
BÀI 1: CHUYỂN HÓA NHẬN THỨC, TỰ LỰC VƯƠN LÊN
Từ việc vận động của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể đã giúp người dân vùng cao thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin đăng ký thoát nghèo. Đây là tiền đề quan trọng để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, phát huy hiệu quả trong việc tác động giảm nghèo.
Mô hình sát thực tiễn
Tại xã Sông Kôn (Đông Giang), nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ về sinh kế để phát triển kinh tế gia đình.
Bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho hay, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó chủ yếu là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa phương đã hỗ trợ hàng trăm hộ dân về cây giống, con giống như bò, hươu, heo và các cây sầu riêng, quế, dược liệu…
Địa phương đã lập danh sách các hộ dân đủ điều kiện, có đăng ký thoát nghèo bền vững để cấp con giống, cây giống, thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu ra sản phẩm.
Đồng thời xã hỗ trợ đưa một số hộ dân đến Hương Sơn (Hà Tĩnh) để học tập mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và làm chuồng trại. Cùng với hỗ trợ con giống, xã còn hỗ trợ về cây giống như sầu riêng, quế, bưởi để phát triển sản xuất. Đến nay, các hộ tham gia đã phát triển mô hình kinh tế vườn với những kết quả ban đầu khá khả quan.
Là một trong những hộ được hỗ trợ sản xuất nằm trong chuỗi liên kết giá trị của xã, ông Ating Cao Linh (40 tuổi, xã Sông Kôn) từ chỗ là một hộ nghèo trước năm 2020, đến nay đã vươn lên thành hộ khá, hình thành cho mình một hệ sinh thái vườn với hàng chục loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Ông Linh chia sẻ, trước đây chủ yếu làm nương rẫy với cây keo, thu nhập rất thấp. Sau thời gian được các cấp chính quyền động viên, ông đã khai hoang diện tích đất hơn 1,5ha để trồng các loại cây ăn trái và chăn nuôi gà vịt.
Ông Linh mạnh dạn đăng ký, được xét hỗ trợ hỗ trợ hươu sao trong năm 2024. Ông đã đầu tư chuồng trại bài bản với kinh phí khoảng hơn 70 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại, ông Linh sở hữu vườn cây ăn trái với hơn 300 cây sầu riêng, măng cụt, mít, hàng trăm cây chanh và chuối. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi gà và đào ao thả cá để có thêm thu nhập.
Ông Linh nói: “Hiện nay kinh tế vườn đã ổn định, vườn được đầu tư hệ thống tưới tiêu đầy đủ, việc chăm sóc cũng dễ dàng. Đầu ra của các sản phẩm đều được bao tiêu nên rất an tâm. Hy vọng thời gian tới, mô hình kinh tế vườn - trang trại này sẽ tạo nguồn thu tốt cho gia đình”.
Thời gian qua, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ông A Lăng Minh (47 tuổi, xã Sông Kôn) được hỗ trợ sầu riêng và mít giống để phát triển kinh tế.
Hiện tại, với diện tích vườn khoảng hơn 1ha, ông trồng hơn 200 cây mít, sầu riêng, bưởi da xanh. Ngoài ra, gia đình ông còn cho thả heo và gà trong vườn để cải thiện thu nhập.
“Để thực hiện mô hình kinh tế vườn, gia đình tôi đã vay vốn sản xuất từ ngân hàng chính sách với số tiền khoảng 100 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 26 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi cải tạo vườn, mua máy nổ để phục vụ tưới tiêu. Đến nay sầu riêng và bưởi da xanh đã được hơn 2 năm tuổi, đang phát triển tốt” - ông Minh nói.
Cùng nhau vươn lên thoát nghèo
Trước đây, đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Chánh (Phước Sơn) thường chăn nuôi heo theo hộ gia đình và thả rông ngoài vườn. Hình thức chăn nuôi này vừa khó kiểm soát đàn heo, lại không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, năm 2023, Hội LHPN xã Phước Chánh xây dựng mô hình nuôi heo đen theo nhóm hộ ở thôn 1 để làm điểm và nhân rộng ra toàn xã.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước là 5 con heo/hộ, 10 hội viên tham gia mô hình đã cùng nhau xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tập trung.
Chị Hồ Thị Hậu - Trưởng nhóm cho biết, do thay đổi hình thức chăn nuôi và chưa nắm vững kỹ thuật nên thời gian đầu việc vận hành gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần cùng nhau vươn lên thoát nghèo, các hộ chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động mô hình từng bước đi vào nền nếp, tư duy làm việc tập thể bắt đầu hình thành.
Nhờ đó, đàn heo phát triển nhanh, đã bắt đầu sinh sản những lứa đầu tiên. Thấy hiệu quả, nhiều hộ đã chủ động tham gia mô hình và đăng ký thoát nghèo.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Phước Sơn đã triển khai hơn 60 dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, tập trung với các mô hình như nuôi bò 3B; trâu, bò, dê sinh sản; gà thả vườn, heo đen địa phương…
Đáng chú ý, Phước Sơn chủ động gắn triển khai mô hình kinh tế với Chỉ thị số 27 ngày 9/2/2023 của Huyện ủy Phước Sơn về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp vào cuộc, hướng dẫn đồng bào sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Điển hình như ở xã Phước Năng, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình lúa hữu cơ với quy mô 112ha, thu hút 500 hộ tham gia. Gần 2 năm tham gia mô hình, người dân đã chuyển từ phương thức canh tác sang sản xuất hiện đại, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để nâng cao năng suất cây lúa.
Xã Phước Năng cũng vận động bà con chuyển đổi từ trồng keo sang trồng cây gỗ lớn, cây ăn quả, xen ghép dược liệu, cây ngắn ngày. Đến nay, Phước Năng đã phát triển diện tích trồng gỗ lớn lên 35ha; thí điểm trồng tập trung 5ha cây ba kích, với 30 hộ tham gia.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm là người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và các phong tục, tập quán lạc hậu để đầu tư làm ăn, siêng năng học hỏi, thực hành tiết kiệm, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong khu dân cư. Hiệu quả rõ nhất là năm 2023 huyện giảm 505 hộ nghèo và cận nghèo, năm 2024 giảm 487 hộ nghèo.
-----------------------
Bài 2: Động lực từ nguồn vốn chính sách
Nguồn: https://baoquangnam.vn/but-pha-giam-ngheo-ben-vung-bai-1-chuyen-hoa-nhan-thuc-tu-luc-vuon-len-3151784.html
Bình luận (0)