Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Châu Đức - 'thủ phủ' du lịch sinh thái

Khí hậu ôn hòa, nhiều hồ nước đẹp và địa hình thơ mộng, H.Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm. Địa phương này cũng hướng đến nông nghiệp kết hợp du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên28/04/2025

Biến đồi trọc thành khu nghỉ dưỡng cao cấp

Khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge (xã Suối Rao, H.Châu Đức) nằm trên triền đồi thoai thoải với diện tích 5ha, nối liền rừng phòng hộ Xuân Sơn. Gần 20 năm trước, nơi đây chỉ là vùng đất sỏi đá, chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Là nhà thiết kế cảnh quan, nhà sinh vật học, bà Lê Thị Nga (chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge) đã biến đồi trọc đầy sỏi đá của mình thành vùng rừng để làm đa dạng sinh học cho thỏa niềm đam mê ngành nghề.

Châu Đức - 'thủ phủ' du lịch sinh thái - Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge có đến 95% là cây xanh

ẢNH: N.L

Xuyên suốt hành trình phục hồi và tái tạo các giá trị tự nhiên nguyên sơ, Suối Rao Ecolodge được các nhà khoa học, chuyên gia, kiến trúc sư cảnh quan đến làm việc một cách bài bản, khoa học với cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn và đa dạng sinh học. Hiện nay, hơn 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge được bao phủ bởi cây xanh. Trong đó, hơn 1 triệu cây xanh được định danh với khoảng 700 loài, trong đó có 18 loài cây gỗ quý hiếm của Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với khoảng 300 loại dược liệu. Các loài hoa như sơn quỳ, dã quỳ, bươm bướm, thiên điểu, hoa hồng, cẩm tú cầu Đà Lạt bung nở quanh năm. Trồng cây, quản lý rừng, cải thiện chất lượng đất, bảo tồn đa dạng sinh học đã giúp Suối Rao Ecolodge có lượng lưu trữ carbon lớn. Năm 2024, Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (thuộc Sở KH-CN TP.HCM) trao chứng nhận điểm đến trung hòa carbon cho Suối Rao Ecolodge.

Thích địa hình có nhiều đồi, suối và rừng

Anh Văn (kiến trúc sư) cùng vợ đang làm kế toán tại một công ty ở TP.HCM chán cuộc sống xô bồ, vội vã, nên cả 2 quyết định bỏ "phố về quê", tìm mua hơn 1 ha đất ở xã Suối Rao và bắt đầu hành trình gầy dựng điểm du lịch sinh thái Suối Rao Forest. Anh Văn cho biết: "Tôi chọn Suối Rao để lập nghiệp vì thích địa hình ở đây có nhiều đồi, suối và rừng". Sau hơn 10 năm tự tay thiết kế, thi công, hiện nay Suối Rao Forest được nhiều du khách biết đến. Nơi đây, tách biệt với nhà dân, nằm sát cánh rừng nên không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, không khí luôn mát mẻ rất thích hợp với nhóm khách thích gần gũi với thiên nhiên, trekking tìm hiểu rừng.

Châu Đức - 'thủ phủ' du lịch sinh thái - Ảnh 2.

Khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge được trao chứng nhận điểm đến trung hòa carbon

ẢNH: N.L

Cách đây 2 năm, trong một lần được bạn rủ về Suối Rao chơi, vợ chồng chị Tâm Lụa (37 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đã ngay lập tức yêu mến vùng đất này và quyết định biến nơi đây trở thành quê hương thứ hai của mình. Dù công việc kinh doanh hệ thống Spa đang rất phát triển ở TP.HCM, gia đình đang sống ở khu đô thị hiện đại bậc nhất, con học trường quốc tế nhưng chị Lụa vẫn quyết định bỏ phố về Suối Rao mua một mảnh vườn nhỏ xinh. Khu nghỉ dưỡng sinh thái Nhà Lụa Retreat ra đời trên khu đồi trọc khô cằn mang rất nhiều tâm huyết của vợ chồng chị Lụa. Với Spa, phòng thiền nằm dọc bên bờ suối, Nhà Lụa Retreat không chỉ là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng thông thường. Tận dụng lợi thế về rừng cây, vườn dược liệu và rau sạch, chị còn thường xuyên tổ chức các khóa thanh lọc, thải độc, các hoạt động thiền miễn phí, yoga, chăm sóc sức khỏe để phục vụ cộng đồng.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Suối Rao cho biết, trước đây sinh kế của phần lớn người dân địa phương chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Khoảng 5 năm gần đây, nhờ được đầu tư về hạ tầng giao thông kết nối, Suối Rao thu hút nhiều nhà đầu tư tìm về. Nguồn lực từ xã hội giúp thay đổi diện mạo nông thôn, nhà cửa khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân nâng cao hơn. "Trên địa bàn xã có gần 10 điểm dừng chân, mô hình du lịch sinh thái được người dân địa phương, nhà đầu tư nơi khác đến đầu tư xây dựng. Các khu, điểm này quảng bá giúp lan tỏa hơn vẻ đẹp địa phương đến du khách, nhất là những người yêu nét đẹp tự nhiên của rừng cây, hồ nước", ông Dũng nói thêm.

