Thanh long được nông dân ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa phát triển với diện tích trên 50 hécta. Ảnh: Đ.Phú |
“Ấp Bưng Cần chia làm 2 khu vực sản xuất: vùng đất cao đồi Sọ thuộc tổ 1 và tổ 13 với trên 200 hécta chuyên trồng cây lâu năm; còn vùng đất thấp Bưng Cần khoảng 400 hécta thuộc các tổ nhân dân từ tổ 2 đến tổ 12 chuyên trồng hoa, cây ăn trái, lúa” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bưng Cần Đỗ Chí Vũ cho biết.
Ấm áp tình người nhập cư
Trở lại ấp Bưng Cần những ngày cuối tháng 4-2025 rực nắng, tuyến giao thông nông thôn Cầu Voi kết nối ấp Bưng Cần với quốc lộ 1 nhỏ hẹp, gồ ghề cách đây hơn 14 năm nay đã khang trang, thông thoáng, sạch đẹp. Thú vị hơn là hai bên tuyến đường Cầu Voi, nhà ở, điểm kinh doanh dịch vụ, hàng quán san sát. Trong khi hơn 14 năm về trước, phải đi một đoạn xa chúng tôi mới thấy một mái nhà thấp thoáng trong vườn chôm chôm, điều, bắp bạt ngàn.
Phải nhờ người dân chỉ lối, chúng tôi mới tìm ra nhà ông Nguyễn Văn Ba (96 tuổi, ngụ ấp Bưng Cần), bởi căn nhà cấp 4 trước đây của ông đã được thay thế bằng ngôi biệt thự tiền tỷ được xây dựng vào năm 2019, từ số tiền tiết kiệm sau nhiều mùa vụ trúng.
Năm 1989, vợ chồng ông Ba và 8 người con (nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 25 tuổi) rời tỉnh Quảng Ngãi về vùng đất ấp Bưng Cần lập nghiệp. Lý do vợ chồng ông Ba không chọn khu vực đất cao ở đồi Sọ lập nghiệp mà chọn khu vực trũng, thấp Bưng Cần là vì nơi đây thuận tiện cho việc khai phá đất hoang cấy lúa, trồng hoa màu giải quyết nhu cầu ăn no trước mắt, cùng nhu cầu có nhiều đất để sản xuất, canh tác.
Ông Ba kể, khu vực này là cái bưng nhiều rau cần dại, lau sậy, tre, lồ ô và cây gỗ nên quá trình cải hóa nó thành ruộng, vườn, ao phải mất nhiều công sức. Đồng thời, khu vực Bưng Cần lúc ấy tuy thưa dân nhưng đã được dân từ xã Xuân Định, các ấp khác của xã Bảo Hòa vào khai phá làm ruộng, vườn, ao từ những năm 1975-1985 đã lấy gần hết phần đất tốt. Người vào sau như vợ chồng ông phải mua lại đất của những người đi trước khai phá và cứ vậy khai khẩn mở rộng thêm đất từ đầm, suối… ở xung quanh.
Cũng theo vợ chồng ông Ba, dù lập nghiệp ở khu vực đất cao đồi Sọ hay khu vực vùng đầm lầy 400 hécta Bưng Cần, những người nhập cư đến sau (chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung) luôn được người đến trước hỗ trợ, giúp đỡ, không cần phải là họ hàng, thân thuộc hay đồng xã, huyện, tỉnh.
Ông Bùi Huy Sinh (quê tỉnh Hà Nam), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bưng Cần, cho biết vào năm 1990, khi ông về đây lập nghiệp được những người đến trước hỗ trợ rất nhiều như: nhượng lại đất gần đường đi lại, dựng cho mái nhà, hướng dẫn cách gieo trồng phù hợp… Sau này, khi đã ổn định được nơi ở và cuộc sống, ông quay lại giúp đỡ những người đến sau như một cách trả ơn những ân tình mà ông đã từng nhận.
“Dù ruộng, rẫy, nhà cửa cách xa nhau hàng trăm mét, có chỗ phải băng đồi, băng suối, lại không điện, không điện thoại liên lạc nhưng chỉ cần biết hàng xóm xa có chuyện cần giúp thì chúng tôi tìm đến chia sẻ, hỗ trợ” - ông Sinh bộc bạch.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bưng Cần ĐỖ CHÍ VŨ cho biết, ấp Bưng Cần hiện có 532 hộ dân, chia thành 13 tổ nhân dân. Ấp Bưng Cần không chỉ sung túc, giàu đẹp, mà còn là vùng đất ham học với trên 700 con em học cao đẳng, đại học, cao học. Trung bình mỗi hộ gia đình đều có từ 1-2 con em tốt nghiệp đại học.
Khoe dáng với cuộc sống mới
Với sự cần cù và đôi tay rắn chắc, tình yêu lao động hướng tới cuộc sống đủ đầy, những người nhập cư nơi vùng đất ấp Bưng Cần dần chinh phục khu đồi Sọ, vùng trũng thấp Bưng Cần hoang vu thành ruộng, vườn với đủ các loại cây trồng như: chôm chôm, bơ, sầu riêng, ổi, cà phê, tiêu và hoa màu… Đáng chú ý, vào dịp Tết năm 2008, vùng đất ấp Bưng Cần chuyển sang trồng hàng chục hécta hoa như: huệ, dơn, cúc, thọ, mào gà… khiến vùng quê bừng sáng, rực rỡ sắc màu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Hòa Nguyễn Đức Nước cho biết, sau thời gian du nhập nhiều giống hoa về trồng thử nghiệm, đến năm 2010, vùng đất Bưng Cần trở thành nơi có vùng chuyên canh hoa lớn nhất huyện Xuân Lộc và hoa ở Bưng Cần ngoài góp mặt cho thị trường hoa dịp Tết, tạo nét đẹp cho vùng quê, còn tạo “cú hích” thúc đẩy đời sống, thu nhập nông dân trồng hoa tăng gấp 7-10 lần so với trồng lúa, bắp, đậu.
Thời điểm năm 2009-2012, nông dân ấp Bưng Cần hình thành vùng chuyên canh trồng hoa gần 100 hécta, không chỉ phục vụ cho dịp Tết, mà còn cung cấp thường xuyên cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Nay diện tích trồng hoa chỉ còn lại khoảng 10 hécta, chủ yếu tập trung vào vụ hoa Tết. Vào mùa vụ khác, nông dân ấp Bưng Cần tập trung vào chăm sóc, thu hoạch các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, thanh long... Thu nhập bình quân của người dân trong ấp đạt trên 84 triệu đồng/người/năm, giá trị sử dụng đất đạt trên 250 triệu đồng/hécta/năm.
Ven những tuyến giao thông nông thôn mới ở ấp Bưng Cần là những ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Bưng Cần Đỗ Chí Vũ cho biết, từ năm 2010 đến nay, ấp Bưng Cần được xã, huyện, tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư về hạ tầng như: đường, điện, trường, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng… với kinh phí gần 100 tỷ đồng. Nhờ vậy, người dân ấp Bưng Cần nhanh chóng giải quyết được tình trạng thiếu điện, đường, trường, công trình thủy lợi… trong thời gian dài bám vùng đất này định cư, lập nghiệp.
“Xã Bảo Hòa đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2012, nông thôn mới nâng cao vào năm 2018 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. Phong trào Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Bảo Hòa như tiếp thêm sức mạnh, khát vọng cho người dân ấp Bưng Cần nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, có trách nhiệm cùng xây dựng địa phương giàu đẹp, nghĩa tình” - ông Đỗ Chí Vũ bộc bạch.
Diễm Quỳnh
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/bung-can-bung-sang-3621188/
Bình luận (0)