỏ xanh. Phần dưới kiến trúc được thiết kế thành không gian để ngỏ trưng bày các hình ảnh của cột cờ qua nhiều thời kỳ. Cho đến nay, hầu như trên cả nước, duy nhất chỉ có bờ sông Sài Gòn mới có một cột cờ đẹp và đầy ý nghĩa lịch sử như thế.
Đối diện Cột cờ Thủ Ngữ, ở bên kia rạch Bến Nghé là một tòa nhà mái ngói đỏ ba tầng. Đây là kiến trúc phương Tây đồ sộ đầu tiên ở Sài Gòn, xuất hiện vào đầu thập niên 1860. Song, thật bất ngờ, các tác giả thiết kế đã đưa ngôi đình làng Nam bộ đặt lên tầng thượng, kết hợp đường nét Đông - Tây rất sáng tạo. Trong đấy nổi bật trên hai đầu hồi của nóc tòa nhà là đôi tượng rồng bằng gốm men xanh, châu đầu vào nhau. Kiểu dáng "lưỡng long tranh châu" này thể hiện quan niệm quyền uy và phồn vinh, rất phổ biến trong các kiến trúc cung điện, miếu mạo của VN cổ xưa. Tuy nhiên, thay cho vị trí trái châu, nằm giữa hai con rồng trên nóc tòa nhà là chiếc huy hiệu lớn có hình đầu ngựa và mỏ neo. Đó là logo của Công ty hàng hải quốc tế Messageries Imperiales (sau 1870, đổi thành Messageries Maritimes). Tòa nhà trước năm 1954 chính là trụ sở của hãng tàu biển nổi tiếng nói trên. Do thấy hình tượng rồng trên nóc nhà nên người dân Việt gọi đây là Nhà Rồng. Cặp theo Nhà Rồng là bến tàu khách từ Pháp và châu Âu sang, vì vậy thành tên Bến Nhà Rồng!
Bến Nhà Rồng là một phần quan trọng của Thương cảng Sài Gòn - hệ thống cảng dành riêng cho chuyên chở thương mại và dân sự, được chính quyền Pháp thành lập từ tháng 2.1860. Thương cảng được cải tạo, nâng cấp nhiều lần. Tổng thể thương cảng có khoảng 400.000 m2, bao gồm nhiều cầu tàu, bờ kè, bến đậu, nhà kho, phương tiện và nhân lực bốc dỡ, trạm hoa tiêu, trạm quan thuế, trạm sửa chữa, câu lạc bộ thủy thủ…
Hiện tại, Thương cảng Sài Gòn đã được di dời ra phía Nhà Bè và Cần Giờ. Từ năm 1979, Nhà Rồng trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, phần bến tàu cạnh được dùng là nơi tiếp nhận các tàu du lịch viễn dương và chiến hạm nước ngoài đến thăm thành phố.
Tòa nhà Quan thuế
Nằm ở "mũi tàu" đại lộ La Somme (Hàm Nghi) và Charner (Nguyễn Huệ) là một tòa nhà tráng lệ đã được sửa đổi công năng và thiết kế so với nguyên mẫu. Vốn dĩ, vào đầu thập niên 1860, nơi đây là trụ sở công ty, đồng thời là khách sạn và cao ốc văn phòng đầu tiên của Sài Gòn, phục vụ cho các thương nhân, thuyền trưởng, thủy thủ nước ngoài. Tòa nhà từng mang một cái tên đầy cao vọng là Cosmopolitan - Quốc tế.
Tòa nhà của ông Wang Tai thập niên 1880, trước khi sửa đổi thành Nhà Quan thuế
Ảnh: Lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp
Chủ nhân là ông Wang Tai (Vương Thái), một thương gia Hoa đến từ Singapore, kinh doanh nhiều lĩnh vực. Có một thời gian Hội đồng thành phố thuê một phần tòa nhà để đặt văn phòng thị chính tạm thời. Vào năm 1882, ông Wang Tai bán lại tòa nhà cho chính quyền Pháp. Sau đấy, nó được sửa chữa, tái thiết nguy nga, mang các đường nét néo classic (tân cổ điển). Ở các cột bên ngoài có thêm phù điêu hoa văn La Mã. Đặc biệt, trên các lan can sắt dọc hành lang đều có hình hiệu của bông hoa anh túc - nguyên liệu làm thuốc phiện. Người Pháp dùng tòa nhà làm Sở Quan thuế và Thuốc phiện phụ trách toàn Đông Dương. Thời ấy, thuốc phiện là mặt hàng độc quyền sản xuất và tiêu thụ của chính quyền thực dân. Họ giao cho ngành Quan thuế kiêm nhiệm việc chủ quản sản xuất và mua bán thuốc phiện. Ngày nay, tòa nhà là trụ sở của Hải quan TP.HCM, phía sau vừa có thêm một kiến trúc cao tầng.
Bộ ba kiến trúc tiêu biểu cho Cảng thị Sài Gòn đã đứng vững xuyên qua ba thế kỷ. Chúng thể hiện hình ảnh một thành phố cảng vững chãi, khỏe khoắn và đặc biệt là dấu ấn giao lưu quốc tế rộng mở. Cả ba đều cần được nâng niu, phát huy giá trị như những công trình văn hóa - lịch sử chứ không chỉ đóng khung trong công năng hành chính hay văn phòng. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-ba-kien-truc-bieu-tuong-cang-thi-phon-vinh-185250412223429171.htm
Bình luận (0)