Châu Đức - 'thủ phủ' du lịch sinh thái - Ảnh 3.

H.Châu Đức có nhiều suối tự nhiên phù hợp cho du lịch trải nghiệm

ẢNH: N.L

Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

Ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND H.Châu Đức cho biết Châu Đức là một trong những vùng nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những đặc sản đã trở thành thương hiệu như: cà phê, ca cao, hồ tiêu và các loại cây ăn trái. Vài năm gần đây ngành nông nghiệp Châu Đức còn đem đến lợi thế khác cho địa phương về khai thác du lịch nông nghiệp. Đặc biệt với sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Châu Đức suối nước mát lành, khí hậu trung du mát mẻ là điều kiện lý tưởng cho những khu du lịch sinh thái hình thành, đã và đang trở thành xu hướng được nhiều du khách lựa chọn.

Châu Đức nằm giữa vùng công nghiệp tập trung lớn nhất tỉnh là TP.Phú Mỹ và địa phương du lịch mới nổi Xuyên Mộc, đồng thời là địa bàn cửa ngõ tiếp giáp với Đồng Nai. Đây là yếu tố thuận lợi trong giao thương kết nối, trung chuyển thu hút du lịch cho Châu Đức. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý chủ trương làm dự án đường cao tốc sân bay Long Thành - Hồ Tràm, toàn bộ tuyến cao tốc đi ngang qua H.Châu Đức, thêm vào đó với quốc lộ 56 hiện hữu cùng các tuyến đường 991, 992, 995, 997, Vành đai 4 TP.HCM khi đi vào hoạt động sẽ rất thuận lợi cho du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng ở Châu Đức. "Trên địa bàn hình thành hơn 10 mô hình du lịch nông nghiệp đã có sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch, mua sắm sản phẩm từ nông nghiệp. Châu Đức cũng có nhiều hoạt động quảng bá, nâng tầm chất lượng nông sản, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, giúp ngành nông nghiệp đi đúng hướng sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị", ông Liêm nói thêm.

Châu Đức - 'thủ phủ' du lịch sinh thái - Ảnh 4.

Một điểm du lịch ở Suối Rao

ẢNH: N.L

Trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng tại Châu Đức, TS Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM nhận xét, Châu Đức có đầy đủ chất liệu để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng để hình thành những mô hình du lịch cộng đồng sắc sảo, tinh tế và tạo được tiếng vang nhất định trong tương lai, thì Châu Đức nên hướng phát triển tích hợp và hội tụ. Trong đó, giá trị cốt lõi là sinh thái rừng, cây cối, bán không khí và bán câu chuyện về văn hóa, về giá trị của lao động sáng tạo đổi mới, của tinh hoa bách nghệ từ chuỗi sản phẩm OCOP. TS Minh gợi ý: "Trong tương lai liên kết là quan trọng. Liên kết để tạo thành hệ sinh thái cộng sinh, tương hỗ và có những hình thức tương tác để làm sao cho những sản phẩm du lịch trở thành những ký ức hoài niệm đặc sắc cho du khách. Châu Đức nên định vị là một không gian sinh thái kết nối liên hoàn từ những điểm khác trong tỉnh".

Nguồn: https://thanhnien.vn/chau-duc-thu-phu-du-lich-sinh-thai-185250428160553247.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm