Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cấp bách về hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

(Chinhphu.vn) – Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5 tới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ23/04/2025

Cấp bách về hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân- Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Ngày 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức tọa đàm "Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân". Dự thảo Luật này đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng và hoàn thiện trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng "lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực" mà Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Trung ương đã đề ra. Việc xây dựng Luật không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại, mà còn là yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền số quốc gia.

Hơn 140 nước đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết, công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động.

Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.

Cấp bách về hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/HM

Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nhiều dịch vụ mới trên không gian mạng xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng, đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, trên thế giới, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.

"Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật này. Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5 tới", Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu còn phân tán

Tại hội thảo, từ góc độ liên quan quản trị chính sách, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, nghiên cứu trưởng chuỗi hội thảo khoa học chiến lược dữ liệu quốc gia cho rằng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh phát triển kinh tế dữ liệu, thu hút đầu tư quốc tế và chuyển đổi số của Việt Nam cần đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và nhu cầu sử dụng dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp.

Bà Nga đưa ra khung kết cấu điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng hậu kiểm hơn là tiền kiểm; có những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho thị trường dữ liệu và cơ chế thử nghiệm đối với các tổ chức thiện nguyện nhân đạo hoạt động trong tìm kiếm, cứu trợ, cứu nạn. Quan trọng là cần có sự phân vùng và ưu tiên rõ ràng đối với các lĩnh vực đặc thù và chuyên sâu như dữ liệu cá nhân trong y tế, giáo dục, tài chính, bảo hiểm…

Đại diện Tập đoàn Viettel cũng đã chia sẻ những khó khăn và đề xuất bổ sung cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền của chủ thể dữ liệu, cho phép thỏa thuận thời hạn thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể dữ liệu, thu phí hợp lý và từ chối yêu cầu vô lý; quy định rõ "Dữ liệu cá nhân không được mua, bán trừ trường hợp chủ thể dữ liệu đồng ý". 

Một số doanh nghiệp cũng đã trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghệ.

Tựu chung, các đại biểu đều đồng thuận rằng, dữ liệu cá nhân là yếu tố gắn liền với quyền con người, quyền công dân, đồng thời có tác động sâu rộng đến an ninh mạng, an ninh quốc gia và toàn bộ hệ sinh thái số. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu còn phân tán, thiếu tính thống nhất.

Theo thống kê, hiện đang có 69 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến dữ liệu cá nhân, nhưng mới chỉ có Nghị định 13/2023/NĐ-CP là văn bản đầu tiên cung cấp định nghĩa và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu một cách tương đối đầy đủ.

Trước đó, Dự thảo này đã được Bộ Công an xây dựng trên tinh thần hết sức cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm quốc tế; lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiến hành khảo sát một số cơ quan, doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng có hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân quy mô lớn...

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) thông tin, dự thảo Luật Dữ liệu cá nhân được định hướng xây dựng trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.

Dự thảo gồm 7 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát.

Luật cũng điều chỉnh các quy định liên quan các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.

Hiền Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/cap-bach-ve-hoan-thien-du-thao-luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-102250423150831954.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm