Thanh toán số - “điểm sáng” trong chuyển đổi số
Trong nhiều phiên họp của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy quản trị, vận hành và cung cấp dịch vụ công. Đề án 06 của Chính phủ chính là chiếc chìa khóa giúp tháo gỡ những rào cản cũ, xây dựng một hệ sinh thái số thông minh, nơi mà dữ liệu đóng vai trò trung tâm và mang lại lợi ích thiết thực cho từng người dân, doanh nghiệp.
Nhiều điểm trông giữ phương tiện không sử dụng tiền mặt để thanh toán đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng, chống sai phạm, mất an ninh, trật tự trên lĩnh vực này. |
Một trong những điểm sáng lớn nhất của Đề án 06 chính là việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây không chỉ là kho dữ liệu khổng lồ giúp tối ưu hóa quản lý Nhà nước, mà còn là cầu nối để triển khai hàng loạt dịch vụ số như từ y tế, giáo dục, bảo hiểm cho đến tài chính, ngân hàng không sử dụng thanh toán tiền mặt. Nhờ đó, thủ tục hành chính trở nên tinh gọn, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Sự thay đổi không dừng lại ở đó. Đề án 06 còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, đảm bảo an ninh thông tin, ngăn chặn các hành vi gian lận trong giao dịch trực tuyến. Với căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử VNeID, mỗi cá nhân có thể tiếp cận các dịch vụ công mà không cần hồ sơ giấy tờ rườm rà, mở ra một kỷ nguyên mới của sự thuận tiện và bảo mật. Đặc biệt, những công cụ từ dữ liệu đã giúp đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, đây cũng là xu hướng tất yếu trong một xã hội số khi công dân đã được phát triển trở thành công dân số.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt là minh chứng rõ nét cho những thành tựu của Đề án 06. Khi dữ liệu dân cư được liên thông với hệ thống tài chính – ngân hàng, việc giao dịch trở nên nhanh chóng, dễ dàng và an toàn hơn bao giờ hết. Người dân giờ đây có thể thanh toán chỉ bằng một chạm trên điện thoại, thông qua các phương thức như ví điện tử, QR Code hay chuyển khoản ngân hàng, xóa bỏ dần sự phụ thuộc vào tiền mặt truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở các giao dịch cá nhân, thanh toán không tiền mặt đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong các lĩnh vực công cộng. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đánh giá: Tại Hà Nội, dịch vụ trông giữ xe thông minh áp dụng thanh toán điện tử đã giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Không chỉ vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần phòng, chống tình trạng gian lận, trốn thuế, những tiêu cực nảy sinh gây mất an ninh trật tự.
Trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã thúc đẩy thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại nhiều bệnh viện lớn, giúp bệnh nhân và người nhà không còn phải xếp hàng chờ đợi lâu. Ngoài ra, nhiều bệnh viện còn phát triển bệnh viện không giấy tờ như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, được người dân, bệnh nhân và dư luận đánh giá rất cao.
Tương tự, hệ thống giáo dục cũng dần số hóa, khi phụ huynh có thể đóng học phí cho con em qua các nền tảng trực tuyến, còn các khoản trợ cấp an sinh xã hội cũng được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng. Việc thúc đẩy thanh toán điện tử không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn góp phần minh bạch hóa nền kinh tế, giảm thiểu tình trạng trốn thuế, rửa tiền. Đồng thời, nó cũng giúp giảm chi phí in ấn và lưu thông tiền mặt, mang lại lợi ích to lớn cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Nghị quyết 57 và bước chuyển mình của nền kinh tế số
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã vạch ra con đường chiến lược để phát triển kinh tế số và xã hội số, Chính phủ số. Đề án 06 được xem chính là một trong những thành phần quan trọng, công cụ sắc bén giúp hiện thực hóa tầm nhìn đó. Với việc ứng dụng công nghệ sâu rộng vào quản lý Nhà nước và đời sống, đề án không chỉ nâng cao hiệu quả quản trị mà còn kiến tạo một hệ sinh thái số nơi người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thể kết nối, tương tác một cách liền mạch, thủ tục hành chính đang ngày càng được cắt giảm “không giới hạn” theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân khi thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần thúc đẩy xây dựng công dân số, xã hội số. |
Đến nay, theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thành tích hợp 58/76 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Bộ Công an đã chủ động rà soát, đánh giá 495 thủ tục hành chính của các bộ, ngành. Cụ thể, có 324 thủ tục hành chính có thể cắt, giảm (có thành phần hồ sơ là thông tin đã được tích hợp trên tài khoản VNeID), 200 thủ tục hành chính có thể khai thác dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai đã số hóa để cắt, giảm thành phần hồ sơ.
