Sách Chiến tranh tiền tệ - Phần 1: Ai là người giàu nhất thế giới? (Hồ Ngọc Minh dịch, Bách Việt và NXB Lao Động ấn hành) của tác giả Song Hong Bing vừa ra mắt, như một lời nhắc nhở về sức mạnh vô hình nhưng cực kỳ thực tế của đồng tiền trong cuộc chơi địa chính trị toàn cầu.
Tác giả nhắc nhở về sức mạnh vô hình, nhưng cực kỳ thực tế của đồng tiền trong cuộc chơi toàn cầu
Ảnh: NXB
Tác giả Song Hong Bing sinh năm 1968, mới đọc tên ông có vẻ... rất Hàn Quốc nhưng ông xuất thân từ Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ông được mọi người biết đến với vai trò là Viện trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế tài chính ở Bắc Kinh. Với kinh nghiệm đó, ông đã dày công thực hiện những nghiên cứu về kinh tế và cho ra đời hàng loạt các quyển sách về chủ đề này.
"Chiến tranh tiền tệ..." phân tích sâu về các cuộc khủng hoảng
Không dừng lại ở lý thuyết, tác giả Song Hong Bing đưa người đọc quay trở về đầu thế kỷ 21, khi các gia tộc ngân hàng, như Rothschild, lần đầu tiên vươn mình ra khỏi biên giới châu Âu để tác động lên cả thế giới. Tác giả cho thấy các tập đoàn tài chính này đã tích lũy quyền lực thông qua việc cho chính phủ vay, khởi xướng khủng hoảng tài chính và thao túng chiến tranh tiền tệ để mở rộng ảnh hưởng của mình.
Cuốn sách dựng lên một bức tranh đầy nghi vấn, nơi những biến động tài chính tưởng như ngẫu nhiên thực chất lại có thể là sản phẩm của những toan tính được giấu kín.
Một điểm đáng chú ý khác là cách Song Hong Bing phân tích sâu về các cuộc khủng hoảng hiện đại, chẳng hạn như khủng hoảng châu Á năm 1997, như là hệ quả tất yếu hoặc cơ hội được tận dụng bởi các thế lực tài chính quốc tế. Ông cho rằng những nền kinh tế mới nổi thường là nạn nhân trong cuộc chiến tiền tệ vô hình và nếu không có chiến lược tự chủ, họ sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy bị thao túng.
Song Hong Bing phân tích các cuộc khủng hoảng hiện đại, chẳng hạn như khủng hoảng châu Á năm 1997, như là hệ quả tất yếu hoặc cơ hội được tận dụng bởi các thế lực tài chính quốc tế
Ảnh: NXB
Ngoài việc phơi bày những âm mưu, cuốn sách còn khuyến nghị các quốc gia nên chú trọng vào việc tích trữ vàng và tài sản hữu hình, coi đó là lá chắn quan trọng để tránh lệ thuộc vào đồng đô la. Đây không chỉ là một đề xuất có lợi về mặt kinh tế, mà còn là lời cảnh tỉnh mang tính chiến lược về an ninh tài chính quốc gia nên tham khảo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-tranh-tien-te-cac-quoc-gia-nen-chu-trong-vao-viec-tich-tru-vang-185250417093205121.htm
Bình luận (0)