Nguồn gốc ngày nói dối 1/4
Cho đến nay, nguồn gốc thực sự của ngày nói dối 1/4 vẫn gây tranh cãi. Nhưng hầu hết đều thống nhất, chuyện này bắt nguồn từ nước Pháp, do vua Charles IX tạo ra.
Vào thế kỉ 16 ở Pháp, mùa lễ hội hàng năm bắt đầu vào ngày đầu tháng 4. Thời gian đó, năm mới được tính từ 1/4 vì đây được xem là ngày đầu tiên của mùa xuân.
Ngày Cá tháng Tư có nhiều trò đùa hài hước. Ảnh minh họa
Vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về 1/1. Do phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, thông tin không được lan truyền kịp thời, nên nhiều người dân ở các vùng xa xôi không biết.
Những người khác biết nhưng lại "bảo thủ", không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4. Việc làm này bị quy là "ngớ ngẩn" và trở thành câu chuyện hài hước.
Vì thế ngày 1/4 bị coi là biểu tượng cho sự sai lệch thông tin và một số người hài hước gọi đây là "ngày nói dối". Từ đó, cái tên "ngày nói dối" xuất hiện. Những trò đùa vào 1/4 dần trở thành truyền thống ở Pháp, rồi lan sang Anh, Scotland và nhiều nơi khác.
Ngày nói dối lan rộng và trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Lý do gọi là ngày Cá tháng Tư
Khái niệm "poisson d’avril" (April fools - sự ngớ ngẩn tháng Tư, trong nghĩa văn học tiếng Pháp là Cá tháng Tư) lần đầu được nhắc đến bởi nhà thơ người Pháp Eloy d'Amerval (1455-1508).
Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi tháng 4 cũng được xem là tháng của cung hoàng đạo Song Ngư với biểu tượng hai con cá.
Hơn nữa, tháng 4 cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.
Do đó, ngày nói dối 1/4 cũng được gọi là ngày Cá tháng Tư. Vào ngày này, mọi người có thể thỏa thích bày ra những trò đùa không gây hại để mang lại tiếng cười cho mọi người.
Nguồn vietnamnet
Nguồn: https://baotayninh.vn/ca-thang-tu-la-ngay-gi-tai-sao-lai-goi-la-ngay-noi-doi-a188164.html
Bình luận (0)