Các đội tham gia Hội thi tìm hiểu “CCHC, chuyển đổi số và các chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động” do LĐLĐ TP Cần Thơ phối hợp Sở Nội vụ tổ chức vào tháng 10-2024.
Theo báo cáo PAR INDEX năm 2024, có 53/63 địa phương tăng điểm so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận, tăng thấp nhất là Lai Châu. Vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm nhưng mức giảm không đáng kể; tỉnh giảm nhiều nhất là 2,94% và tỉnh giảm ít nhất là 0,21%. Theo đánh giá, TP Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng, xếp cuối bảng là tỉnh Cao Bằng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả. Kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm qua. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được thực hiện thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị sơ kết nhiệm vụ quý I-2025 của ngành Nội vụ TP Cần Thơ, ông Trương Hồng Dự, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết, kết quả xếp hạng Chỉ số PAR INDEX của TP Cần Thơ xếp thứ 22/63 tỉnh, thành (tăng 20 bậc so với năm 2023), với điểm số 89,13%. Với điểm số này, TP Cần Thơ xếp hạng 4/13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL (sau các tỉnh: Long An, Hậu Giang, Cà Mau).
Ðể đạt kết quả trên, theo ông Dự, trong năm 2024, Sở Nội vụ phối hợp UBND các quận, huyện tổ chức 3 buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Ðồng thời, phối hợp LÐLÐ thành phố tổ chức hội thi tìm hiểu “CCHC, chuyển đổi số và các chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động”, nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong CCHC. Trong quý II-2025, đoàn kiểm tra công tác CCHC thành phố tiến hành kiểm tra công tác này tại các đơn vị, địa phương, nhất là các nội dung sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và những nhiệm vụ cấp bách. Qua kiểm tra, giúp các cơ quan, địa phương xác định rõ những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, theo báo cáo Chỉ số PAR INDEX năm 2024, một số nội dung trở thành điểm sáng trong công tác CCHC. Tiêu biểu như công tác cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt nhiều kết quả đột phá. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm thực hiện: khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo PAR INDEX cũng chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ CCHC còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân. Ðơn cử như tình trạng chậm xử lý các văn bản trái pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; vẫn còn xảy ra tình trạng chưa công bố, cập nhật đầy đủ các quy định thủ tục hành chính mới; ở nhiều nơi, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hẹn còn cao. Về cải cách chế độ công vụ, một số nơi còn tình trạng tiếp nhận, luân chuyển, bố trí công chức, viên chức chưa đúng với khung năng lực, bảng mô tả công việc theo Ðề án vị trí việc làm đã phê duyệt. Kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi chưa nghiêm, vẫn còn lãnh đạo, quản lý sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Các hạng mục xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số vẫn chưa hoàn thiện, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành chưa được đồng bộ và liên thông, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Kết quả đánh giá là cơ sở để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI
Nguồn: https://baocantho.com.vn/cai-cach-hanh-chinh-co-nhieu-sang-tao-doi-moi-tich-cuc-a185473.html
Bình luận (0)