Đồng thời, việc hợp tác với các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại cũng đang tạo ra sức sống mới, góp phần hình thành thị trường bền vững cho nghệ thuật truyền thống.

MV âm nhạc truyền cảm hứng, thúc đẩy du lịch
Trong những ngày qua, MV “Bắc Bling” đã cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube, chiếm vị trí top 1 trên bảng xếp hạng YouTube Music toàn cầu, đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc như iTunes Việt Nam, Apple Music Việt Nam, Làn Sóng Xanh, thu hút sự chú ý của công chúng trong và ngoài nước.
Thành công của nữ ca sĩ Hòa Minzy với “Bắc Bling” đã ghi dấu ấn đậm nét cho âm nhạc Việt Nam từ trước đến nay. Không những thế, sự lan tỏa của MV trên mạng xã hội góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam một cách đậm nét, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Bằng chứng là sau khi MV ra mắt, tỉnh Bắc Ninh đã mở tour tham quan miễn phí các ngày nghỉ cuối tuần để phục vụ du khách đến tìm hiểu văn hóa truyền thống vùng Kinh Bắc. Chưa có con số thống kê cụ thể số lượng du khách mỗi tuần nhưng có thể thấy hiệu ứng mạnh mẽ của MV âm nhạc mang đến cho tỉnh nhà, đó là niềm tự hào cũng như cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: “Một MV ra đời đã tạo ra ấn tượng, sự tò mò, có thể là sự đồng thuận, yêu thích, cũng có thể là điều gì đó khắt khe hơn nhưng có một điều chúng ta không thể phủ nhận được là nó đã tạo ra sự ham muốn được tìm hiểu về cội nguồn. Các bạn trẻ bắt đầu đi hỏi bà, hỏi mẹ: Làm thế nào để răng đen, làm thế nào để làm tranh dân gian Đông Hồ, cách tạo màu sắc cho tranh dân gian ra sao…”.
Như vậy, có thể khẳng định cơ hội đang mở ra với ngành du lịch của nước ta, thông qua điện ảnh, MV âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn. Trước đây, có không ít nghệ sĩ trẻ đã thực hiện những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng dân gian, quảng bá hình ảnh địa phương.
Có thể kể đến Hồ Phi Nal (sinh năm 1997 tại Đồng Tháp), một gương mặt tuy còn mới mẻ với cộng đồng mạng nhưng đã có những ca khúc được giới trẻ yêu thích: “Rồi tới luôn” cán mốc kỷ lục 100 triệu lượt xem trên YouTube, “Thương nhau tới bến” và đặc biệt là MV “Cô Ba ca cổ”. MV này có âm nhạc vui tươi, đậm chất Nam Bộ, với những hình ảnh con người lao động thân thiện, gần gũi, phong cảnh miền quê hiền hòa, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây.
Ca khúc do ca sĩ Hồ Phi Nal kết hợp với NSND Bạch Tuyết thực hiện, có sự lồng ghép giữa truyền thống và hiện đại, phần nhạc và bài “Lý Cô Ba” do Hồ Phi Nal viết lời, còn phần vọng cổ trong ca khúc do chính nghệ sĩ Bạch Tuyết viết.
Từ MV của các nghệ sĩ trẻ, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phong tục tập quán vùng miền được giới thiệu và truyền cảm hứng được đi, được khám phá, trải nghiệm nhiều hơn cho cộng đồng.
Cách đây hơn 2 năm, ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam ra mắt 3 MV “Tây Bắc thả chiều vào tranh” (nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn), “Thanh xuân của ban mai” (nhạc sĩ Phạm Việt Tuân), “Có em luôn chờ anh” (tác giả trẻ Phạm Hồng Nhung), thuộc dự án âm nhạc “Tây Bắc và em”.
Từ những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, từ cách người dân tộc nấu rượu ngô, làm mèn mén… đến nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ, những người dân quanh năm gắn bó với núi rừng, với ruộng bậc thang trong mây ngàn gió núi… tất cả đi vào trong MV âm nhạc chân thực, đáng yêu, góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống Tây Bắc.
