
Dụng cụ phục vụ cho tiết học âm nhạc của cô Hoàng Thị Lan Phương - giáo viên Trường Tiểu học (TH) Trần Phú (xã Bình Sa) có đến 30 con bài dùng để hô hát bài chòi, trống, gõ phách để cho các học sinh luyện tập.
Cô Phương trước đây từng tham gia khóa học nghệ thuật bài chòi do huyện Thăng Bình tổ chức. Từ đó nhà trường phân công và đưa bộ môn này vào giảng dạy cho học sinh của trường về cách hát, cách luyến láy để đúng điệu và nhịp nhàng.
Trong bài chòi có đến 30 con bài, hiện cô Phương đã biên tập, hướng dẫn cho các em cách hô hát 15 con bài. Đối với người lớn, câu từ trong bài chòi có khi dí dỏm, vui đùa. Còn với học sinh cô phải vận dụng tối đa các từ ngữ dân gian gần gũi, phù hợp.

Cô giáo Phương chia sẻ: “Phương pháp để giúp học sinh nhớ lâu các con bài phải xuất phát từ những câu hát dân gian, tục ngữ, ca dao phù hợp với lứa tuổi. Điều khá bất ngờ, hầu hết các em đều tham gia sôi nổi, thích bộ môn nghệ thuật này. Từ đó chúng tôi mạnh dạn truyền đạt, thành lập câu lạc bộ để các em có sân chơi giao lưu và biểu diễn ở các dịp lễ hội của địa phương”.
Câu lạc bộ Hô hát bài chòi xã Bình Sa ra đời vào tháng 1/2025 với 22 thành viên là học sinh của Trường Tiểu học Trần Phú. Mới đây, câu lạc bộ tham gia biểu diễn ra chương trình lễ cúng tiền hiền làng Tiên Châu, được nhiều người cổ vũ, yêu mến bởi các em ở lứa tuổi còn rất nhỏ, nhưng đã truyền được ngọn lửa đam mê, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Em Châu Thị Thùy Linh (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trần Phú) cho biết, mỗi con bài mang một ý nghĩa riêng, rất khó hát, nhưng dưới sự chỉ dạy của cô giáo, học sinh cảm thấy rất yêu thích. Ví như nhiều câu từ rất hay: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ công ơn trời biển đêm ngày khắc tâm/ làm người phải biết nghĩa nhân/ hiến chương nhà giáo hàng năm, hàng năm nhớ ngày/ bông hồng đỏ thắm trên tay/ tấm lòng thơm thảo, tặng thầy tặng cô…”.
Huyện Thăng Bình thời gian qua luôn nỗ lực giữ gìn bộ môn nghệ thuật bài chòi, bằng cách tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi.

Ở 2 lớp tập huấn, huyện Thăng Bình cùng Đoàn Ca kịch Quảng Nam truyền đạt nội dung về nguồn gốc bài chòi miền Trung; phương pháp tổ chức, duy trì hoạt động câu lạc bộ, nhóm bài chòi dân gian; cách thức tổ chức hội đánh bài chòi xứ Quảng. Học viên còn thực hành hát và biểu diễn các làn điệu dân ca, lý, hò, vè, hô hát bài chòi…
Ông Lê Cao Lan - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình chia sẻ: “Qua 2 lớp tham gia tập huấn bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi do huyện tổ chức, Phòng GD-ĐT huyện đã quán triệt, đưa bộ môn này vào giảng dạy trong các tiết học âm nhạc. Từ đó các cơ sở giáo dục chủ động truyền dạy cho học sinh, góp phần bảo tồn, khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật bài chòi ở lứa tuổi này. Hiện câu từ dành riêng cho học sinh thì chưa có, chúng tôi yêu cầu các trường phải linh hoạt, cải biên phù hợp”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cau-lac-bo-ho-hat-bai-choi-hoc-sinh-tieu-hoc-o-binh-sa-3152781.html
Bình luận (0)