Hay như Bộ Xây dựng đã xây dựng lộ trình triển khai ứng dụng VNeID và sinh trắc học tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục tại sân bay. Bộ Y tế chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế, đến nay đã có 142 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng bệnh án điện tử. 98% dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, 99% dữ liệu cán bộ công chức, viên chức được làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dữ liệu về thuế, bảo hiểm, đất đai,... cũng đang được khẩn trương đẩy mạnh số hóa, làm sạch.
Về phía Bộ Công an đã tổ chức làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các doanh nghiệp công nghệ đồng hành với Chính phủ để tập trung nghiên cứu, đề xuất triển khai 38 nhiệm vụ dịch vụ, sản phẩm cho các bộ, ngành, địa phương; làm việc với Bộ Y tế và 5 Ngân hàng (Agribank, MBBank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) để triển khai hạ tầng, hồ sơ bệnh án điện tử và thống nhất hỗ trợ mở tài khoản an sinh xã hội miễn phí cho người dân.
Bộ Công an cũng làm việc với 7 doanh nghiệp công nghệ để triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng tổng thể chiến lược để trình về dữ liệu đất đai; Xây dựng tổng thể trong lĩnh vực tài chính; Triển khai Cơ sở dữ liệu xây dựng và quy hoạch; Cơ sở dữ liệu Kiểm soát tài sản thu nhập; Cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính; Cơ sở dữ liệu nông nghiệp; Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; Triển khai nền tảng giáo dục; Cơ sở dữ liệu hộ tịch; Cơ sở dữ liệu Xuất nhập cảnh; Các sản phẩm AI; Giải pháp chuyển đổi số tổng thể ngành y tế.
Những con số thực tế trên đã chứng minh rõ nét hiệu quả của Đề án 06. Tính đến nay, hàng triệu giao dịch thanh toán trực tuyến đã được thực hiện thành công trên các nền tảng số, giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội. Thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi, người dân và doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào các phương thức thanh toán điện tử, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững cũng như cải cách triệt để thủ tục hành chính vốn dĩ rườm rà, không ít sách nhiễu.
Đề án 06 không chỉ là một dự án về dữ liệu hay công nghệ, mà còn là bước tiến vững chắc để xây dựng một Việt Nam số - nơi mà mọi giao dịch, thủ tục đều có thể thực hiện trên môi trường trực tuyến. Khi các dịch vụ hành chính công trở nên thông minh hơn, khi mỗi giao dịch tài chính được thực hiện chỉ trong tích tắc mà không cần tiền mặt, đó chính là dấu hiệu cho thấy chuyển đổi số đang thực sự đi vào cuộc sống. Bằng cách tận dụng sức mạnh của công nghệ, Đề án 06 không chỉ giúp thực thi hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mà còn mở ra một chân trời mới cho sự phát triển bền vững của đất nước. Một Việt Nam số đang dần thành hình, nơi mà mỗi công dân đều có thể chủ động nắm bắt cơ hội và tiến về phía trước cùng kỷ nguyên số.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202503/chia-khoa-mo-canh-cua-chuyen-doi-so-va-nen-kinh-te-khong-tien-mat-1038402/
Bình luận (0)