Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện lớn đã chủ động ứng dụng AI vào hoạt động khám, chữa bệnh và quản trị hệ thống y tế, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa quy trình chẩn đoán và điều trị.
Tuy nhiên, song hành cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ, ứng dụng AI trong y tế cũng đặt ra không ít thách thức để bảo đảm cho sự phát triển khám, chữa bệnh một cách bền vững và an toàn.
Cuộc cách mạng trong phòng mổ
Chỉ cách đây vài năm, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khám, chữa bệnh vẫn còn là điều mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng giờ đây, AI đã hiện diện ngày một rõ nét trong các bệnh viện, từ khâu tiếp nhận, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật cho đến quản trị vận hành. Không đơn thuần là công nghệ hỗ trợ, AI đang trở thành một phần quan trọng đối với nền y tế hiện đại, giúp bác sĩ đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn và chăm sóc người bệnh hiệu quả hơn.
Đơn cử như tại Bệnh viện Hữu Nghị - nơi tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn mỗi ngày, nhu cầu chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ có thể xử lý nhanh chóng khối lượng lớn hình ảnh từ chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có độ phân giải cao. AI giúp phát hiện chính xác các tổn thương nhỏ, sâu hoặc khó nhận thấy bằng mắt thường, qua đó rút ngắn thời gian chẩn đoán và giảm thiểu nguy cơ bỏ sót bệnh lý.
TS Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, việc ứng dụng công nghệ AI không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mà còn đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Y tế. Ông khẳng định, đầu tư vào các thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến là bước đi chiến lược nhằm tăng cường năng lực chuyên môn, đặc biệt trong chẩn đoán hình ảnh. Bệnh viện đặt mục tiêu trở thành đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao, mang đến dịch vụ y tế chất lượng, an toàn và hiệu quả nhất cho người bệnh.
Không dừng lại ở chẩn đoán, AI còn tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phẫu thuật. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, hệ thống robot tích hợp AI lần đầu tiên được ứng dụng trong phẫu thuật cột sống và thần kinh, mang lại kết quả điều trị vượt trội. Những bệnh lý phức tạp như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa hay thoái hóa cột sống từng khiến người bệnh ám ảnh vì nguy cơ liệt hoặc biến chứng sau mổ giờ đây được điều trị an toàn với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhờ các công cụ định vị và dẫn đường tích hợp AI như Robot Modus V Synaptive, kính vi phẫu Kinevo 900 hay hệ thống thần kinh Neuro-Navigation Curve, bác sĩ có thể thao tác phẫu thuật chính xác đến từng milimet. Điều này giúp bảo toàn tối đa các rễ thần kinh, hạn chế tổn thương mô mềm và rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ. Nhiều bệnh nhân có thể đi lại sau 1 - 2 ngày, xuất viện chỉ sau vài ngày và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Không chỉ tập trung vào khía cạnh chuyên môn, nhiều bệnh viện cũng đang tận dụng AI để tối ưu hóa vận hành và quản trị. GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y học, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, AI giúp tinh gọn quản lý bệnh viện, đặc biệt trong xử lý hồ sơ và bệnh án điện tử. Khi có hạ tầng công nghệ tốt và đội ngũ nhân lực về sử dụng AI được đào tạo bài bản, hoạt động vận hành sẽ hiệu quả hơn, giảm áp lực cho y, bác sĩ. Bên cạnh đó, AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác và nhanh hơn. Trong tương lai, AI sẽ không ngừng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực y tế.
Giải mã thách thức để đồng hành cùng tương lai
Mặc dù những kết quả tích cực ban đầu rất đáng ghi nhận, song hành trình ứng dụng AI trong y tế vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để bảo đảm tính bền vững, an toàn và hiệu quả. Một trong những khó khăn hàng đầu, theo các chuyên gia y tế, đó là vấn đề dữ liệu - “nhiên liệu” quan trọng nhất cho các thuật toán AI. Tại nhiều cơ sở y tế ở Việt Nam, dữ liệu bệnh án vẫn còn phân mảnh, thiếu chuẩn hóa và chưa được tích hợp thành hệ thống lớn. Không có dữ liệu đầy đủ, các mô hình AI không thể học hỏi và cải thiện khả năng dự đoán. Đây là thách thức lớn, đặc biệt khi muốn xây dựng các hệ thống AI hỗ trợ ra quyết định y khoa có độ chính xác cao và phù hợp với bối cảnh bệnh tật, thể trạng, gene và lối sống của người Việt.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Việt Nam hiện vẫn thiếu hụt đội ngũ chuyên gia có năng lực chuyên sâu đồng thời trong hai lĩnh vực: Công nghệ thông tin và y học. Việc triển khai AI không chỉ đơn giản là cài đặt phần mềm mà còn đòi hỏi sự hiểu biết về thuật toán, dữ liệu lâm sàng và các nguyên tắc đạo đức y tế. Mặt khác, năng lực triển khai thiếu đồng đều giữa các tuyến bệnh viện, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa càng khiến khoảng cách số trong y tế thêm rõ rệt.
Một yếu tố không thể xem nhẹ là hạ tầng công nghệ. Nhiều cơ sở y tế hiện vẫn còn thiếu các thiết bị chẩn đoán hiện đại, hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu lớn hoặc kết nối mạng đủ mạnh để tích hợp các giải pháp AI. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về đầu tư trang thiết bị đồng bộ, từ phần cứng đến phần mềm, để không chỉ triển khai thử nghiệm mà còn ứng dụng rộng rãi và lâu dài. Thêm vào đó, việc bảo mật dữ liệu bệnh nhân vốn là loại thông tin đặc biệt nhạy cảm cũng chưa được quy định rõ ràng trong nhiều phần mềm và nền tảng AI đang thử nghiệm. Nếu không có biện pháp bảo vệ dữ liệu hiệu quả, nguy cơ rò rỉ hoặc bị lạm dụng là rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, AI sẽ không bao giờ thay thế bác sĩ mà chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, ngành Y tế cần tập trung vào ba trụ cột trong chiến lược phát triển AI, đó là hoàn thiện hệ thống pháp lý, bảo vệ dữ liệu người bệnh và xây dựng chuẩn mực đạo đức trong ứng dụng AI. Tất cả các quyết định chẩn đoán và điều trị cuối cùng phải có sự giám sát và xác nhận của bác sĩ, nhằm bảo đảm trách nhiệm chuyên môn và quyền lợi của bệnh nhân.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Việt Nam sẽ tập trung vào việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh việc kiểm định, đánh giá và cấp phép các ứng dụng AI trong y tế. Song song đó, các chương trình đào tạo bác sĩ, kỹ thuật viên và quản lý y tế cũng cần tích hợp các nội dung về AI, dữ liệu y tế và an ninh mạng. Chỉ khi AI được triển khai một cách bài bản, có giám sát, được cập nhật liên tục và tôn trọng các nguyên tắc đạo đức y khoa, trí tuệ nhân tạo mới thực sự trở thành một công cụ hỗ trợ an toàn và hiệu quả.
Theo THU TRANG/Báo Hà Nội Mới
Link bài viết gốcNguồn: https://baovanhoa.vn/nhip-song-so/buoc-ngoat-doi-moi-giua-thach-thuc-thoi-dai-154482.html
Bình luận (0)