Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" -Ảnh: VGP/HT
Đây là nội dung được trao đổi tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức, chiều 23/4.
Thực hiện tốt ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho rằng: ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình.
"Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo khung khổ pháp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức xã hội. Đặc biệt, Bộ cũng đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực của quốc gia.
Những nỗ lực của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực này góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho thực hành ESG, thúc đẩy phát triển bền vững và kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, thực tiễn cho thấy, cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện và năng lực đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, cần tính toán làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn
Cần hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững. Khoa học sẽ giúp các vấn đề môi trường được giải quyết hiệu quả, tài nguyên được sử dụng tối ưu, chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/HT
"Với sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, Diễn đàn ESG Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Bộ Nội vụ cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan để xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng và văn minh", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) đồng tình với chủ trương, Việt Nam nên chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, năng suất và bền vững. Vì thế, những ngành như kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sạch cần trở thành động lực trung tâm.
Đồng thời, ông Nguyễn Tiến Huy nhấn mạnh: Việt Nam cần đầu tư bài bản vào hạ tầng cho chuyển đổi xanh, mở rộng năng lượng tái tạo, phát triển giao thông thông minh và ứng dụng số hóa trong quản lý ESG. Cùng lúc, cần xây dựng khung chính sách ESG quốc gia đồng bộ để doanh nghiệp không phải "tự bơi" hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào chuẩn mực quốc tế.
Đặc biệt, một yếu tố không thể thiếu là phát triển nguồn nhân lực xanh thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng và tích hợp ESG vào hệ thống giáo dục. Đồng thời, cần cải tổ hệ thống tài chính theo hướng hỗ trợ tín dụng xanh, phát triển trái phiếu bền vững và thiết lập các quỹ đầu tư ESG.
"Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất chính là nâng cao năng lực thể chế. Đây là "chìa khóa" trong 10 năm tới để Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng mà còn vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển bền vững", ông Nguyễn Tiến Huy nói.
TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu dẫn chứng bằng con số, ông Bùi Thanh Minh cho biết độ mở kinh tế của Việt Nam rất lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 780 tỷ USD. Song, điều đó cũng khiến Việt Nam dễ tổn thương trước các chính sách bảo hộ, thuế đối ứng từ các quốc gia lớn.
Theo ông Bùi Thanh Minh, Việt Nam đã có Nghị quyết 57 để thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là cho doanh nghiệp tư nhân, khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.
"Đã đến lúc Việt Nam ngoài dự vào vào FDI cần tạo ra động lực từ bên trong, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, SME và hộ kinh doanh. Vì vậy, vai trò của thể chế kiến tạo, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ là "chìa khóa sinh tồn" trong kỷ nguyên ESG và chuyển đổi xanh", ông Bùi Thanh Minh nói.
Ngân hàng-DN cùng nỗ lực thay đổi, đồng hành vượt thách thức
TS Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Hà Nội, nêu góc nhìn về thực trạng ESG trong cộng đồng doanh nghiệp với 4 điểm sáng đang hình thành. Thứ nhất là tín dụng xanh đang tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai, nguồn vốn quốc tế vào ESG, tiêu biểu như khoản cam kết 210 triệu USD từ IFC, cũng đang tạo động lực mới. Thứ ba, khung pháp lý đã rõ nét hơn nhờ các thông tư, hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước. Thứ tư, nhận thức của doanh nghiệp về ESG đang được cải thiện, nhất là trong tiếp cận các thị trường như FDI.
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra nhiều nút thắt lớn. Đó là mới chỉ có 4,5% tín dụng xanh được giải ngân. SME gặp khó khi tiếp cận vì thiếu tài sản thế chấp, lãi suất chưa ưu đãi và tiêu chuẩn ESG còn xa lạ. Có đến 60% doanh nghiệp nhỏ không biết đăng ký nhận hỗ trợ ở đâu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không biết ESG là gì và càng khó giữ chân nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực này.
Vì vậy, ông Mạc Quốc Anh đề xuất 5 nhóm giải pháp gồm: Thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh từ 30–50%; rút gọn bộ tiêu chí xanh, học hỏi mô hình quốc tế; thúc đẩy số hóa dữ liệu doanh nghiệp; ưu đãi thuế 2–4 năm đầu cho doanh nghiệp xanh; xây dựng mạng lưới cố vấn ESG theo chuỗi giá trị.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh vai trò đặc biệt của hệ thống tài chính trong ESG, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Đại diện NHNN cho biết ngành ngân hàng đang từng bước xây dựng các chính sách tín dụng xanh và cơ chế quản lý rủi ro môi trường, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.
Trước hết, NHNN đã ban hành các chiến lược phát triển ngân hàng xanh, đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng gắn với mục tiêu ESG. Nhờ đó, các ngân hàng đã dần xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro môi trường, xã hội (RRMTXH) và hướng dẫn triển khai đánh giá rủi ro này trong nhiều ngành nhạy cảm như hóa chất, năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng…
Ngành ngân hàng đang yêu cầu các tổ chức tín dụng lồng ghép yếu tố phát triển bền vững vào quy trình xét duyệt tín dụng. Đặc biệt, các chương trình cho vay nông nghiệp bền vững, phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao hay các dự án chống biến đổi khí hậu đều đang nhận được sự ưu tiên trong giải ngân vốn.
Ngoài ra, NHNN cũng tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời đóng góp sáng kiến vào việc xây dựng hệ thống ngân hàng xanh toàn cầu.
"ESG không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là chiến lược phát triển bền vững của ngành ngân hàng", đại diện NHNN khẳng định.
Giang Huy
Nguồn: https://baochinhphu.vn/esg-dong-luc-phat-trien-ben-vung-trong-ky-nguyen-moi-102250423183218857.htm
Bình luận (0)