Những vườn nhãn cho trái quanh năm, hút khách đến tận vườn
Không chỉ đưa cây nhãn về trồng thành công trên đất gò đồi, ông Đỗ Thanh Tái - bà Hoàng Thị Hoa (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) hay anh Lê Đăng Dương (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) còn áp dụng tốt kỹ thuật để nhãn cho trái quanh năm; biến mảnh đất khô cằn thành khu vườn xanh mát, sum suê trái, thu hút nhiều người đến tham quan, mua trái, bước đầu mang lại thu nhập cho gia đình.
Làm kinh tế ở tuổi xưa nay hiếm
Năm 2019, tuy đã ở cái tuổi gần 70, nhưng khi con trai mua được mảnh đất rẫy và có ý định trồng cây ăn trái, ông Tái và bà Hoa khăn gói từ Nam Định đến Tây Sơn, quyết tâm cùng con làm kinh tế theo hướng mới.
Bà Hoa cho biết, con trai bà làm nghề khoan giếng nên đi khắp các địa phương, công việc vườn chủ yếu do ông bà làm. Diện tích đất vườn hiện tại trước đây chủ yếu dùng trồng cây keo nên bạc màu, gia đình phải mất rất nhiều công sức để cải tạo. Sau khi cải tạo 2 ha đất, ông bà đưa vào trồng hàng nghìn cây ăn quả gồm: Mãng cầu, dừa, chuối, mít, bưởi, cam…, đặc biệt là trên 800 gốc nhãn.
Năm thứ 4, cây nhãn bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, từng chùm nhãn trĩu cành. “Những ngày đầu bán nhãn ở các chợ tại Tây Sơn, nhiều người nghe giọng tôi, lại nghe nói nhãn này được trồng ngay trên đất mình, không ai tin”, bà Hoa vừa nói vừa cười.
Để cây cho trái quanh năm, gia đình bà Hoa sử dụng kỹ thuật “xiết nước”, ép cây nhãn ra quả gối đầu nhiều đợt trong năm, vừa tận dụng được công lao động gia đình, vừa tránh tình trạng “dội chợ” khi không tiêu thụ kịp, trái lại có độ ngọt đậm đà hơn.
Hiện khu vườn rộng, lúc lỉu nhãn và các loại trái khác của gia đình bà thu hút nhiều người dân địa phương đến tham quan, mua trái. Chị Phan Chiến Lạc, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận cho biết, khi đến vườn, chúng tôi được tham quan, thưởng thức nhãn miễn phí; được tự tay chọn cắt những chùm nhãn ưng ý mua về.
“Người này giới thiệu người kia, nhất là thông qua mạng xã hội khiến vườn cây ăn trái nhà tôi được biết đến nhiều hơn. Hiện ngày nào cũng có người đến mua nhãn. Có những ngày, gia đình cắt liên tục từ sáng đến tối vẫn không kịp”, bà Hoa vui vẻ cho biết.
Ngoài nhãn, các loại cây khác như: Dừa, chuối, mãng cầu cũng đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Thuận, cho biết: Đây là mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn, đa dạng được triển khai thực hiện đầu tiên và hiệu quả ở địa phương, mở ra triển vọng cho phát triển nông nghiệp xã, nhất là đối với cây nhãn. Thời gian đến, Hội sẽ triển khai cho các hộ dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình này, góp phần cải thiện đất bạc màu, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích đất, chân đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bà Hoàng Thị Hoa (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cắt nhãn cho khách. Ảnh: ĐINH NGỌC |
Vườn nhãn trĩu quả trên vùng đất cằn
Sau 4 năm kiên trì cải tạo đất, chăm sóc vườn nhãn của anh Lê Đăng Dương (29 tuổi, quê tỉnh Đắk Lắk) đang xanh tốt, trĩu quả, bước vào vụ thu hoạch. Mấy mươi năm trước, gia đình anh Dương từ Hưng Yên vào Tây Nguyên lập nghiệp. Sau khi bố mẹ thành công với cây nhãn trồng tại huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), cách đây 5 năm, anh Dương đặt chân đến Bình Định cùng khát vọng đưa giống nhãn Hương Chi - đặc sản nổi tiếng của “vựa” nhãn Hưng Yên, chinh phục vùng đất mới.
Năm 2021, anh Dương thuê 1,5 ha đất đồi ở làng Kà Bưng (xã Canh Thuận), cải tạo khu đất cằn cỗi, lại thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô. Sau nhiều nỗ lực, năm 2024, 750 cây nhãn Hương Chi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng 4 tấn, doanh thu 100 triệu đồng. “Giống nhãn này có ưu điểm là sai quả và có thể kiểm soát thời điểm ra hoa. Năm nay nếu không gặp thời tiết bất lợi, vườn nhãn có thể đạt sản lượng 15 tấn”, anh Dương chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 4 này, nhiều người dân trên địa bàn huyện Vân Canh không thể cưỡng lại sự tò mò, rủ nhau ghé thăm vườn nhãn. Có tuần vườn đón hơn 1.000 lượt khách đến trải nghiệm, đông nhất là vào 2 ngày cuối tuần. Khách có thể thoải mái dạo bộ, chụp ảnh, dùng thử nhãn và tự tay lựa những chùm nhãn trên cây để mua mang về.
Mong muốn phát triển cây nhãn tại địa phương, anh Dương còn nhân giống để cung cấp cho những hộ dân có nhu cầu. Hiện tại, anh đang hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm cho một hộ dân ở làng Hà Lũy (xã Canh Thuận) trong việc trồng, chăm sóc nhãn.
Ông Trần Minh Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, nhìn nhận, vườn nhãn của anh Dương là thành quả của việc ứng dụng KHKT vào canh tác. Đây cũng là mô hình để bà con tham khảo, học hỏi, đồng thời gợi mở cho địa phương những hướng đi mới trong việc đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác đối với những vùng đất sản xuất bạc màu.
ĐINH NGỌC - NGUYỄN CHƠN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=355117
Bình luận (0)