Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chắp cánh sắc chàm bay xa

Trên các bản làng miền tây xứ Quảng, bên những cánh hoa rừng, thoảng nghe mùi đặc trưng của những tấm chàm được cất giữ kỹ bên trong các tủ gỗ hay trong các chum, chóe như là hiện vật quý để dành được chủ thể văn hóa nơi đây sáng tạo, gìn giữ, trao tặng, trưng diện mỗi khi Tết đến xuân về hay vào những dịp nghi lễ của làng, của quê hương, đất nước.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm trong lễ hội dựng Cây Nêu của người Cơ tu.  Ảnh: Pơloong Plênh
Rực rỡ sắc màu thổ cẩm trong lễ hội dựng Cây Nêu của người Cơ tu. Ảnh: Pơloong Plênh

Sắc chàm truyền thống và cách sáng tạo ra sản phẩm, hoa văn thổ cẩm ở mỗi vùng miền có những nét đặc trưng riêng, tôi vẫn nhớ như in về những sắc chàm đủ gam màu, đủ chủng loại được người đồng bào Cơ tu nơi các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang cần mẫn dệt, trưng bày, trang trí trên các bàn thờ gia tiên, nơi trang trọng của mái Gươl làng trong các dịp lễ hội, hay ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Trên bàn thờ trong mỗi ngôi nhà của người Cơ tu luôn hiện hữu vật lễ thổ cẩm, trang sức truyền thống để làm vật trang trí mang những nét đặc trưng đặc biệt riêng có từ những tấm thổ cẩm, tấm thắt lưng, khố nam hay cả những trang sức như chuỗi hạt cườm đủ sắc màu, hạt mã não, vòng bạc (pa-nâng),... tạo nên không gian bàn thờ đầy tính trang nghiêm thể hiện sự trang trọng, tôn kính và hồn sắc của tộc người nơi đây luôn hướng về nguồn cội.

Ngày lễ hội làng hay ngày Tết cũng là dịp các thành viên trong gia đình được sum vầy, đoàn viên dưới mái nhà sàn ấm áp bếp hồng trong tiết trời giao mùa se se lạnh nơi miền sơn cước. Tôi có dịp lướt qua trang facbook cá nhân của các bạn trẻ, thật bất ngờ khi được nhiều bạn trẻ Cơ tu chọn may, mặc trang phục truyền thống như áo, khố từ vỏ cây rừng, thổ cẩm được dệt, may từ chính đôi tay khéo léo của các bạn trẻ người Cơ-tu cho thấy hiệu ứng tích cực lan tỏa tình yêu về văn hóa truyền thống. Từ việc nâng niu sắc chàm thổ cẩm đến việc nhiều bạn trẻ tự tìm hiểu các điệu múa, âm nhạc, ẩm thực cổ truyền của dân tộc mình trong ngày lễ hội.

Tôi chợt nhớ câu nói của A-mế (mẹ), bên khung dệt nơi nhà sàn, A-mế vừa kết từng hạt cườm, vừa chỉ cho con, cháu cách tạo hoa văn, cách dệt và ý nghĩa của mỗi hoa văn trên trang phục truyền thống. Mế nói: “Trang phục của dân tộc mình như là da, là thịt, như là gan, là ruột... thể hiện tấm lòng thủy chung son sắc của người phụ nữ qua việc tạo sản phẩm thổ cẩm, từ việc trồng bông, kết sợi, tạo màu, chọn hạt để kết hình mang nhiều ý nghĩa nhân văn như hình đất, nước, rừng cây, chim, thú, mái Gươl, tân-tung, da-dắ, đan lát, dệt thổ cẩm,...  những hoa văn nói lên tình yêu núi rừng, sông suối, nhớ về nguồn cội, thể hiện tính cố kết cộng đồng, tấm thổ cẩm còn nói lên uy quyền, đức tính tốt đẹp của con người, tính chịu thương chịu khó, sự cần mẫn, tỉ mỉ của người sáng tạo ra nó”.

Trong chuyến ngược núi về với các bản làng giáp biên giới, tôi may mắn được nghe các nghệ nhân ưu tú Cơ tu nói về các loại trang phục truyền thống Cơ tu.  Nghệ nhân ưu tú Cơlâu Bhlao, xã Tr’hy, huyện Tây Giang cho biết: “Trước đây, đồng bào miền núi còn vô vàn khó khăn, sống chủ yếu nương nhờ vào mẹ rừng, từ cái ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh, đến cái mặc cũng đều từ Mế rừng, lúc đó làm gì có vải, người vùng cao chủ yếu dùng vỏ cây rừng để làm ra trang phục, sau này phát hiện được loại cây có bông, cây có hạt chắc, biết kết sợi, rồi tạo màu tự nhiên để dệt lên các bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc Cơ tu như ngày nay”.

Nghệ nhân ưu tú Bhơriu Pố, xã Lăng, huyện Tây Giang chia sẻ trong ngày hội văn hóa Cơ tu được tổ chức tại huyện cho những vị khách quốc tế: Trang phục, trang sức không chỉ phản ánh về cái mặc, cái đẹp đơn thuần mà cao hơn đó là hồn cốt, bản sắc tốt đẹp phản ánh sinh động, nhân văn, khách quan qua sự tinh tế trong từng đường nét thổ cẩm được dệt nên từ chính đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cơ tu nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung”.

Khi những sắc chàm được nối kết giữa bao thế hệ người miền núi, giữa người già và người trẻ trong tiết trời cao xanh đầy sắc màu tươi tắn, lung linh trong các dịp hội của làng dịu dàng trong vũ điệu dâng trời gọi mời muôn nơi, là tín hiệu vui, môi trường sống cho các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được “nối tiếp-truyền lửa” đến các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu, trân quý bản sắc tốt đẹp của mình, góp phần làn tỏa nét đẹp trong thổ cẩm nói riêng, các giá trị văn hóa nói chung.

Ngày nay, sự xuất hiện của các nghệ nhân thợ dệt trẻ trong việc dệt, may trang phục thổ cẩm đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm trang phục, trang sức cách tân từ những tấm thổ cẩm truyền thống, từ những hạt mã não, hạt cườm như bộ áo dài, áo ghi-lê, áo vest nam, vòng đeo tay nữ,... Bạn trẻ Arất Mai (huyện Nam Giang) tự hào khi khoác trên mình sắc chàm thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu cho biết, yêu nước chính là yêu quý những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của chính dân tộc mình từ trang phục, điệu múa, câu hát dân ca sâu lắng ngọt ngào thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, sống đoàn kết và yêu chuộng hòa bình, nguyện cùng một lòng xây dựng đất nước vươn mình thịnh vượng, vững bền.

Sắc chàm truyền thống lung linh trong lễ hội của làng, trên các trang facebook của các bạn trẻ như tín hiệu vui để những giá trị văn hóa được chắp cánh vươn ra thế giới, góp phần gìn giữ, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Là sợi dây vô hình kết nối cộng đồng, nối kết các bạn trẻ người miền núi, nhất là các bạn trẻ đang học tập, làm việc, sinh sống tại các thành phố lớn thêm trân quý văn hóa truyền thống, trở thành những sứ giả đưa bản sắc văn hóa nói chung, trang phục, trang sức, điệu múa ngày càng lan tỏa giá trị và bay xa hơn.

KA LANG

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202504/chap-canh-sac-cham-bay-xa-4003193/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm