Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là động lực đột phá và ưu tiên hàng đầu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Được tổ chức trước thềm Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP30) diễn ra tại thành phố Belem, Brazil vào cuối năm nay, hội nghị cấp cao này còn có sự tham dự của 16 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Chile, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ...; Chủ tịch các tổ chức khu vực, như ASEAN, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi, Liên minh các quốc gia đảo nhỏ, Cộng đồng Caribe.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu đối với an ninh, phát triển và cuộc sống của con người và cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt hơn nữa, trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, các nước phát triển cần đi đầu trong huy động tài chính cho khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Các đại biểu bày tỏ quyết tâm đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế trong tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế để đạt các mục tiêu đề ra trong Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra một cách công bằng.
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang không chỉ thừa kế Trái đất từ các thế hệ đi trước mà còn đang mượn Trái đất từ các thế hệ tương lai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, năng lượng tái tạo là sự lựa chọn của tương lai và phát triển bền vững, tạo nhiều việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, kêu gọi các nước nộp đóng góp do quốc gia tự quyết định phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C, kêu gọi xây dựng lộ trình hướng tới đạt mục tiêu huy động 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2035 để hỗ trợ các nước đang phát triển, và đóng góp đầy đủ cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại.
Trên cương vị nước đăng cai Hội nghị COP30 vào cuối năm nay, Tổng thống Brazil khẳng định Brazil sẽ nỗ lực hết mình để hội nghị mang lại các kết quả cụ thể và kêu gọi các quốc gia có cách tiếp cận tham vọng trong giải quyết vấn đề khí hậu phù hợp với hoàn cảnh phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, biến đổi khí hậu đã là thực tại khắc nghiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến mọi quốc gia, mọi người dân, nhưng các hành động khí hậu vẫn còn cách rất xa các mục tiêu của Thoả thuận Paris, đặc biệt là về tài chính khí hậu và cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.
Để xử lý hiệu quả các thách thức đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần có tư duy, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn diện, toàn dân, bao trùm, đồng thời cần tăng cường quyết tâm, nỗ lực và hành động quyết liệt, có giải pháp đột phá và thực thi hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cần đoàn kết, hợp tác, đề cao chủ nghĩa đa phương, đảm bảo công bằng, công lý và chung tay cùng hành động với các cơ chế hợp tác cụ thể, thực chất, khả thi, khơi thông, giải phóng các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Khẳng định Việt Nam coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của thời đại, là lời kêu gọi từ trái tim, phải hành động ngay, hành động quyết liệt và hành động với trách nhiệm cao nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, động lực đột phá và ưu tiên hàng đầu, lấy con người làm trung tâm, để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, kiên quyết "không hi sinh bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang không chỉ thừa kế Trái đất từ các thế hệ đi trước mà còn đang mượn Trái đất từ các thế hệ tương lai. Việc thực hiện các mục tiêu của Thoả thuận Paris để gìn giữ và bảo vệ hành tinh xanh là sứ mệnh nặng nề, đầy thử thách nhưng đây cũng là sứ mệnh lịch sử, vẻ vang với tất cả chúng ta; và là cơ hội để chúng ta góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các hoạt động chống biến đổi khí hậu, là cơ hội để đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương, kiên định mục tiêu và hành động để thành công.
Các đại biểu bày tỏ quyết tâm đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương dựa trên luật pháp quốc tế trong tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế để đạt các mục tiêu đề ra trong Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015 và bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra một cách công bằng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chia sẻ về việc Việt Nam đang khẩn trương thực hiện các hành động khí hậu một cách đồng bộ, toàn diện, có lộ trình, kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cần thiết cho chuyển đổi xanh, bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành mũi nhọn, các văn bản tháo gỡ khó khăn với nhiều cơ chế mới, đột phá trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các đề án hỗ trợ cho các khu vực dễ bị tổn thương và người dân ở các khu vực bị thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh, dù là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực, như là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, là điển hình tốt, được quốc tế đánh giá cao về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hầu hết các cơ chế đa phương và sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là bạn tốt, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên chặng đường phát triển xanh và bền vững sắp tới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhấn mạnh, dù thế giới có thay đổi thế nào thì Việt Nam vẫn cam kết kiên định với mục tiêu trung hòa carbon năm 2050 và phát huy tinh thần 3 sẵn sàng là “sẵn sàng tham gia, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt”, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục là bạn tốt, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên chặng đường phát triển xanh và bền vững sắp tới.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các đối tác quốc tế tập trung hỗ trợ Việt Nam về tài chính, chia sẻ công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, quản trị xanh để thực hiện hiệu quả các cam kết đề ra, góp phần vào việc hiện thực hoá các mục tiêu của Thoả thuận Paris.
Hà Văn
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-phai-hanh-dong-ngay-hanh-dong-quyet-liet-voi-trach-nhiem-cao-nhat-de-ung-pho-bien-doi-khi-hau-102250423174248648.htm
Bình luận (0)