
Mốc thời gian này sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trong tháng 4 trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong tháng 5. Đồng thời, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự rút gọn trong tháng 4.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.
Đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4/2025, nhằm đáp ứng mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12 năm nay. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Liên quan đến tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ đàm phán với phía Trung Quốc về Hiệp định khung các nội dung liên quan trong tháng 5/2025. Dự kiến hiệp định vay vốn sẽ được ký kết vào tháng 11, ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo hai bộ này dự thảo và gửi Công thư của Phó Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cho dự án.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Với đường sắt đô thị, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được yêu cầu rà soát kế hoạch triển khai các tuyến và xác định rõ phương án huy động vốn cho từng dự án. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đoạn Bến Thành - Tham Lương, và đề xuất điều chỉnh nguồn vốn cho dự án này.
T.H (theo VnExpress)Nguồn: https://baohaiduong.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-co-the-khoi-cong-vao-cuoi-nam-2026-408792.html
Bình luận (0)