(NLĐO)- Nhiều cán bộ tự nguyện “từ cấp trưởng xuống cấp phó” khi sắp xếp bộ máy ở Quốc hội
Ngày 19-2, tại họp báo thông tin về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, bà Tạ Thị Yên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác đại biểu của Quốc hội, cho biết thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, một số cán bộ ở các cơ quan của Quốc hội "từ cấp trưởng xuống làm cấp phó".
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: Phạm Thắng
Theo bà Yên, từ chủ trương chung của Đảng, các cán bộ này đều hi sinh vì mục tiêu chung, vì sự phát triển của xã hội, đã tự nguyện từ cấp trưởng xuống làm cấp phó, nên Quốc hội không cần vận động đối với những cán bộ này.
Nói thêm về việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, bà Tại Thị Yên nhấn mạnh Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nghị định 178 đã nêu rõ, cán bộ, công chức trong trường hợp tiếp tục công tác có thể tiếp tục vị trí cũ nếu vị trí này cần thiết. Hoặc có thể chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp với năng lực, vị trí việc làm; chuyển công tác sang cơ quan khác trong cùng hệ thống hoặc các cơ quan khác có nhu cầu; hoặc nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế hoặc nghỉ việc nếu không sắp xếp được vị trí phù hợp.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Công tác đại biểu, chế độ chính sách với những cán bộ này được thực hiện theo Nghị định 178, trong đó có những trường hợp được hưởng lương hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.
Thông tin thêm về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết các nghị quyết về sắp xếp bộ máy đã được cơ quan Chính phủ, Quốc hội triển khai quyết liệt, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo ông Lê Quang Tùng, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức làm sao thế nào để tối ưu hóa theo chức năng, vị trí, công việc. Các quyền lợi cũng cố gắng đảm bảo. "Không có vận động, việc nọ việc kia, để đảm bảo trên nguyên tắc theo tinh thần tự nguyện và theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo công việc liên tục, không bị gián đoạn sau sắp xếp"- Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ.
Sau 6,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào sáng 19-2. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quốc hội cũng đã thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quốc hội cũng đã bầu 6 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 4 Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, miễn nhiệm một số Bộ trưởng, Ủy viên UBTVQH để nhận nhiệm vụ khác.
Nguồn: https://nld.com.vn/can-bo-tu-cap-truong-xuong-lam-cap-pho-o-quoc-hoi-la-tu-nguyen-khong-phai-van-dong-196250219145201107.htm
Bình luận (0)