Hay ca sĩ Hà Myo đã kết hợp âm nhạc truyền thống với rap, nhạc điện tử để tạo nên “Xẩm chênh bong”, “Xẩm bốn mùa hoa”, “Xẩm Hà Nội”; kết hợp hát Xoan trong ca khúc “Trò chơi í a trời cho”. Sau chuyến công tác Trường Sa, nữ ca sĩ còn kết hợp dân ca Nam Trung Bộ với nhạc trẻ để tạo nên “Ký sự Trường Sa”, góp phần quảng bá hình ảnh những nơi địa đầu Tổ quốc cùng tình cảm trân quý của đất liền với đảo xa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự gắn kết con người cũng trở nên dễ dàng hơn và MV âm nhạc cũng có thể coi là những đại sứ văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện, mến khách.
Không chỉ với các nghệ sĩ trong nước, một số nghệ sĩ ở nước ngoài vì yêu quý Việt Nam đã đến để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên cũng như sự ấm áp của lòng người. Ca sĩ Hàn Quốc Joseph Kwon đã có nhiều dự án âm nhạc tại Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là MV ca nhạc “Waiting for you - 5000 years” với hình ảnh 19 địa danh nổi tiếng của nước ta, gợi cảm hứng du lịch cho công chúng.
Truyền thống kết hợp hiện đại
Không ít MV thành công được lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian, được các nghệ sĩ trẻ làm mới với ngôn ngữ biểu đạt hiện đại: Nhạc cụ truyền thống kết hợp nhạc điện tử, ca từ nguyên gốc từ ca dao, dân ca kết hợp với phần lời rap trẻ trung, bắt tai, phần vũ đạo gốc trong chèo, tuồng, cải lương… hòa trộn với múa đương đại, kịch hình thể… cộng với những đầu tư trong phần thiết kế, ánh sáng, công nghệ.
Không nhất thiết phải đưa ra công thức chung bởi mọi sự kết hợp nếu hài hòa sẽ tạo nên thành công cho mỗi MV. Tuy vậy, chất liệu âm nhạc từ nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian luôn được ví như “mỏ vàng” của âm nhạc đương đại. Hướng đi này luôn được cổ xúy, mang đến sức hấp dẫn riêng nếu nghệ sĩ biết khơi đúng mạch. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ứng dụng công nghệ hiện đại trong âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống để tăng giá trị trải nghiệm cho công chúng, khách du lịch trong nước và quốc tế; lấy chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam làm cốt lõi để phát triển thị trường âm nhạc đổi mới, sáng tạo, có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tuy vậy, khoác lên mình "chiếc áo của ông cha", không chỉ để tạo nên những “bản hit” mà còn là cách phát huy những giá trị tinh thần, để văn hóa dân tộc được tiếp biến trong đời sống đương đại. Hướng đi này cũng phản ánh vai trò của những thế hệ tiếp nối, mong muốn thể hiện tiếng nói và bản sắc của thời đại mình đang sống.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội cho rằng: Nghệ thuật truyền thống vừa là nghệ thuật, vừa là di sản. Nếu chúng ta chỉ ứng xử theo hướng nghệ thuật thì sẽ có những sai lệch so với ứng xử với một di sản. Nếu chúng ta chỉ xem nó là di sản thì nhiều khi chúng ta sẽ bó buộc sự sáng tạo của mình, khiến cho nghệ thuật truyền thống gặp muôn vàn khó khăn. Bên cạnh đó, cần phải đặt những loại hình nghệ thuật truyền thống trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vừa phải tuân theo quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu, quy luật giá trị… theo xu hướng của quốc tế, nhưng đồng thời phải gìn giữ tính ngoại lệ của nghệ thuật truyền thống. Cần nhận thức đúng đắn về nghệ thuật truyền thống trước khi tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có nhiều thành công nhưng cũng có vô vàn thất bại trong việc bảo tồn, phát huy này.
Thành công của MV “Bắc Bling” và những MV của các ca sĩ trẻ góp phần hình thành cộng đồng công chúng yêu nhạc văn minh; nghệ sĩ ý thức trách nhiệm của mình đối với các sản phẩm sáng tạo để tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam. Theo đó, cần nâng cao chất lượng của các sản phẩm MV nói riêng, nâng cao chất lượng, số lượng và quy mô các chương trình biểu diễn âm nhạc nói chung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/sang-tao-tren-nen-truyen-thong-697986.html
Bình luận (0)